Khi nước Mỹ cạn tiền

16/10/2013 19:19 PM |

Nước Mỹ vẫn lâm vào bế tắc trong khi chỉ còn 1 ngày nữa là tới hạn chót.

Tác giả bài viết này là Bruce Bartlett. Ông từng giữ các vị trí cấp cao về tư vấn chính sách cho nội các của các cựu Tổng thống Reagan và George H.W. Bush. Ông cũng đã phục vụ cho các Thượng nghị sĩ Jack Kemp và Ron Paul. 

Theo thuật ngữ được sử dụng trong quân đội, chính phủ đóng cửa sẽ được gọi là cuộc chiến sử dụng vũ khí bình thường trong khi từ chối nâng trần nợ là một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân. Nói một cách ngắn gọn, từ chối nâng trần nợ sẽ gây nên những hiệu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều so với tình trạng chính phủ tê liệt như hiện nay. 

Một trong những lý do gây nên hiểu lầm về tầm nghiêm trọng của cuộc chiến trần nợ là đảng Cộng hòa thường tranh luận về cả hai mặt của vấn đề. Họ chắc chắn rằng không nâng trần nợ sẽ dẫn đến những thảm họa tương tự như sự sụp đổ của hệ thống tài chính hồi mùa thu năm 2008. Và, với hậu quả khủng khiếp như vậy, Tổng thống Obama buộc phải nhận ra vấn đề và sẽ phải đáp ứng yêu cầu của đảng Cộng hòa. Thế nhưng, đảng Cộng hòa cũng lại cho rằng đó không phải là một thỏa thuận lớn, rằng Mỹ vẫn có thể trả nợ cho Trung Quốc (nước đang nắm giữ 1.300 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ). 

Người ta thường thấy đảng Cộng hòa gạt bỏ sự nguy hiểm của việc chính phủ Mỹ vỡ nợ bằng cách cho rằng số tiền thuế mà Kho bạc Mỹ thu được lớn hơn rất nhiều so với số tiền mà cơ quan này nợ các trái chủ. Do đó, nước Mỹ chỉ cần làm một việc đơn giản là dành ưu tiên cho các khoản thanh toán. Tuy nhiên, lập luận này mắc phải hai vấn đề: về luật pháp và những gì sẽ diễn ra trong thực tế.

Vấn đề pháp lý được đề cập đến bởi một số học giả điển hình như Neil Buchanan (đến từ ĐH George Washington), Michael Dorf (ĐH Cornell) và Jack Balkin (ĐH Yale). Những học giả này cho rằng giới hạn nợ là luật công (public law), chứ không phải là một phần của Hiến pháp (vốn có vị thế cao hơn luật công). Các cuộc biểu quyết về ngân sách cũng là luật công, tương tự như các chương trình Medicare và An sinh xã hội. 

Vấn đề thứ hai nằm ở thực tiễn. Tất nhiên, những người cung cấp hàng hóa và dịch vụ chi chính phủ liên bang (cũng giống như những người mua trái phiếu của chính phủ), có quyền được chi trả. Thêm vào đó, đạo luật Thanh toán khẩn cấp (Prompt Payment Act) yêu cầu chính phủ phải hoàn thành các nghĩa vụ khi chúng đến hạn. 

Do đó, nếu như Kho bạc Mỹ hết tiền để thanh toán các hóa đơn đến hạn (điều sẽ xảy ra vào ngày 17/10 tới), bắt buộc luật lệ nào đó sẽ bị phá vỡ. Trong những ngày đầu tiên, các trái chủ sẽ không bị ảnh hưởng bởi đến ngày 31/10, khoản nợ đầu tiên mới đáo hạn (theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ). Tuy nhiên, vào ngày 17/10, chắc chắn phải có người chịu thiệt bởi chính phủ không có đủ tiền để trả cho tất cả các bên. 

Trái ngược với những gì người ta thường tin tưởng, Bộ tài chính Mỹ không thể ngày ngày sàng lọc nhiều loại hóa đơn có thời gian đáo hạn khác nhau và quyết định sẽ thanh toán cho hóa đơn nào. Trong nhiều trường hợp, họ không có đầy đủ thông tin chi tiết về từng hóa đơn. Các khoản thanh toán bắt nguồn từ các bộ và cơ quan chính phủ, sau đó hóa đơn được chuyển tiếp qua đường điện tử tới Cơ quan quản lý tài chính của Bộ Tài chính. Cơ quan này không hề biết hóa đơn thanh toán cho khoản gì mà chỉ kiểm tra xem liệu khoản thanh toán còn hiệu lực hay không và tài khoản có liên quan còn đủ tiền để chi trả hay không. 

Điều này có nghĩa là việc lựa chọn sẽ ưu tiên thanh toán khoản nào trước phải được thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều cơ quan - một quá trình rất rắc rối, phức tạp. Hơn nữa, đây là quy trình tốn nhiều thời gian và nếu như không bắt đầu trước ngày 17/10, chính phủ Mỹ không thể ngay lập tức thực hiện điều này. Nếu như chính phủ vẫn đóng cửa, sẽ cần đến một lượng lớn công chức liên bang để quy trình diễn ra trơn tru. 

Mặc dù một số đơn vị cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho chính phủ có thể không gấp gáp phản đối việc bị thanh toán chậm, có một bộ phận không nhỏ không thể chịu đựng điều này. Đó là những người nhận trợ cấp an sinh xã hội, trợ cấp cựu chiến binh, những bệnh nhân đang được chữa trị theo chương trình Medicare... Ngày 23/10, 12 tỷ USD phải được chi trả cho an sinh xã hội, theo sau đó là khoản thanh toán lãi trị giá 6 tỷ USD vào ngày 31/10. Ngày 1/11, nước Mỹ cần 67 tỷ USD trả cho an sinh xã hội. 

Bộ Tài chính Mỹ vừa khẳng định hệ thống thanh toán được thiết lập để chi trả cho các khoản nợ khi chúng đến hạn, cho dù có còn tiền hay không. Vì lý do này, trong trường hợp không có tiền mặt vì trần nợ không được nâng lên, Bộ Tài chính sẽ hoàn trả khi tiền mặt chảy vào. 

Tuy nhiên, nếu điều này khiến các trái chủ không được thanh toán đúng hạn, nó sẽ tạo ra những rắc rối tài chính nghiêm trọng, bởi Bộ Tài chính sẽ bị vỡ nợ, và những chứng khoán được phát hành bởi một cơ quan bị vỡ nợ không thể được giao dịch hoặc được Cục dự trữ liên bang chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Trong một báo cáo được công bố hôm 5/10, Goldman Sachs nhận định các nhà quản lý tiền tệ sẽ buộc phải bán tháo chứng khoán do Kho bạc phát hành trước ngày 17/10 để tránh bị mắc kẹt với những tài sản không thể giao dịch. 

Hãy nhớ rằng Kho bạc Mỹ không có sự lựa chọn nào khác ngoài đợi đến phút cuối để bắt đầu chi trả hoặc khiến các chứng khoán trở thành vô giá trị, bởi vẫn còn khả năng Quốc hội hành động vào phút chót. 

Một số học giả lại cho rằng nếu các thành viên của Quốc hội phớt lờ lời thề của chính họ và khiến nước Mỹ vỡ nợ, Tổng thống Obama nên tự động nâng trần nợ. Theo Phần 4 trong Tu chính án số 14 và những điều khác của Hiến pháp, ông Obama có quyền làm việc này. 

Tuy nhiên, ông Obama đã nhiều lần nhắc lại rằng đây không phải là cái cách mà ông sẽ lựa chọn. Chỉ có một điều chắc chắn: thời gian sắp tới sẽ là một thời kỳ không hề yên ả! 

Thu Hương

huongnt

Cùng chuyên mục
XEM