Người đàn ông đứng sau 15 startup tỷ USD: ‘Chúng tôi đang để mắt tới Việt Nam’

13/08/2019 16:51 PM | Kinh doanh

Những thương vụ gọi vốn gây tranh cãi tại Shark Tank Việt Nam Mang nhân vật lịch sử vào thẻ game, startup Sử Hộ Vương gây tranh cãi tại Shark Tank Việt Nam

Hans Tung là người gốc Đài Loan (Trung Quốc) và từng theo học tại ngôi trường danh giá Standford. Ông là người khá nổi tiếng trong giới đầu tư khi có tới 5 lần lọt vào danh sách Midas (vinh danh những nhà đầu tư mạo hiểm tốt nhất thế giới) do tạp chí Forbes bình chọn. Vinh dự đó đến từ sự thành công của Hans với tư cách đối tác quản lý của quỹ đầu tư mạo hiểm GGV Capital.

Đầu tư 300 công ty, tạo ra 15 startup kỳ lân

Hans Tung là một trong những người tiên phong rời bỏ Thung lũng Silicon để toàn tâm toàn ý về làm việc tại Trung Quốc đại lục vào năm 2006, nơi mà ông tiên đoán được tương lai bùng nổ của thị trường người dùng internet. GGV Capital là một trong những nhà đầu tư đầu tiên vào công ty công nghệ nổi tiếng Xiaomi và Hans cũng là thành viên hội đồng quản trị của tập đoàn này trong giai đoạn từ 2010 đến 2015.

"Bảng vàng thành tích" của ông tính tới thời điểm hiện tại bao gồm 3 trong số 5 ứng dụng mua bán trực tuyến phổ biến nhất trên chợ ứng dụng App Store, bao gồm Wish, Poshmark và OfferUp. Cùng với đó là một loạt cái tên nổi đình nổi đám khác như Slack, Bytedance, Airbnb và musial.ly (hay còn được biết đến với tên gọi khác là Tik Tok).

"Danh mục đầu tư của GGV hiện đang dừng lại ở khoảng 300 công ty lớn nhỏ, trong đó có 15 startup kỳ lân (những doanh nghiệp khởi nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD). Thành quả mà chúng tôi đạt được ngày hôm nay đến từ quá trình tìm kiếm trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là tại các thị trường như Mỹ - Latin, Đông Nam Á và Ấn Độ, những giải pháp giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến quá trình đô thị hóa. Sau đó, chúng tôi sẽ đầu tư vốn nhằm xây dựng những đội ngũ nhân sự có chất lượng tốt tại chính những nơi đó, và chính họ sẽ giúp chúng tôi giải quyết những vấn đề nan giải nhất. Khi tìm hiểu về thị trường người dùng Internet, chúng tôi thấy rằng Ấn Độ và Đông Nam Á là những thị trường hết sức tiềm năng", Hans chia sẻ về quan điểm tìm kiếm thị trường đầu tư của mình.

"Đây có thể gọi là "thiên thời, địa lợi". Có một khía cạnh khác chúng tôi cũng rất chú trọng đó là những bài học trong quá khứ. Chúng dạy tôi rằng không phải lúc nào cũng nên lặp lại những bước đi thành công trong quá khứ, thay vào đó là cách nhìn nhận sự về khác biệt của vấn đề", ông nói.

Người đàn ông đứng sau 15 startup tỷ USD: ‘Chúng tôi đang để mắt tới Việt Nam’ - Ảnh 1.
Hans Tung từng là thành viên HĐQT của Xiaomi. Ảnh: CNBC.

Thông qua việc phân tích các khía cạnh xã hội cũng như cộng đồng người bản địa dưới con mắt của một nhà xã hội học hơn là chỉ đơn thuần dưới con mắt của một nhà đầu tư mạo hiểm, Hans khiến mọi người phải ngả mũ thán phục khi nắm trong tay đến 15 kỳ lân công nghệ và con số này sẽ còn tăng lên.

"Những chủ doanh nghiệp thành công sẽ có xu hướng trăn trở về những vấn đề họ muốn giải quyết trong một khoảng thời gian dài và họ có khả năng tự học rất nhanh", Hans chia sẻ về những gì mình đúc kết được từ những nhà sáng lập đã giúp doanh nghiệp của mình phát triển thần tốc.

"Trường hợp của Lei Jun, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Xiaomi là một ví dụ. Tôi gặp Lei Jun lần đầu tiên vào năm 2007 khi anh ấy vừa nghỉ việc tại công ty phần mềm Kingsoft. Anh ấy rất quan tâm về mảng Internet di dộng, thương mại trực tuyến và mạng xã hội. Anh ấy thậm chí còn tìm hiểu về tất cả các dòng diện thoại đang có mặt trên thị trường. Chính 3 yếu tố trên đã đã trở thành mục tiêu phát triển cốt lõi của Xiaomi và Lei Jun đã suy nghĩ về chúng trong suốt 3 đến 4 năm trước khi Xiaomi ra đời. Việc hiểu rõ về ngành công nghiệp mình muốn tham gia cũng như nhu cầu thực sự của khách hàng là điều tối quan trọng. Một yếu tố khác nên được kể đến đó chính là khả năng lãnh đạo. Lei Jun tập hợp những cá nhân mà ông muốn làm việc cùng để xây dựng nên những điều tưởng chừng như "viển vông" tại thời điểm đó. Anh ấy hiện có hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội Weibo. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài lãnh đạo của anh ấy", Hans nói.

Quan tâm đến thị trường Việt Nam

Sau khi làm việc tại Trung Quốc được 7 năm, vào năm 2013, Hans bắt đầu mở rộng hoạt động của GGV ra thị trường toàn cầu. Ông muốn tìm một thử thách mới nằm ngoài Thung lũng Silicon và Thâm Quyến, tại các địa điểm mới như Jakarta, Bangalore và Sao Paulo. GGV sử dụng dữ liệu đến từ các doanh nghiệp mà họ góp vốn đầu tư tại Mỹ và Trung Quốc; đưa ra dự đoán rằng làn sóng bùng nổ số lượng người dùng internet sẽ mang nhiều điểm độc đáo và khác biệt. Vậy điều đó là gì?

"Họ trẻ với 47% người dùng dưới 24 tuổi. Số người thường xuyên sử dụng điện thoại di động lên đến 70%. Người dùng cũng rất đa dạng, đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau, nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Phần lớn trong số họ không sở hữu thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, và đó là lý do họ sẽ tìm đến những nền tảng thanh toán trực tuyến", Hans nói. Ông cũng ám chỉ rằng người dùng trẻ có xu hướng bị thu hút bởi những nền tảng mạng xã hội mới như musical.y và Bytedance, thậm chí trước cả khi họ biết đến Snapchat và Twitter.

Hans tin rằng với việc tận dụng được lợi thế người dùng trẻ cũng như tập trung vào các giải pháp được bản địa hóa nhằm giải quyết các vấn đề mang tính chất địa phương, một công ty khởi nghiệp có thể phát triển thành một "kỳ lân" hoặc "con rồng" tại Trung Quốc. Ông cũng khẳng định rằng "một trong số những bài học rút ra là tốc độ và kỹ năng cũng đóng góp vai trò hết sức quan trọng.

"Những quốc gia mà chúng tôi đang để mắt tới là Indonesia, Việt Nam, Brazil, Mexico và Ấn Độ. Họ có thị trường nội địa đủ lớn. Ngoài ra, các thị trường lân cận cũng khá tiềm năng để các công ty có thể tiến hành mở rộng", Hans nói.

Sự táo bạo cũng như thông tin đặc biệt là những gì GGV tìm kiếm ở các công ty khởi nghiệp. "Khi tôi đến Bangalore hoặc New Delhi, các nhà sáng lập doanh nghiệp sẵn sàng tìm gặp tôi cho dù đó là nửa đêm, thứ bảy hoặc chủ nhật. Tôi nhận thấy được ý chí của họ khi đến thăm văn phòng công ty. Bạn có thể thấy rõ tinh thần hăng say làm việc và cảm thấy tràn trề năng lượng với những gì họ đang làm. Thật ấn tượng khi thấy họ tin vào những điều thậm chí còn lớn hơn cả bản thân họ".

