Tại sao mỗi năm có hàng nghìn người Nhật chết trong cô đơn, tuyệt vọng?

14/03/2016 15:44 PM | Sống

Rất nhiều người già Nhật từng vì khó khăn kinh tế phải về hưu sớm khi họ còn chưa kịp kết hôn và có con, ra khỏi môi trường doanh nghiệp, họ hoàn toàn cô đơn, sống cô đơn và chết cũng cô đơn.

Anh Phạm Trung đang theo học ngành tiến sỹ ở Tokyo, Nhật. Để tiết kiệm học bổng gửi về nhà cho gia đình, anh chuyển ra ngoài tự thuê nhà sống.

Sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, anh tìm được một căn hộ khá ưng ý trong khu nhà 2 tầng (kiểu nhà cho thuê phổ biến ở Nhật) và anh dọn đồ đến. Mọi chuyện trong căn hộ tầng 1 của anh khá tốt, chỉ ngoại trừ 1 việc.

Không hiểu vì lý do gì đó mà anh thấy luôn có những giọt nước màu đen nhỏ “tong, tong, tong” từ trên tầng 2 xuống quần áo của anh phơi phía ngoài sân. Dù anh đã cố gắng điều chỉnh phơi quần áo ra chỗ khác nhưng nước chảy xuống vẫn cứ bắn vào làm bẩn quần áo khiến anh phải giặt lại.

Anh chạy lên tầng gõ cửa tìm chủ nhà mà không thấy ai nhưng vẫn thấy quần áo phơi ngay phía ngoài và lấp ló phía trong cửa nên anh biết chắc chắn vẫn có người sống trong đó. Anh có cảm thấy có một thứ mùi gì đó không ổn bốc ra từ đây nhưng anh không thể định nghĩa được.

Nhiều ngày sau đó, anh vẫn kiên trì lên gõ cửa nhưng căn hộ chẳng bao giờ sáng đèn và cũng không có ai trả lời anh còn quần áo vẫn ở nguyên chỗ cũ.

Sau nhiều ngày tình trạng chảy nước vẫn tiếp tục mà anh vẫn cảm thấy có người ở nên anh đã báo đến công ty bất động sản đã cho anh thuê nhà. Ngày họ đến kiểm tra nhà, anh cũng lên theo và cảnh tượng khiến anh không khỏi ghê rợn.

Khi cánh cửa nhà bắt đầu được mở ra là một mùi thối nồng nặc khiến người bước vào muốn nôn mửa và chạy ngay lập tức. Sàn nhà ngập nước từ bồn rửa bát chảy ra. Nằm gần phía cửa sổ phía trên nhà anh Trung là một xác chết của bà già, anh chỉ có thể biết vì anh nhìn thấy bộ tóc dài chứ không còn nhận diện được khuôn mặt cụ nữa.

Sau này anh được biết là đã ngoài 80 tuổi. Cái xác đã phân hủy nhiều ngày trong cô đơn, tuyệt vọng, kết hợp với nước trên sàn nhà nên nó tạo thành một dòng nước hơi đen đen nhỏ xuống quần áo anh Trung.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy bà cụ bị đột quỵ ngã trong nhà và chết nhưng không một ai biết. Kết quả kiểm tra điện thoại di động cho thấy cuộc gọi cuối cùng của cụ đã cách đó đến 2 tháng. Cảnh sát được biết rằng cụ có 2 người con sống ở 2 căn hộ khác cũng ngay trong Tokyo và họ đang đi làm. Họ rất sửng sốt khi thông báo mẹ mình đã chết. Có nghĩa là đã 2 tháng họ không hề biết người mẹ già đã ngoài 80 tuổi của mình còn sống hay đã chết.

Quá ám ảnh với cái chết của bà cụ ở căn hộ phía trên mình, anh Phạm Trung ngay tối ngày hôm đó đã không thể chợp mắt được và anh đã chuyển đi ngay ngày hôm sau, bỏ hết tất cả số tiền không nhỏ anh dùng để đặt cọc và tiền nhà mà anh đã đóng trước đó.

Mùa hè năm 2015, trong một căn hộ ở ngoại ô Osaka, người ta phát hiện ông Haruki Watanabe chết trong căn hộ. Khi người ta phát hiện ra thì ông đã chết được nhiều tuần, thi thể đã phân hủy đến biến dạng, rò rỉ chất lỏng, xung quanh là hàng đống thức ăn cũ cũng đã bốc mùi thiu thối từ lâu.

Ông đã chết vì bị lãng quên, bị thờ ơ. Ở độ tuổi 60 ông không quá già và cũng không quá nghèo, nhưng ông chết vì nỗi cô đơn ngập tràn. Cơn đau tim lên quá mức chịu đựng của ông và ông đã ra đi trong hiu quạnh. Ông không có bạn bè, vợ và cả công việc, ông có một người con trai sống cách đó không xa nhưng hai bố con không nói chuyện với nhau đã nhiều năm.

Suốt 3 tháng trời, ông nằm đó không có một ai quan tâm, điện thoại di động của ông cũng không hề có cuộc nào từ bất kỳ người quen nào. Người ta chỉ biết đến cái chết của ông khi mà tài khoản ngân hàng của ông hết tiền và ngưng thanh toán tiền thuê nhà cho công ty bất động sản, công ty gọi đến chủ nhà và chủ nhà gọi cho ông nhiều lần không được bèn đến đập cửa, rồi phá cửa để vào.

Chủ nhà nhận thấy có một thứ mùi kỳ cục bốc ra từ khe cửa, sau đó là một bộ xương người nằm trên giường. Chủ nhà đến để thu tiền và cuối cùng bắt gặp thi thể của người thuê nhà. Quá tức giận, chủ nhà lập tức gọi cảnh sát, cảnh sát tiến hành điều tra và cuối cùng kết luận: đây không phải là vụ tự tử hay án mạng mà chỉ là người chết vị đột quỵ. Họ có gọi cho con trai ông nhưng anh này từ chối xử lý vụ việc.

Mọi chuyện sau đó được xử lý theo đúng quy trình: cảnh sát đưa thi thể ra nghĩa trang chuyên chôn cất những người bị lãng quên. Nghĩa trang cứ ngày càng đông giống như nỗi cô đơn và tuyệt vọng của xã hội Nhật ngày một lớn.

Đáng buồn, những cái chết cô đơn tuyệt vọng như vậy đã trở thành điều bình thường trong xã hội Nhật. Trong tiếng Nhật, người ta có riêng từ “kodokushi” để nói về những cái chết trong cô đơn tuyệt vọng như vậy. Từ này bắt đầu xuất hiện ở Nhật cách đây khoảng 21 năm, đó là vào năm 1995.

Vào năm ấy sau trận động đất Hanshin có cường độ đến 7 độ richte ở Nhật, khá nhiều người già ở Kobe đã được chuyển đến nhiều địa điểm sinh sống khác nhau và cũng cũng chính tại những nơi đó, họ chết trong cô đơn, tách biệt với gia đình và bạn bè.

Số liệu của chính phủ Nhật cho thấy, mỗi năm có khoảng 3.700 cái chết trong cô đơn ở Nhật, tuy nhiên nhiều nguồn tin khác lại cho rằng con số thực tế lên đến 30 nghìn người mỗi năm, tức là tương đương với con số tự tử chính thức mỗi năm của nước Nhật.

Theo các nhà điều tra xã hội học, có nhiều lý do khiến tình trạng chết một mình trở nên ngày một tồi tệ. Trước tiên đó là việc mối liên kết gia đình ngày một mất dần, ngày một nhiều người già Nhật không sống trong gia đình nhiều thế hệ mà thay vào đó họ chọn sống riêng. Và bởi thói quen của người Nhật là không can thiệp vào cuộc sống của nhau nên việc hỏi thăm nhau nhiều trong gia đình cũng bị coi là làm phiền.

Lý do kinh tế cũng là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng này. Rất nhiều trường hợp kodokushi liên quan đến người không có khả năng tài chính tốt phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội. Người Nhật thường có tâm lý giữ thể diện rất cao, chính vì vậy kể cả họ khó khăn cũng không bao giờ kêu hàng xóm hay chính quyền giúp đỡ. Người Nhật có tâm lý phổ biến rằng khi bạn cần đến sự giúp đỡ của người khác là bạn đang thể hiện sự bất lực của bản thân.

Phần lớn những người chết một mình là đàn ông, khủng hoảng kinh tế Nhật thập niên 1990 đã buộc nhiều người phải về hưu sớm, rất nhiều trong số họ chưa bao giờ kết hôn, ít bạn bè, vì thế khi rời khỏi môi trường doanh nghiệp, họ hoàn toàn cô đơn.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM