Sự chuyển mình kỳ diệu của kinh tế Việt Nam trong mắt nhà quản lý quỹ nước ngoài

11/01/2017 08:52 AM | Xã hội

Trên Business Insider, Mark Mobius, chuyên gia về đầu tư mạo hiểm tại các thị trường mới nổi, đã dành những mỹ từ cho sự chuyển mình của Việt Nam, từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.

Joseph Mark Mobius là một nhà quản lý quỹ chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi công tác tại Franklin Templeton Investments. Ông là Chủ tịch của Templeton Emerging Markets Group.Mới đây chuyên gia này đã có bài viết nêu lên những ấn tượng mạnh mẽ của ông về quá trình phát triển, đổi mới của kinh tế Việt Nam.

Quá trình chuyển đổi mạnh mẽ

Chỉ trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang lên thúc đẩy tăng trưởng vững chắc và thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. Thị trường đang lên và nhiều triển vọng này mang trong mình những cân bằng thú vị với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nhưng việc Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ quay lưng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – hiệp định thương mại mà Việt Nam được coi là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất – vẫn gây ra những tác động nhất định. Tuy nhiên, Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do khác ngoài TPP, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà 10 nước ASEAN cũng như Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand đều là thành viên.

Kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua.
Kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua.

“Tôi tin rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn cả với các nhà đầu tư và khách du lịch. Tương lai của Việt Nam sẽ tươi sáng. Tôi vừa có cơ hội thăm Việt Nam và được nhìn tận mắt làn sóng thay đổi đang diễn ra ở quốc gia này”, Mobius nhận định.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, với GDP tăng trung bình 7% trong suốt giai đoạn bùng nổ kinh tế từ 2000-2015. Bùng nổ kinh tế cũng thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng Việt Nam. Năm 1990, tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người bình quân là 910 USD nhưng vào năm 2015, con số này đã tăng lên 5.690 USD.

“Khi tới thăm một công ty sữa, chúng tôi biết người Việt Nam tiêu thụ trung bình 16 lít sữa/năm. Đây là con số khiêm tốn nếu so với hơn 100 lít ở Mỹ và 30 lít ở Trung Quốc nhưng vẫn rất ấn tượng. Chẳng có gì ngạc nhiên khi lợi nhuận của công ty sữa trên tăng liên tục trong 5 năm qua. Họ không chỉ sản xuất phục vụ thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu sang các nước trong khu vực và một số quốc gia ở thị trường Trung Đông”, Mobius lấy ví dụ về sự phát triển ở Việt Nam.

Nhiều công ty lớn ở Việt Nam là doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa đang diễn ra mạnh mẽ với các kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán. Cổ phần hóa không chỉ giảm nợ công mà còn thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng như tạo động lực cho xuất khẩu. Các ngành dịch vụ, bao gồm cả du lịch, đang chiếm hơn 40% GDP của Việt Nam và đó cũng là lĩnh vực các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất.

Cái nhìn điển hình về du lịch trên đảo Phú Quốc

Để nghiên cứu ngành công nghiệp du lịch Việt Nam, Mobius và các đồng nghiệp đã tới đảo Phú Quốc. Phi cơ chở họ đáp xuống sân bay mới, hiện đại có thể đón nhận cả các chuyến bay trong nước và quốc tế. Hàng không là cửa ngõ quan trọng của hòn đảo nằm ở vùng biển phía nam Việt Nam. Muốn tới Phú Quốc, hành khách có thể bay từ Thành phố Hồ Chí Minh với 30-50 USD cho một tấm vé giá rẻ.

Chính phủ cũng có những ưu đãi cho người nước ngoài muốn du lịch Phú Quốc với thời gian lưu trú từ 15 đến 30 ngày mà không cần visa. Du khách khó có thể tìm thấy nơi nào khác ở Việt Nam được hưởng ưu đãi tương tự.

Hàng loạt công trình phục vụ du lịch mọc lên ở Phú Quốc.
Hàng loạt công trình phục vụ du lịch mọc lên ở Phú Quốc.

Trong thời gian thăm đảo, nhóm của Mobius sử dụng ô tô và đạp xe để tham quan. Họ ấn tượng mạnh với sự bùng nổ xây dựng với khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và hệ thống cáp treo nối liền đảo lớn với các đảo nhỏ khác. Với diện tích 574 km vuông, gần bằng diện tích Singapore, Phú Quốc được chọn là điểm nhấn trong phát triển du lịch ở Việt Nam.

Đường từ sân bay về khách sạn là cao tốc 4 làn xe mới xây dựng. Chính phủ đã dành hơn 1 tỷ USD để đầu tư cơ sở hạ tầng trên đảo, trong đó có 700 triệu USD xây dựng phi trường. Theo số liệu chính thức, hết mùa hè năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt và cấp phép hơn 160 dự án với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 6 tỷ USD trên hòn đảo này.

Từ suốt thời kỳ Pháp thuộc tới hết chiến tranh, Phú Quốc được biết tới với hệ thống nhà tù khét tiếng. Tuy nhiên, hòn đảo cũng nổi danh với các đặc sản như nước mắm, hạt tiêu. Kinh tế Phú Quốc ngày nay dựa vào du lịch thay vì đánh bắt cá và nông nghiệp như trong quá khứ. Ở phía bắc hòn đảo, 1.000 phòng khách sạn, 1.000 biệt thự nghỉ dưỡng và một trong những công viên giải trí lớn nhất thế giới đã đi vào hoạt động. Sân golf, sòng bạc và bệnh viện quốc tế cũng đã được xây dựng.

Ở phía nam đang xây dựng hệ thống cáp treo nối liền các đảo, những khách sạn ngoạn mục ven biển hay những trang trại nuôi trai lấy ngọc. Hạ tầng giao thông cũng được đầu tư phát triển, tạo số lượng lớn công ăn việc làm cho người dân địa phương. Nhiều ngư dân và nông dân cũng đã góp mặt vào ngành dịch vụ phục vụ du khách ở Phú Quốc.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM