Thiền: Biện pháp tốt nhất để giảm stress và chữa bệnh
Ngày nay, thiền đã dần trở thành một liệu pháp chữa bệnh, nhất là tình trạng stress và căng thẳng của xã hội hiện đại.
Cuộc sống, công việc nhiều áp lực hằng ngày dễ kích thích thần kinh chúng ta ở những mức độ khác nhau, dẫn đến rối loạn hoạt động nội tiết và làm suy giảm hệ thống miễn dịch.
Thiền là trạng thái tĩnh tâm, giảm chuyển hóa và giảm tiêu hao năng lượng, giúp bộ não được nghỉ ngơi, phục hồi khả năng tự điều chỉnh, từ đó cải thiện các chức năng tâm lý, sinh lý và tăng cường khả năng miễn dịch.
Thiền mang lại sự lạc quan
Hiểu một cách đơn giản, thiền là phương pháp giúp chúng ta hình thành thói quen tập trung tư tưởng vào hình ảnh, một câu thần chú hoặc một điểm trong hay ngoài cơ thể. Từ đó điều chỉnh tình trạng mất cân bằng giữa trạng thái hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây nên.
Những người thường xuyên phải đối mặt với áp lực công việc như doanh nhân và nhân viên văn phòng thì nên thực hành liệu pháp thiền để giải tỏa căng thẳng, tránh rơi vào tình trạng kiệt sức, trầm cảm.
Nghiên cứu cho thấy thiền giúp hoạt hóa vùng não cho chúng ta cảm giác hưng phấn. Vì vậy, thực hành thiền là biện pháp đối trị hữu hiệu đối với các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý gây ra, giúp tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn và sự lạc quan trong cuộc sống.
Nghiên cứu của GS Herbert Benson, Trường Đại học Harvard, người sáng lập Viện Y học Tâm thể ở Boston (Mind – Body Medical Institute) cho biết thiền giúp điều trị các bệnh tâm lý rất tốt. Nhiều bệnh nhân đáp ứng rất kém với thuốc và phẫu thuật đã có kết quả tốt khi điều trị bằng liệu pháp tâm thể, trong đó có thiền.
Một nghiên cứu mới đây còn cho thấy người ngồi thiền có lượng kháng thể tăng thêm 50% so với những người không ngồi thiền. Như vậy, thực hành thiền thường xuyên có tác dụng làm tăng hệ miễn dịch, cả khi chỉ tập trong thời gian ngắn.
Đối với người nghiện rượu hoặc bị stress kéo dài thì thiền có tác dụng ức chế cơn thèm rượu và sự nóng giận, giải tỏa lo lắng, tạo một tinh thần thoải mái, vui tươi hơn.
Hiện nay, thiền đã được chính thức đưa vào giảng dạy và thực hành lâm sàng tại nhiều trường đại học và bệnh viện ở phương Tây với tên gọi Mindfullness Based Stress Reduction – MBSR (phương pháp giảm stress dựa trên sự tỉnh giác).
Và thiền cũng được sử dụng như một phương pháp điều trị bệnh về tim mạch, các chứng đau nhức mãn tính, rối loạn chức năng ở dạ dày, ruột, chứng đau nửa đầu, cao huyết áp, mất ngủ, lo âu…
Cách thực hành thiền mỗi ngày
Theo hướng dẫn của các huấn luyện viên về khí công, điều quan trọng nhất trước khi ngồi thiền là hoàn thành cơ bản những công việc cấp bách để đỡ bị chi phối, mặc quần áo rộng rãi và chọn một nơi thoáng mát, yên tĩnh để thiền.
Tư thế phù hợp nhất để thiền là tư thế hoa sen. Chúng ta ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng tay lần lượt kéo bàn chân phải đặt lên đùi trái và kéo bàn chân trái đặt lên đùi phải. Đưa gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa.
Tư thế này tạo sức ép lên phần dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng đường khí dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh.
Nhiều nghiên cứu thực hiện trên người tập Yoga cho thấy tư thế hoa sen tạo nên một sự thay đổi sóng não từ nhịp nhanh, không ổn định sang nhịp ổn định và thư giãn (gọi là nhịp Alpha), ngay cả khi người tập không cố gắng tập trung tư tưởng.
Người chưa quen ngồi tư thế hoa sen thì có thể thiền với tư thế ngồi xếp bằng thông thường, cằm hơi cúi để giữ cột sống cổ – lưng thẳng, đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên.
Hai bàn tay buông lỏng đặt trên hai đùi hoặc đan chéo trước bụng, cơ bắp thư giãn thoải mái. Nhắm mắt lúc ngồi thiền để giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài.
Khi thiền, chúng ta nên thư giãn cơ bắp để thần kinh ổn định, tạo điều kiện cho quá trình nhập tĩnh nhanh hơn. Người tập thiền quen thì chỉ cần thư giãn cơ mặt và cơ bàn tay là có thể xem như là thư giãn được toàn thân.
Ngoài ra, theo học thuyết Paplop, khi tập trung gây ức chế thần kinh một vùng hoặc một điểm ở vỏ não (qua hiệu ứng thư giãn) thì sựức chế này sẽ lan tỏa gây ức chế toàn bộ vỏ não.
Giai đoạn chính của buổi hành thiền là giai đoạn tập trung tư tưởng vào một điểm hay một hình ảnh nào đó để dần đạt đến tình trạng trống rỗng trong tâm trí. Chúng ta có thể chọn một điểm nào đó trên cơ thể hoặc một hình ảnh tĩnh nào đó để hướng toàn bộ tâm trí đến một trạng thái tập trung cao độ.
Còn huấn luyện viên khí công thường hướng dẫn chúng ta tập trung vào huyệt đan điền, phía bụng dưới cách rốn khoảng 3cm. Huyệt đan điền là nơi tập trung khí của cơ thể nên khi tập trung vào huyệt này là phù hợp nhất.
Việc tập trung vào một điểm ở vùng dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh.
Những người khó tập trung thì cần một phương pháp kiểm soát tâm trí chặt chẽ hơn bằng cách kết hợp quan sát hơi thở với việc tập trung vào huyệt đan điền. Theo đó, chúng ta tập trung quan sát sự chuyển động lên xuống của bụng dưới theo hơi thở, nhằm tạo quán tính thở sâu kết hợp với việc phát sinh nội khí ở huyệt đan điền.
Người mới làm quen với thiền không nên quá lo lắng khi thỉnh thoảng sẽ có những lúc bị phân tán tư tưởng, chúng ta chỉ cần cố gắng tập trung trở lại sau đó là được.
Sau khi ngồi thiền, chúng ta cần làm một số động tác để cơ thể không bị tê mỏi và khí huyết lưu thông bình thường trước khi đứng dậy. Một số động tác thích hợp để xả thiền như: buông thõng hai chân, xoay người qua lại nhiều lần, xoay hông và cổ, xoa hai lòng bàn tay massage dọc theo hai chân, từ đùi dài xuống bàn chân.
Doanh nhân và nhân viên văn phòng nên thực hành thiền đều đặn một hoặc hai lần mỗi ngày để phòng và chữa bệnh. Trong những ngày đầu, chúng ta ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, sau đó tăng dần từng ngày.
Ban đầu, đầu óc chúng ta thường khó đi vào trạng thái tĩnh tâm nhưng khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì chỉ cần ngồi vào tư thế, nhắm mắt, đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc thư giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa nhanh người tập vào trạng thái thiền định.