Khổ như... làm CEO Nhật
Nếu muốn biết vì sao nhiều CEO Nhật không đáp ứng được kỳ vọng, chỉ cần nhìn vào số tiền mà họ được trả...
Không chịu đương đầu sức ép lớn trong công việc, giám đốc điều hành (CEO) các công ty Nhật Bản còn không được trả thù lao “đậm” như ở nhiều quốc gia khác.
Nếu muốn biết vì sao nhiều CEO Nhật không đáp ứng được kỳ vọng, chỉ cần nhìn vào số tiền mà họ được trả. Theo hãng tin Bloomberg, đó là quan điểm của Atsushi Saito, người mới rời cương vị CEO của Japan Exchange Group Inc. vào tháng 6 năm ngoái.
Saito nói, các CEO Nhật không được trả xứng đáng. Không chỉ vậy, phần lớn thù lao của họ là lương cứng, trong khi thưởng theo hiệu quả công việc không đáng là bao. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp quan trọng, các CEO Nhật còn không dám ra quyết định vì sợ để tuột mất cơ hội giữ vai trò cố vấn cho công ty sau khi về hưu.
Và giải pháp để các CEO Nhật làm việc tốt hơn, theo ông Saito: tăng thù lao cho họ, ràng buộc mức thưởng với diễn biến giá cổ phiếu, và “chia tay” với họ một khi họ rời ghế CEO.
“Hiện nay, cương vị CEO [ở Nhật] không có gì hấp dẫn lắm. Vì sao người có năng lực lại hứng thú với công việc này chứ?”, Saito, 76 tuổi, nói.
Thu nhập bình quân của CEO tại các công ty Nhật có doanh thu hàng năm trên 1 nghìn tỷ Yên (8,4 tỷ USD), chỉ bằng 1/10 so với thu nhập của CEO tại các doanh nghiệp Mỹ có doanh thu tương tự. Tiền thưởng chỉ chiếm khoảng 14% trong số đó, so với tỷ lệ 69% ở Mỹ - theo số liệu của công ty tư vấn Towers Watson.
Hầu hết các CEO trong chỉ số Nikkei 225 nhận lương dưới 100 triệu Yên/năm, tương đương khoảng 840.000 USD/năm. Saito cho rằng, các công ty Nhật nên trả lương CEO ít nhất 200 triệu Yên mỗi năm để khuyến khích họ đưa ra những quyết định táo bạo hơn, và cũng để thu hút được nhiều người giỏi hơn cho cương vị này.
Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Goldman Sachs đã cảnh báo rằng trả thù lao xứng đáng là một vấn đề còn thiếu trong cải cách quản trị ở Nhật Bản. Trong báo cáo này, Goldman nhấn mạnh mức thưởng hiệu quả công việc còn thấp trong các công ty Nhật.
Theo Goldman, luật thuế của Nhật cần phải được sửa đổi để cho phép các công ty trả thưởng nhiều hơn dựa trên hiệu quả làm việc, và các chi tiết về lương thưởng nên được công bố minh bạch hơn. Ngân hàng này lấy ví dụ: những cải cách như vậy ở Đức sau năm 1998 đã dẫn tới sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa thu nhập của các nhà điều hành doanh nghiệp với hiệu quả hoạt động của công ty.
Lương CEO các công ty Nhật hiện nay bị giữ ở mức thấp một phần do các sếp thường được trả lương gần như trọn đời, bởi sau khi về hưu, họ tiếp tục giữ vị trí cố vấn cho công ty trong nhiều năm. Các CEO thường nghĩ “nếu mình thất bại, mình sẽ không được làm cố vấn và được hưởng lương trọn đời nữa”, ông Saito nói. “Nhiều quyết định mà họ đưa ra được dựa trên ý nghĩ như vậy”.
Trong số các CEO thuộc chỉ số Nikkei 225, CEO Carlos Ghosn của hãng xe Nissan là người được trả cao nhất. Trong khi đó, CEO Masahiko Uotani của hãng mỹ phẩm Shiseido nằm trong số những người được trả thấp nhất.
Các công ty niêm yết của Nhật chỉ phải công bố mức lương của sếp khi mức thù lao vượt ngưỡng 100 triệu Yên/năm.
Tuy nhiên, không phải vị CEO nào ở Nhật cũng là những người sợ phiêu lưu, theo Saito. Ông lấy Masayoshi Son, CEO của Softbank, và Tadashi Yanai, CEO của Fast Retailing làm ví dụ về những vị CEO là doanh nhân thành đạt.
Cổ phiếu của Softbank đã tăng 14 lần trong 18 năm, còn cổ phiếu của Fast Retailing đã tăng gần 7.000% kể từ khi công ty này bắt đầu niêm yết vào năm 1997. Cả Son và Yanai đều nằm trong số 50 vị CEO được trả hậu hĩnh nhất thuộc Nikkei 225.
Saito nói, những vị CEO như vậy ở Nhật là ngoại lệ, và điều này một phần xuất phát từ văn hóa bởi hầu hết người Nhật không cảm thấy thoải mái khi bản thân trở nên nổi bật.
“Nếu ai đó giống như Steve Jobs xuất hiện ở Nhật, thì người Nhật sẽ đối xử với anh ta thế nào? Nếu anh ta gia nhập một công ty lớn của Nhật, anh ta có thể đã bị sa thải ngay lập tức”, Saito nói.