Văn hóa uống cà phê của người Sài Gòn lên báo Anh

09/10/2014 19:37 PM | Sống

Đúng là cà phê, nhưng ở TP. HCM không giống như bất kỳ nơi nào trên thế giới. Ở đây, cà phê là đồ uống đem lại năng lượng cho người dân của một thành phố sôi động. Bài viết của tác giả Nicola Graydon trên tờ Telegraph (Anh) nhận định như vậy.

Điều đầu tiên du khách cần học khi đến TP.HCM là cách qua đường. Đây thực sự là một thử thách đầy khó khăn đòi hỏi sự liều lĩnh, bất chấp cũng như khả năng tính toán chính xác những chuyển động ngang dọc, nhanh chậm và không được do dự.

Đối mặt với một dòng xe gắn máy đang chạy xuôi ngược trên đường với những người cầm lái không biểu lộ cảm xúc trong những chiếc mũ bảo hiểm và khẩu trang bịt mặt sẽ khiến bất kỳ ai mới đến TP. HCM đều cảm thấy choáng váng pha chút sợ hãi.

Sẽ mất một thời gian để người khách lạ nhận ra rằng đây thực sự là một vũ điệu cho và nhận; đó là bạn cứ đi và những chiếc xe gắn máy sẽ đi vòng qua bạn, và điều cuối cùng cần làm là bạn đứng lại. Đây có lẽ là một nét đặc trưng của TP.HCM.

TP.HCM là một thành phố với những tòa nhà chọc trời xen lẫn với khu dân cư - nơi nhiều gia đình đưa cả sinh hoạt thường ngày ra hè phố. Và nơi đây, có thể thể thấy việc một cụ bà bán phở bằng chiếc xe đẩy nhỏ, cũ kỹ như thể cuộc sống bao lâu nay ở đây vẫn vậy.

Cách thích hợp nhất để bạn thưởng thức sự cân bằng là ngồi trên ban công của các căn nhà-quán cà phê. Cách này cho phép bạn không bị căng thẳng nhưng vẫn ngắm được con phố ồn ào náo nhiệt phía dưới. Bạn cũng có thể nhấm nháp loại đồ uống vốn đã tiếp thêm sức mạnh và biến TP.HCM trở thành một trong những trung tâm thương mại phát triển nhất Đông Nam Á chỉ trong 20 năm qua.

Một trong những món cà phê truyền thống tại TP. HCM là cà phê sữa đá. Lúc đầu tôi không thể chịu được cái vị ngọt “giả tạo” của món cà phê này, nhưng chỉ 3 ngày sau tôi đã đâm nghiện cái vị ngọt mát lạnh ở ngay đầu lưỡi này. Rõ ràng, món cà phê này phù hợp với xứ sở nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều này.

Cà phê được người Pháp mang đến Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19, nhưng đã nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Và giờ đây người Việt đã đưa cà phê lêm một tầm cao mới, trở thành đỉnh cao ẩm thực.

Một quán cà phê tại TP. HCM.

Một quán cà phê tại TP. HCM.

Vào nhiều quán cà phê tại TP. HCM, bạn sẽ thấy thực đơn dài đến 5 trang với đủ loại đồ uống cà phê khác nhau. Và uống cà phê đã trở thành thói quen không thể thiếu hàng ngày của tôi khi lưu lại TP.HCM.

Thưởng thức phở bò tại một quán phở bình dân không tên dưới ánh đèn neon, tôi nhận ra rằng dù cho TP.HCM có thêm bao nhiêu tòa nhà cao tầng, thêm bao nhiêu xe gắn máy đi nữa [biểu hiện của một thành phố hiện đại] thì hương vị truyền thống Việt Nam vẫn luôn tồn tại trong ẩm thực của đất nước này – trong một tô phở nóng hổi ở một góc phố, trong những khu chợ cóc, các loại gạo thơm và các loại rau thơm.

Theo giải thích của một ông chủ nhà hàng bình dân, không nhiều người Việt thích sử dụng tủ lạnh để tích trữ đồ đông lạnh vì họ thường đi chợ mỗi ngày để mua đồ ăn tươi mới. Bất kể giàu hay nghèo, người dân vẫn thích thưởng thức đồ ăn đường phố và món ăn trong các quán ăn gia đình thường được truyền từ đời này sang đời khác.

Thật thú vị khi chứng kiến những bạn trẻ, tai đeo headphones, tấp xe máy vào lề đường để ăn bữa sáng bên cạnh những cụ ông, cụ bà vừa thong dong đi tập thể dục về, đang từ từ tận hưởng một buổi sáng chậm rãi.

Tôi mua cốc cà phê sữa đá cuối cùng trên đường đến thăm Viện bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Ở Việt Nam, mỗi người đều có câu chuyện và nỗi niềm của riêng mình liên quan đến cuộc chiến đã qua.

Mỗi gia đình đều có người thân ra đi vì chiến tranh. Tuy nhiên, người ta không còn nói về chiến tranh quá nhiều nữa, đối với họ, chiến tranh đã kết thúc, nhưng cũng không hẳn đã hoàn toàn đi qua, nó vẫn còn tồn tại trong ký ức thầm lặng.

Trên những con phố ồn ào, náo nhiệt kia của TP.HCM, rất có thể mỗi người vẫn mang theo họ quá khứ như một vết thương âm thầm bí mật, nhưng rồi lại quên nó đi trong cuộc sống vội vã và tất bật hàng ngày.

Nhấp từng ngụm cà phê sữa đá, vị ngọt của nó có thể phần nào xoa dịu vị đắng của những hình ảnh đau thương, mất mát tôi đang thấy trong viện bảo tàng.

>> Thương hiệu nào gắn với người Sài Gòn lâu nhất?

Cùng chuyên mục
XEM