Việt Nam đứng đâu trên bảng xếp hạng điểm TOEFL châu Á?

18/11/2014 14:26 PM | Sống

Kỹ năng Nghe và Viết của người Việt đã được cải thiện khá nhiều qua 6 năm (2007-2013).

Kết quả thi TOEFL (Test of English as a Foreign Language) ngày càng được sử dụng rộng rãi để đánh giá mức độ sử dụng tiếng Anh thành thạo đối với người nước ngoài.

Ở châu Á, theo thống kê điểm TOEFL tại 31 quốc gia và vùng lãnh thổ năm 2013, Singapore giữ vững vị trí đứng đầu bảng xếp hạng, với điểm số cao nhất khu vực. Tuy nhiên điểm số mà người Singapore đạt được năm 2013 đã giảm so với năm 2007.

Các vị trí tiếp sau là Ấn Độ (hạng 2), Pakistan (hạng 3), Philippines và Malaysia (đồng hạng 4). 

Mức độ thành thạo tiếng Anh của người Việt Nam đã có sự cải thiện khi tăng 4 bậc trong 6 năm, từ vị trí thứ 22 năm 2007 lên vị trí 18 năm 2013. Điểm các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết lần lượt xếp thứ 15, 24, 14, 10 trên tổng số 31 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát. Đáng chú ý, kỹ năng Nghe (tăng từ hạng 23 lên 15) và Viết (tăng từ hạng 16 lên 10) của người Việt đã được cải thiện khá tốt.

Trong giai đoạn 2007-2013, Trung Quốc tụt 11 bậc, từ vị trí thứ 9 xuống vị trí 20, do điểm đọc, nghe và viết đều giảm. Còn Nhật Bản, 1 trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á, đứng cuối bảng (vị trí 26) cùng với Campuchia và Lào.

Bài thi TOEFL được dùng để đánh giá kĩ năng hiểu và sử dụng tiếng Anh chuẩn Mĩ của một người có đạt đến trình độ có thể sử dụng ở bậc đại học. Điểm TOEFL quy định là một trong những yêu cầu để xét chấp nhận cho học viên nước ngoài vào học tại hầu hết các trường đại học và cao đẳng ở Mĩ.

Kể từ khi được giới thiệu vào cuối năm 2005, TOEFL iBT đang từng bước thay thế hoàn toàn dạng thi trên giấy (PBT) và dạng thi trên máy tính (CBT). Kì thi đã được tổ chức ở các quốc gia Mĩ, Canada, Pháp, Đức và Ý vào năm 2005 và các quốc gia khác vào năm 2006.

Thang điểm cho một bài thi TOEFL iBT là 0 - 120 điểm. Mỗi phần: Nghe, Nói, Đọc, Viết có thang điểm từ 0 - 30 điểm. Tổng điểm của cả 4 phần sẽ là điểm của bài thi.

Kiều Anh

Kỳ Anh

Cùng chuyên mục
XEM