Bằng cách thuyết phục khách hàng chẳng giống ai, startup bán chăn "nặng chịch" có giá lên tới 200 USD này đã gọi vốn được 4,7 triệu USD

07/06/2017 09:51 AM | Startup

"Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" - đây có lẽ là câu trâm ngôn đã giúp Gravity - startup bán chăn gọi vốn thành công lên tới 4,7 triệu USD.

Gravity, tên của một startup sản xuất loại chăn đặc biệt đã gọi được tới 4,7 triệu USD từ Kickstarter. Điều thú vị là những nhà sáng lập dự án tự miêu tả đó là loại chăn nặng nhưng sẽ khiến người dùng cảm thấy thoải mái, giảm bớt stress và có được giấc ngủ ngon hơn. Một miêu tả "kì dị" vì chưa từng có ai đắp một loại chăn nặng mà lại cảm thấy thoải mái cả.

Một trong những điều quan trọng để bắt đầu khởi nghiệp, đó là thu hút được sự chú ý của người dùng bằng ý tưởng độc đáo, một ý tưởng mà họ chưa từng được nghe. Ngoài ra, chúng ta phải thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng về sản phẩm mà chúng ta dự định đầu tư.

Dĩ nhiên, công việc đó không hề dễ dàng. Nhưng hãy nhìn vào Gravity mà xem, họ khiến cho rất nhiều người sẵn sàng bỏ ra 200 USD để mua về một chiếc chăn nặng, nhưng vì mục đích giải tỏa căng thẳng, giảm stress. Điều đó hoàn toàn đáng đồng tiền, bát gạo.

3 câu hỏi tại sao?

Khi hình thành và phân tích một startup, luôn có 3 câu hỏi được đặt ra cho những người sáng lập. Thường thì tất cả mọi người đều có thể trả lời 2 câu hỏi đầu tiên, nhưng câu thứ 3 không hề đơn giản.

- Tại sao người dùng phải chọn chúng ta?

- Tại sao lại là thời điểm này?

- TẠI SAO?

Đối với trường hợp của startup Gravity, chúng ta có thể bỏ qua câu hỏi thứ nhất. Vì mọi thứ khá rõ ràng, điều quan trọng là họ muốn giải tỏa stress và một giấc ngủ ngon lành sau ngày làm việc vất vả. Họ chỉ quan tâm đến vấn đề cần giải quyết, đó là stress và giấc ngủ ngon, mà quên đi mất vấn đề sức khỏe khi đi ngủ dưới một áp lực lớn từ chiếc chăn nặng.

Thực tế, Gravity đã phải đấu tranh với một số nghiên cứu về sức khỏe liên quan đến sản phẩm của mình. Nhưng họ đã lái câu chuyện sang một hướng khác, nhằm đánh lừa dư luận. Vì vậy nếu phải trả lời câu hỏi đầu tiên, Gravity khó có thể làm được, vì lý thuyết của họ thì có lợi nhưng thực tế thì có thể xảy ra ngược lại.

Với câu hỏi thứ 2, tại sao Gravity lại xuất hiện và thu hút được nhiều vốn đầu tư vào thời điểm này?

Chúng ta có thể đưa ra kết luận ngay lập tức, đó là nhờ vào Kickstarter. Kickstarter đã trở thành môi trường giúp sức cho rất nhiều hoạt động khởi nghiệp dựa vào câu chuyện họ muốn kể. Nôm na là, Kickstarter sẽ giúp những búp hoa tiềm năng có thể nở rộ nếu như chính búp hoa đó đủ sức sống.

Một câu chuyện, một đoạn video quảng cáo kết hợp cùng lời hứa hẹn viển vông nhưng đúng những gì người dùng mong đợi, rất có thể sẽ nhận được nguồn đầu tư khổng lồ.

Người dùng sẽ bị đưa vào thế bị động, phải đưa ra quyết định đặt trước hoặc không. Đặt hàng trước thì chắc chắn sẽ không thể trải nghiệm thực tế sản phẩm. Nhưng không đặt hàng trước sẽ không thể có được sản phẩm với mức giá vừa phải như vậy. Khác hẳn với việc các nhãn hàng đưa ra các chương trình khuyến mãi hay sale, nó sẽ làm thương hiệu trở nên mất giá và loãng dần. Còn việc bỏ vốn cho một startup như thế này lại hoàn toàn khác.

Điều này thách thức những người sáng lập phải thể hiện rằng họ hiểu người dùng, khách hàng như thế nào. Họ sẽ có những kế hoạch, giới thiệu như thế nào để thu hút được sự chú ý, giải quyết được những vấn đề mà nhiều người đang mắc phải.

Bằng cách thuyết phục khách hàng chẳng giống ai, startup bán chăn nặng chịch có giá lên tới 200 USD này đã gọi vốn được 4,7 triệu USD

Câu hỏi thứ 3, tại sao?

Một câu hỏi không quá rõ ràng nhưng rất dễ dàng tìm thấy câu trả lời trong trường hợp của Gravity. Giải quyết được một vấn đề có nhiều người quan tâm, chắc chắn người dùng sẽ răm rắp nghe theo chúng ta.

Họ giải quyết được vấn đề stress, đó là lí do họ có được nguồn đầu tư. Trong video đăng tải lên Kickstarter, "40 triệu người mắc chứng bệnh lo lắng, stress lâu ngày" con số đó tương đương 18% dân số nước Mỹ. Người dùng có thể dễ dàng nhận ra mình chính là người được nhắc đến. Tỉ lệ là gần 20%, một con số khả thi để thử nghiệm một dự án.

Khác với Casper, Parachute và các nhãn hàng kinh doanh những sản phẩm giúp giảm stress khi ngủ khác như giường, gối...họ thu hút khách hàng bằng khía cạnh khoa học hay lí do và cách để giải tỏa stress. Điều đó trở nên quá dài dòng so với việc Gravity đưa ra một sản phẩm và chỉ ra vấn đề rằng, nó sẽ giải tỏa stress. Đơn giản đôi khi lại gặt hái thành công.

Cuộc sống của người khởi nghiệp sẽ đổi thay khi họ có thể đưa ra định hướng thay đổi thói quen của người khác. Nếu với những lời quảng cáo của Gravity có thể khiến chúng ta hào hứng và sẵn sàng chi 200 USD để trải nghiệm.

Vậy là họ đã thành công!

Huyền My

Cùng chuyên mục
XEM