Qua kinh nghiệm đầu tư vào 15 kỳ lân công nghệ của mình, Hans thấy được nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thành công, những "bí kíp" mà giờ đây ông đang sử dụng để chỉ dẫn các nhà sáng lập doanh nghiệp đi đúng hướng.

"Tôi lúc nào cũng nói đùa rằng tôi không cần là người thông minh nhất trong căn phòng này. Tôi chỉ cần có thật nhiều dữ liệu tốt mà thôi. Giá trị thặng dự lớn nhất của chúng tôi đó là trở thành người hướng dẫn, tư vấn cho các nhà sáng lập doanh nghiệp để giúp họ vượt qua những thách thức, thông qua việc sử dụng những kinh nghiệm mà chúng tôi thu được từ những trường hợp thành công trong quá khứ. Chúng tôi có thông tin cũng như nguồn lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau để chia sẻ với họ. Ví dụ, trong lĩnh vực phương tiện giao thông cỡ nhỏ, chúng tôi đã đầu tư vào Hello tại Trung Quốc, Grab tại Đông Nam Á, Lime tại Mỹ và Grin plus Yellow, hay còn gọi là Grow, tại thị trường Mỹ-Latin. Thông qua các mối quan hệ và chuyên môn của mình, chúng tôi giúp Didi trở thành một trong những nhà đầu tư của Grab và sẽ giúp công ty này thiết lập hoạt động kinh doanh tại thủ đô Bắc Kinh.

Người đàn ông đứng sau 15 startup tỷ USD: ‘Chúng tôi đang để mắt tới Việt Nam’ - Ảnh 2.
Việt Nam là một trong những thị trường GGV Capital và Hans Tung đang quan tâm. Ảnh: RISE.

Lời khuyên của ông dành cho các doanh nghiệp muốn kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đó là: "Tôi từng 2 lần thành lập doanh nghiệp và cũng từng đó lần tôi nhận được tiền đầu tư. Do đó, tôi hiểu sự khó khăn khi làm việc với các quỹ đầu tư. Tôi nghĩ rằng các nhà sáng lập doanh nghiệp cần phải nghĩ về những mục tiêu họ muốn đạt được trước khi thành lập công ty. Không phải ai cũng cần tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Với những ai mong muốn định giá doanh nghiệp của mình và kêu gọi vốn, họ cũng nên dự tính trước những gì họ có thể đem lại cho các quỹ đầu tư. Nếu như một công ty không thể tự đánh giá giá trị của mình cũng như kết quả hoạt động không mấy sáng sủa, các quỹ cũng không cảm thấy hào hứng tham gia đầu tư. Và với chúng tôi, chi phí cơ hội của nguồn lực chúng tôi đang sở hữu là rất lớn".

Hans khuyến khích những ai đang có ý định thành lập một doanh nghiệp cho riêng mình phải tích lũy càng nhiều kinh nghiệm càng tốt. GGV có một chương trình với tên gọi "Founders and Leaders", qua đó các nhân viên từ Facebook và Airbnb sẽ chia sẻ những bài học về phương pháp định giá doanh nghiệp.

Ông cho rằng cách tốt nhất để bản thân tự học hỏi là cơ hội làm việc với các công ty có tốc độ phát triển nhanh và đã vượt qua nhiều vòng gọi vốn trước đó. "Bạn cần phải tham gia vào mọi công đoạn và biết được những yếu tố nào giúp chúng ta có thể định giá được doanh nghiệp nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công ty của chính mình. Sau đó, một khi bắt đầu, bạn sẽ ở một vị trí tốt hơn để đương đầu với những chướng ngại vật trong suốt quá trình phát triển. Hãy thận trọng với những mục tiêu của bản thân, vì một khi bạn đã bắt đầu rồi, bạn hoàn toàn có thể sẽ vấp phải trạng thái bế tắc trong vòng 5 đến 10 năm tới. Khi bạn có 50 đến 100 nhân viên, áp lực cũng là rất lớn. Đó là cảm giác trách nhiệm. Đo đó, chọn lựa kỹ càng và phong thái sẵn sàng, là lời khuyên tôi dành cho các chủ doanh nghiệp tương lai", Hans chia sẻ.

Theo Trọng Đại

Từ khóa:  StartUp
Cùng chuyên mục
XEM