Sự thật bên trong “Nhà máy follower” - nơi xây dựng danh tiếng ảo trên mạng xã hội, kiếm hàng triệu USD nhờ buôn like, bán follower cho các "ngôi sao mạng"
“Mạng xã hội là một thế giới ảo, trong đó một nửa là 'bot' và phần còn lại là người thật”, Rami Essaid, người sáng lập Distil Networks, một công ty an ninh mạng chuyên “diệt trừ” các tài khoản ảo cho biết.
Jessica Rychly "thực" là một thiếu niên ở bang Minnesota với nụ cười tươi và mái tóc gợn sóng. Cô thích đọc sách và nghe các bài rap của Post Malone. Rychly sử dụng mạng xã hội để tán gẫu và đùa giỡn với bạn bè khi không thể gặp nhau. Thi thoảng, giống như nhiều người trẻ tuổi khác, cô đăng một bức ảnh tự chụp lên mạng xã hội.
Jessica Rychly
Nhưng trên Twitter có một phiên bản Jessica khác mà không ai trong số bạn bè hoặc gia đình biết đến. Cùng có tên, ảnh đại diện và tiểu sử như nhau, nhưng tài khoản Jessica còn lại kia lại đăng quảng bá những bất động sản ở Canada, tiền điện tử và thông tin về một đài phát thanh ở Ghana. Jessica "giả" còn theo dõi hoặc chia sẻ lại các bài đăng bằng tiếng Ả Rập và Indonesia, ngôn ngữ mà Jessica "thật" không hề nói được. Trong khi cô bé mới 17 tuổi, tài khoản ảo kia còn thường xuyên quảng cáo nội dung khiêu dâm bằng hình ảnh.
Những tài khoản hay được Jessica retweet về có tên là Squirtamania và Porno Dan. Tất cả đều thuộc về khách hàng của một công ty Mỹ có tên tối nghĩa "Devumi". Theo điều tra, công ty này đã thu được hàng triệu USD trên thị trường toàn cầu nhờ những hành vi gian lận truyền thông xã hội.
Devumi bán người theo dõi và lượt retweet cho những người nổi tiếng, doanh nghiệp hay bất kỳ ai muốn xuất hiện phổ biến hơn hoặc có ảnh hưởng trực tuyến. Dựa trên một kho lưu trữ ít nhất 3,5 triệu tài khoản tự động, mỗi tài khoản bán được nhiều lần, công ty đã cung cấp cho khách hàng hơn 200 triệu người theo dõi Twitter, theo điều tra của New York Times.
Có ít nhất 55.000 tài khoản sử dụng tên, ảnh đại diện, quê hương và các chi tiết cá nhân khác của người dùng Twitter thực sự, bao gồm cả trẻ vị thành niên. Theo tính toán, có đến 48 triệu người dùng tích cực của Twitter, gần 15% là các tài khoản tự động được thiết kế giả vờ là người thật, mặc dù Twitter tuyên bố một con số thấp hơn nhiều.
Vào tháng 11, Facebook tiết lộ với các nhà đầu tư của mình rằng công ty này có số người dùng giả mạo ít nhất gấp đôi so với ước tính trước đó, tức là có khoảng 60 triệu tài khoản tự động trên nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất này.
Mạng lưới tài khoản "ảo" trị giá hàng triệu USD
Năm ngoái, 3 tỷ người đã đăng nhập vào các mạng như Facebook, WhatApps, Twitter hay Sina Weibo. Thế giới phẳng không chỉ thay đổi thành phần 500 công ty được đánh giá cao nhất thế giới của Fortune, mà còn tạo ra chỉ số quảng cáo mới: số người theo dõi, số người thích hoặc số "bạn bè".
Đối với một số nghệ sĩ hoặc doanh nhân, trang cá nhân trên mạng xã hội là một yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến thế giới thực. Số lượng người theo dõi có thể khiến họ có thêm người đến ký hợp đồng, tăng giá các hợp đồng quảng cáo hay thu hút những đối tác tiềm năng.
Theo dữ liệu từ Capunch8, một công ty liên kết những người ảnh hưởng đến các thương hiệu, với 100.000 người theo dõi có thể kiếm được 2.000 USD cho mỗi tweet quảng bá, và 20.000 USD/ 1 tweet với những người có hơn 1 triệu người theo dõi.
Nói cách khác, số người theo dõi chính là "tiền" trong nền kinh tế song song với sự phát triển internet hiện nay.
Mặc dù Twitter và những mạng xã hội khác cấm mua bán người theo dõi, thì ở phía ngược lại, những công ty như Devumi vẫn công khai bán chúng.
Theo điều tra của New York Times, Devumi có hơn 200.000 khách hàng, bao gồm các ngôi sao truyền hình thực tế, vận động viên chuyên nghiệp, diễn viên hài, diễn giả TED, người mẫu và cả những mục sư.
Chỉ với mỗi một xu, đôi khi còn ít hơn, Devumi cung cấp người theo dõi trên Twitter, lượt xem trên Youtube… thậm chí cả chứng thực trên LinkedIn - trang web kết nối công việc chuyên nghiệp nhất.
Kathy Ireland là một KOL hiện đang có hơn 1 triệu người theo dõi trên Twitter. Nhưng vào tháng 1 năm ngoái, cô nàng chỉ có hơn 160.000 người theo dõi. Nhưng phân tích mới đây của Times cho thấy hầu hết những người theo dõi Ireland là ‘bot".
Số lượng người theo dõi trùng khớp nhau bất thường ( những vùng màu đỏ)
Và còn rất nhiều trường hợp với lượt theo dõi tăng chóng mặt trong 1 thời gian ngắn như vậy, nhưng họ phủ định hoặc xóa sạch dấu vết về tài khoản của mình.
Một số thừa nhận rằng họ phải mua "bot" cho vì áp lực từ cấp trên và yêu cầu công việc. Cấp trên của một người quản lý truyền thông tại công ty người mẫu giấu tên đã nói với anh: "Nếu không có đủ người theo dõi, anh nên mua chúng hoặc tìm một công việc khác", theo lời chia sẻ với Times.
Diễn viên Ryan Hurst, từng tham gia The Walking Dead và Sons of Anarchy đã mua tổng cộng 750.000 người theo dõi trong năm 2016 và 2017, xấp xỉ ¾ so với tổng lượng followers hiện tại.
Ông Dan, một người đăng những video khiêu dâm trên mạng đã mua ít nhất 150.000 người theo dõi từ Devumi và thừa nhận việc mua người theo dõi này tăng rất nhiều doanh thu cho doanh nghiệp, và rằng ông không sợ bị phạt. "Vô số nhân vật công chúng, các công ty, các nhà hoạt động âm nhạc,… cũng đều làm vậy. Nếu Twitter thanh trừng tất cả những người đã làm, thì hầu như chả còn mấy người trong sạch đâu", ông Leal khẳng định.
Chỉ trong vài năm, Devumi đã bán được khoảng 200 triệu người theo dõi Twitter cho ít nhất 39.000 khách hàng.
Đi tìm cách tạo ra một lượt theo dõi "ảo"
Devumi đã bán được ít nhất hàng chục ngàn "bot" cho mỗi vị khách. Trong một số trường hợp, một người dùng Twitter thực sự đã được chuyển đổi thành hàng trăm "bot" khác nhau, mỗi phút một biến thể.
Để hiểu rõ hơn, phóng viên New York Times đã mua dịch vụ tạo thử một tài khoản với giá 225 USD cho 25.000 người theo dõi. Như đã hứa 10.000 đầu tiên dường như là người thật. Họ có những bức ảnh, tên đầy đủ, địa chỉ chi tiết.
Nhưng nhìn kỹ hơn thì đã phát hiện ra những chi tiết lạ. Tên của tài khoản có thêm chữ cái hoặc được sử dụng dấu gạch dưới hoặc chữ cái thay thế tương tự nhau nhỏ đến nỗi gần như không thể nhận ra.
Chữ "i" ở tài khoản thật đã bị thay thế thành "I"
15.000 người tiếp theo thì dễ dàng phát hiện hơn: không có hình ảnh hồ sơ và tên họ là hỗn hợp của chữ cái, số và các từ.
Theo điều tra, những tài khoản được chọn để sao chép gồm những người dùng rất tích cực (nhưng không thực sự nổi tiếng) và những người chưa đăng nhập trong nhiều tháng hay nhiều năm.
Cô Salle Ingle, một kỹ cư 40 tuổi sống ở Colorado, cho biết cô rất lo lắng những thân chủ tiềm năng sẽ bắt gặp những phiên bản giả của cô khi xem xét các tài khoản truyền thông xã hội. "Tôi đang nộp đơn xin việc mới và tôi thực sự mong rằng không ai vô tình nhìn thấy tài khoản kia và nghĩ đó là tôi", cô trả lời khi thấy tài khoản mình follow những diễn viên phim người lớn.
Hoạt động bảo mật cấp cao nhưng vẫn bị "bắt bài"
Theo các nhân viên cũ được The Times phỏng vấn, doanh thu của Devumi rất cao và được ông chủ German Calas giữ bảo mật rất cao. Nhân viên đôi khi không biết những đồng nghiệp của mình đang làm gì, ngay cả khi ở cùng 1 dự án. Một nhân viên khác thì nói rằng ông Calas yêu cầu họ giữ bí mật về những gì đang làm, và yêu cầu cài đặt phần mềm giám sát trên thiết bị cá nhân của họ.
Nhưng dù thế nào công ty của Calas cũng không tránh khỏi bị chính những chiêu thức của mình "chọc" ngược lại. Năm ngoái, Boado, một nhà thầu cũ của công ty và cũng từng làm trợ lý hỗ trợ dịch vụ khách hàng đã thâm nhập được vào hệ thống kiểm soát được một cơ sở dữ liệu hơn 170.000 yêu cầu đặt hàng.
Từ đó Boado tạo ra một Devumi giả với cái tên "hao hao" DevumiBoost, với cùng một thiết kế trang web, cũng như địa chỉ trụ sở ở Mahattan, …
Tháng 7 năm ngoái, Boado đã đóng giả nhân viên của Devumi viết thư cho hàng trăm khách hàng của công ty này để DevumiBoost xử lý những đơn hàng của họ, sau đó giả làm khách hàng gửi yêu cầu hủy hàng cho Devumi 'thật'".
Vụ kiện cáo này làm lộ ra rằng Devumi không tạo ra "bot" của riêng mình. Thay vào đó, công ty mua chúng từ những bán buôn trên toàn thế giới. Thế nhưng sau tất cả, công ty vẫn hưởng lợi nhờ biên lợi nhuận khổng lồ.
Hàng nghìn người đã là nạn nhân cho sự buôn bán thất đức của Devumi
Tất nhiên là những người bị sao chép này không hề muốn việc này xảy ra, thậm chí họ còn rất lo sợ. "Tôi không thể tin rằng ai đó thậm chí sẽ trả tiền để tạo ra những điều phi lý như thế. Thật kinh khủng", Rychly nói.
Vào tháng 1 năm nay, sau khoảng 2 năm với hàng trăm tài khoản giả, Jessica Rychly nay đã 21 tuổi cuối cùng cũng đã xác thực được tài khoản của mình, những tài khoản ảo kia cũng bị ngừng hoạt động. Tuy nhiên, chia sẻ với New York Times, cô nói rằng mình không muốn sử dụng mạng xã hội nữa. "Tôi sẽ xóa tài khoản Twitter của mình", Rychly kết luận.