Start up từ... đồ bỏ đi

13/06/2017 10:20 AM | Kinh doanh

Xuất phát từ tình thương với những người khó khăn trong hành trình đi tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa, chàng trai 8x Phan Bá Mạnh - Giám đốc Công ty Dobody toàn cầu đã quyết định khởi nghiệp từ dự án Dobody - một ứng dụng khớp lệnh trao đổi hàng hóa trên internet với ý tưởng ban đầu là trao đổi đồ bỏ đi, lấy của người chán tặng lại người cần. Ít ai ngờ rằng, đồ bỏ đi có thể được đầu tư triệu đô.

Không giống với đa số start up, Phan Bá Mạnh thành công ở một dự án khác rồi mới đầu tư vào Dobody. Anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2007 với công ty đầu tiên làm về mã số, mã vạch - Công ty CP ATO. Sau 6 năm hoạt động, ATO có hơn 100 nhân sự, có mặt ở cả hai miền Bắc, Nam và phát triển tốt. Anh bảo: “Năm 2007, khái niệm start up không nở rộ như bây giờ, chúng tôi làm về giải pháp cho siêu thị, đến bây giờ nhìn lại có thể gọi là thành công. Ngày ấy, 3 anh em dồn tất cả mới được khoảng 50 triệu đồng và vay mượn thêm. Sau thành công của ATO, tôi có đầu tư vào một công ty giặt là nhưng thất bại”. Từ đó, anh rút ra một điều mấu chốt của thành công hay thất bại trong vấn đề start up không đơn giản là ý tưởng, mà thực sự là cách thức thể hiện của mình thế nào.

Và chính trong những ngày thử thách với công ty giặt là, Phan Bá Mạnh đã nhen nhóm Dobody. Trong một chuyến đi từ thiện sau cơn bão năm 2014, những hình ảnh nghèo đói của đồng bào Rục ở Quảng Bình, trẻ con nhìn thấy đồ ăn mắt sáng rực, hau háu khiến anh suy nghĩ, trăn trở. Về nhà, bắt gặp cảnh hàng xóm muốn vứt đồ thừa là bộ salon mà cũng không biết vứt đi đâu, có nhà phải lén lút vứt đồ khiến anh suy nghĩ đến một giải pháp nào đó để “chỗ thừa bù chỗ thiếu”. Và ý tưởng Dobody ra đời - nơi mọi người có thể trao đổi, tặng đồ cho nhau, những đồ mà đối với mình không còn giá trị sử dụng nhưng với người khác là quý.

Những lệnh kết nối cung - cầu được khớp khiến Phan Bá Mạnh tin tưởng hơn vào dự án của mình. Anh quyết định đầu tư từng chút một; tìm kiếm các cộng sự, những người sẵn sàng cùng “nhảy vào lửa” khi quyết định làm việc không nhận lương, mà đợi chờ giá trị tích lũy từ cổ phần khi dự án thành công. “Thực ra, dự án này không đơn giản là giải pháp kết nối cho đồ bỏ đi, mà thực chất là nền tảng khớp lệnh dựa trên cung - cầu, thừa - thiếu, ứng dụng được ở nhiều lĩnh vực khác nhau”, Mạnh chia sẻ.

Theo thời gian, Doboy được hoàn thiện với 4 chức năng khớp lệnh cơ bản: Bán đồ thừa, Tìm đồ thiếu, Đổi đồ giao lưu và Làm từ thiện.

Đầu tiên, Dobody có thể áp dụng ngay trong lĩnh vực từ thiện, để làm sao các cá nhân, tổ chức từ thiện biết khu vực nào cần gì, thiếu mặt hàng nào để mua cho phù hợp mà không bị dồn vào một mặt hàng gây ra sự lãng phí lớn trong khi bà con lại thiếu. Với ứng dụng trong hoạt động từ thiện, Mạnh mong muốn tìm được một tổ chức từ thiện để vận hành cho hiệu quả. Sau đó, có thể áp dụng trong lĩnh vực thương mại, sẽ là công cụ kết nối người bán và người mua với nhau. Thậm chí, Dobody có thể áp dụng ngay trong lĩnh vực GTVT, để tránh tình trạng xe thì nhồi nhét hành khách, xe lại chạy không, hành khách thì lúng túng đón xe.

Hiện, Dobody đã có hợp đồng với Singapore và cũng đã đặt văn phòng đại diện ở Singrapore, vì Mạnh nhận thấy môi trường ở đảo quốc Sư tử rất phù hợp với ứng dụng Dobody. Như giao thông thuận tiện, diện tích nhỏ nên việc trao đổi hàng hóa rất thành công, chỉ sau vài phút đã có thể thực hiện xong một giao dịch.

Tính đến thời điểm này, Dobody đã ngốn của anh hơn 4 tỷ đồng mà chưa thu về được bao nhiêu. Nhưng anh vẫn khẳng định và hy vọng, số đầu tư đó nằm trong kế hoạch của mình. Hơn nữa, anh đã từng thất bại một lần nên đã suy nghĩ rất kỹ càng cho kế hoạch… tái khởi nghiệp với Dobody. Hiện, anh vẫn tiếp tục xây dựng các giải pháp quản trị nhỏ cho các DN để lấy ngắn nuôi dài. Có thể thấy, khoản đầu tư cho Dobody vẫn chưa dừng lại…

Theo Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM