Startup muốn gọi được vốn từ nhà đầu tư không nên bỏ qua 5 yếu tố trọng yếu mà Richard Branson chỉ ra sau

13/06/2018 19:02 PM | Kinh doanh

Trong kinh doanh, tiền được ví như là máu của doanh nghiệp. Nó làm cho mọi quy trình từ thiết kế, sản xuất và tiếp thị của một sản phẩm trơn tru cũng như gia tăng hiệu quả của quản trị. Trong khởi nghiệp, tiền cũng quan trọng không kém, không có tiền ít tưởng dù hay đến mấy cũng khó thành hiện thực.

Thế nên huy động vốn luôn là một bài toán kinh tế khó khăn thường trực với bất kỳ doanh nghiệp nào. Các doanh nhân, những người đang tìm cách huy động vốn – dù là từ ngân hàng, nhà đầu tư thiên thần hay các nhà đầu tư mạo hiểm – đều phải đối mặt với các điều kiện khó khăn.

Theo tỷ phú Richard Branson, cách tốt nhất là của một bài thuyết trình gọi vốn là giữ mọi thứ thật đơn giản và bảo đảm rằng bài trình bày về ý tưởng kinh doanh mới của bạn bao hàm 5 yếu tố trọng yếu sau:

1. Trong đó có gì dành cho họ?

Đôi khi, một doanh nhân đang hy vọng thành lập được doanh nghiệp đầu tiên của mình mải suy nghĩ quá nhiều về ý tưởng mà bỏ qua kế hoạch pháp lý và tài chính – và thật không may là điều này lại thường thể hiện rất rõ ngay từ đầu buổi gặp mặt, thời điểm mà một nhà đầu tư có thể chưa nắm rõ được bản đề xuất sẽ trông như thế nào.

Trước khi sắp xếp bất kỳ cuộc gặp mặt nào, hãy tập hợp đội của bạn và xác định mục tiêu của các bạn đối với doanh nghiệp và lượng vốn mà các bạn cần để thực hiện thành công các mục tiêu này.

Bạn sẽ chấp nhận đổi cổ phần trong doanh nghiệp mới thành lập để lấy tiền hay sẽ chấp nhận một khoản vay? Bạn sẵn sàng chấp nhận những điều kiện ràng buộc nào liên quan đến những khoản đầu tư này? Bạn sẵn sàng đánh đổi bao nhiêu cổ phần hay lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp để nhận được tiền tài trợ khởi nghiệp? Các nhà đầu tư tiềm năng của bạn có nhiều khả năng sẽ đặt ra những câu hỏi này, vì vậy, hãy chuẩn bị những câu trả lời rõ ràng và hợp lý.

Và trong khi chuẩn bị bài thuyết trình, hãy nhớ rằng những người hỗ trợ tương lai của bạn muốn biết bao giờ họ được "hoàn vốn trên đầu tư" cũng như thấy được "các chiến lược thoái vốn".

2. Hãy cụ thể

Để giành được lòng tin của một nhà đầu tư, bạn phải thể hiện mình sở hữu kiến thức vững chắc về ý tưởng hoặc ngành công nghiệp bạn dự định kinh doanh, đưa ra kế hoạch từng bước để cung cấp một sản phẩm/dịch vụ mới mẻ, mang tính cách tân và có tiềm năng mang lại lợi nhuận trên đầu tư cao.

Hãy giải thích rõ cách bạn sẽ biến ý tưởng tuyệt vời của mình thành một dịch vụ hoàn hảo hoặc đưa ra các kế hoạch sản xuất chi tiết. Trình bày rõ cách bạn cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ với mức giá thấp hơn mức mọi người sẵn sàng trả, từ đó bù được các chi phí và thu về lợi nhuận.

Hãy nhìn vào mắt họ và nói với họ bằng ngôn ngữ tích cực như, "chúng ta sẽ phân phối" và tránh những mệnh đề mập mờ như "hy vọng là", "nếu may mắn" hay "có thể sẽ mang lại kết quả tốt".

Startup muốn gọi được vốn từ nhà đầu tư không nên bỏ qua 5 yếu tố trọng yếu mà Richard Branson chỉ ra sau - Ảnh 1.

3. Hãy cứng rắn

Hãy giải thích dứt khoát lý do tại sao công ty mới của bạn sẽ đem lại cho khách hàng một giao dịch tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Và nếu bạn cho rằng mình không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào thì hãy nghĩ lại đi. Nếu ý tưởng của bạn thực sự có tiềm năng thì hãy tin rằng sẽ có người khác sớm nhảy vào thử sức và khai thác cơ hội đó.

Nếu một ngân hàng hoặc một nhà đầu tư để mắt đến doanh nghiệp của bạn, thì chẳng có lý gì họ lại không khảo qua các đối thủ cạnh tranh của bạn. Do đó, qua bài trình bày của mình, điều tối quan trọng là bạn phải hiểu đối thủ cạnh tranh của mình và giải thích cặn kẽ nhưng cứng rắn lý do tại sao doanh nghiệp của bạn lại là lựa chọn tốt hơn. Hãy thổi bay họ! Đừng quá tiêu cực. Tốt nhất là bạn nên tự tin và nghiêm túc, và tệ nhất là bạn không coi đối thủ cạnh tranh của mình ra gì.

4. Chứng minh rằng tăng trưởng là bền vững

Sẽ luôn có những thị trường mới và lĩnh vực mới nổi lên khi mọi thứ thay đổi và các doanh nghiệp cũ tịnh tiến đến điểm cuối trong vòng đời của chúng. Mọi thứ luôn thay đổi, vì vậy, hãy giải thích rõ những kế hoạch của bạn để đương đầu với những thay đổi về kỹ thuật cũng như những lần dịch chuyển thị trường không thể tránh khỏi đang chờ bạn phía trước.

Tăng trưởng vô hạn là điều không tưởng trong một thế giới hữu hạn các nguồn lực: vì vậy, hãy thảo luận về những thách thức của bạn trên khía cạnh các nguồn lực và sự lãng phí, từ đó trình bày một kế hoạch thể hiện sự tự tin vào khả năng duy trì cộng đồng và môi trường doanh nghiệp mới của bạn.

5. Thể hiện sức mạnh "băng ghế dự bị"

Bạn có một đội ngũ sẵn sàng đưa doanh nghiệp của bạn tiến lên trong thập kỷ tới không? CV của họ có cho thấy họ đủ năng lực đảm nhận công việc không? Hãy chứng minh cho nhà đầu tư tương lai thấy bạn đã tìm được đúng người cho công ty mới của mình. Những người hỗ trợ bạn luôn muốn đảm bảo tiền của họ sẽ nằm trong tay người khéo dùng. Bạn cũng cần cho họ thấy rằng trong đội của mình có sẵn người có khả năng thế vào vị trí của bạn khi bạn quyết định chuyển sang vụ đầu tư mạo hiểm hoàn toàn mới tiếp theo!

Nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng ảm đảm đồng nghĩa với việc các đối thủ cạnh tranh của bạn có thể đang phải dồn sức giữ chặt khách hàng của mình. Đây là thời điểm tuyệt vời để đưa ra một cách tiếp cận đổi mới – tại Virgin, chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng đột biến các ý tưởng mới và sự đổi mới. Có nhiều nhà đầu tư và ngân hàng nhận ra điều này và nếu được "gãi đúng chỗ ngứa", họ sẽ sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

Vì vậy, hãy quyết đoán, thuyết trình ý tưởng một cách đầy tự tin, súc tích và rõ ràng. Bạn có thể sẽ sớm nhận được tấm séc đầu tư đáng nhớ đầu tiên.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM