Phấn rôm có thực sự gây ung thư?

27/02/2016 09:17 AM | Sống

Phần lớn các nhà khoa học đều cho rằng mối liên hệ giữa bột talc và ung thư buồng trứng là không rõ ràng.

Trong tuần qua, công ty dược phẩm Johnson & Johnson đã nhận phán quyết phải bồi thường 72 triệu USD tới gia đình của một người phụ nữ đã qua đời vì ung thư buồng trứng.

Trước khi mất vào cuối năm ngoái, bà Jackie Fox khẳng định bệnh ung thư của bà là do sản phẩm Baby Powder (phấn rôm trẻ em) và Shower to Shower của Johnson & Johnson gây ra.

Bà Fox đã sử dụng 2 sản phẩm này cho mục đích vệ sinh vùng kín trong vòng hàng chục năm trước khi được chẩn đoán ung thư.

Bồi thẩm đoàn tại Missouri kết luận rằng cáo buộc trên là chính xác và tòa án đưa ra lệnh phạt tới Johnson & Johnson.

Công ty dược mỹ phẩm này rất có thể sẽ kháng cáo, nhưng bên cạnh vụ kiện này, Johnson & Johnson vẫn còn đang phải đối mặt với 1200 vụ kiện tương tự từ những khách hàng cho rằng họ đã không được cảnh báo khả năng gây ung thư do các sản phẩm chứa bột talc gây ra.

Vụ kiện này làm dấy lên một câu hỏi quan trọng: bột talc (tan-cơ) có thực sự gây ung thư hay không? Theo nhiều chuyên gia y tế tại Anh Quốc được tờ Telegraph lấy ý kiến, câu trả lời là chưa rõ ràng.

Nhiều loại talc khác nhau

Các cuộc tranh cãi về mối liên hệ giữa bột talc và các loại bệnh ung thư là đặc biệt phức tạp, bởi trong nhiều thập kỷ qua con người đã sử dụng ít nhất là 2 loại bột talc khác nhau.

Talc khi mới khai thác.
Talc khi mới khai thác.

Khi lần đầu xuất hiện, bột talc bao gồm một loại khoáng sản chứa ma-giê, silicon và oxy. Loại talc ban đầu này đã được phát hiện ra là có chứa mi-ăng, một hợp chất được xác dịnh là có thể gây ra ung thư trong và quanh phổi khi hít phải.

Khi phát hiện này được đưa ra vào thập niên 1970, gần như tất cả các nhà sản xuất đều ngừng sử dụng talc. Thay vào đó, họ chuyển sang 2 loại chất mới: bột ngô, một loại chất được sử dụng phổ biến và hoàn toàn vô hại và talc không chứa mi-ăng.

Bột talc đã khử mi-ăng cũng là loại bột được sử dụng trong sản phẩm Baby Powder của J&J cũng như trong nhiều loại sản phẩm có chứa talc được sản xuất tại các quốc gia khác. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA cũng đã ra lệnh cấm các loại talc có chứa mi-ăng trong mỹ phẩm.

Những nghiên cứu không hoàn chỉnh

Bột talc khử mi-ăng được cho là an toàn tuyệt đối, nhưng một vài nghiên cứu đã đề ra giả thuyết rằng loại bột này sẽ gây ra ung thư buồng trứng nếu được sử dụng để vệ sinh khu vực sinh dục của phụ nữ.

Các nghiên cứu này cho rằng các hạt talc có thể di chuyển lên buồng trứng, làm cho chúng khó chịu và gây viêm sưng. Khi kéo dài, tình trạng viêm sưng sẽ làm tăng nguy cơ ung thư.

Tuy vậy, phần lớn các nghiên cứu đưa ra giả thuyết này sau đó đã được phát hiện là "có vấn đề" và cũng thường được thực hiện trên những người có thể đã sử dụng talc có chứa mi-ăng. Kết quả là nhiều chuyên gia đã không chấp nhận ý nghĩa khoa học của các nghiên cứu này.

Nghiên cứu nhóm duy nhất về bệnh ung thư buồng trứng, được thực hiện trên 32.500 phụ nữ tại Anh đã đưa ra kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa căn bệnh này và bột talc.

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế IARC, trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho rằng việc sử dụng bột phấn có chứa talc là "có thể gây ung thư cho con người".

Cụm từ "có thể" ở đây sẽ gây lo ngại cho nhiều người, nhưng mức xếp hạng này có nghĩa rằng IARC chưa thể đưa ra kết luận chính thức về khả năng gây ung thư của bột talc (không chứa mi-ăng).

Kết luận tạm thời của IARC trong khi chờ đợi các nghiên cứ tiếp theo là "Mới chỉ có rất ít bằng chứng về một sự liên hệ mức độ yếu giữa việc sử dụng bột talc và nguy cơ ung thư buồng trứng tăng cao.

Một vài, chứ không phải là tất cả các nghiên cứu cho thấy nguy cơ có tăng nhẹ, nhưng cũng có lo ngại rằng một vài trong số hợp chất được các nghiên cứu này gọi là 'talc' đã chứa thạch anh và các chất gây ung thư khác".

Lo ngại talc gây ung thư là "giả khoa học"

Các chuyên gia của Anh nhấn mạnh rằng mọi người cần ngừng suy nghĩ rằng bột talc sẽ gây ung thư.

Bác sĩ Tracie Miles, chuyên viên thông tin tại hiệp hội từ thiện cho các bệnh nhân ung thư phụ khoa Eve Appeal và cũng là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu cho rằng các tuyên bố rằng bột talc gây ung thư là "giả khoa học".

"Đó không phải sự thật. Điều này đơn giản là chưa được chứng minh. Tôi cho rằng phần đông các bác sĩ phụ khoa tại Anh sẽ phủ nhận điều này", bà Miles khẳng định và nhấn mạnh rằng bà không muốn những người sử dụng bột phấn rôm phải lo lắng.

Bác sĩ Tracie Miles, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu tại Anh.
Bác sĩ Tracie Miles, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu tại Anh.

"Nếu chúng ta xét xử vụ việc này trên tòa án tại Anh, tôi không nghĩ rằng bên nguyên đơn sẽ có bất cứ một cơ hội nào cả. Đây chỉ là (vấn đề của) nền tư pháp Hoa Kỳ. Tôi cảm thấy rất thất vọng".

Các chuyên gia pháp lý tại Anh Quốc cũng đồng tình với quan điểm này. Trong vụ việc của bà Fox, phán quyết được đưa ra bởi một bồi thẩm đoàn, trong đó người đứng đầu bày tỏ rõ thái độ nghi ngờ với Johnson & Johnson: "Quá rõ ràng là họ đang che giấu một điều gì đó. Tất cả những gì họ cần làm chỉ là dán một cái nhãn cảnh báo".

Nếu một vụ việc được đưa ra tại Anh, bên nguyên đơn sẽ phải thuyết phục thẩm phán (chứ không phải là bồi thẩm đoàn) về các bằng chứng khoa học. Giáo sư Roderick Bagshaw, bộ môn Luật tại Đại học Oxford khẳng định: "Việc chúng ta có nhận được những đơn kiện chống các nhà sản xuất bột phấn rôm trẻ em tại Anh hay không sẽ rất phụ thuộc vào bản chất của các bằng chứng khoa học chứng minh khả năng loạt bột này gây ung thư".

Tiến sĩ Ahmed Ismail, một bác sĩ phụ khoa tại bệnh viện Harley Street, London cho biết: "Điều này là rất, rất phản khoa học. Chúng ta vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân của căn bệnh ung thư buồng trứng. Người nào khẳng định bệnh này có liên hệ với bột talc thì thật là sai lầm. Chúng ta không thể khẳng định là chúng ta biết rằng một mối quan hệ giữa bột talc và ung thư buồng trứng có tồn tại".

Bác sĩ Ahmed Ismail trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC vào năm 2015.
Bác sĩ Ahmed Ismail trong một cuộc phỏng vấn với đài BBC vào năm 2015.

Tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh Quốc khẳng định trên trang web của mình: "Nếu một thứ thực sự gây ra ung thư, những người tiếp xúc với thứ đó càng nhiều sẽ có nguy cơ ung thư càng cao.

Ví dụ, bạn càng hút thuốc thì nguy cơ ung thư phổi càng tăng. Nhưng phần lớn các nghiên cứu đều không chỉ ra một mối quan hệ tương tự giữa việc sử dụng bột talc và ung thư buồng trứng".

Tổ chức từ thiện cho bệnh nhân ung thư buồng trứng Ovacome cho biết: "Bằng chứng cho mối liên hệ là rất yếu, nhưng nếu như talc có thể tăng nguy cơ ung thư buồng trứng thì mức tăng vào khoảng 1/3. Đây là một mức tăng không cao và ung thư buồng trứng là một căn bệnh hiếm gặp. Tăng một nguy cơ thấp lên 1/3 cũng chỉ đem lại một nguy cơ thấp".

Ung thư buồng trứng: Căn bệnh bí ẩn

Cũng theo bác sĩ Ismail, các nhà khoa học sẽ không thể nào xác nhận mối liên hệ giữa bột talc và bệnh ung thư buồng trứng trừ khi nghiên cứu tất cả các bệnh nhân mắc bệnh này tại nước Anh, và các nhà nghiên cứu cần kiểm tra xem người bệnh đã từng sử dụng bột talc trong quá khứ hay chưa.

Bà Miles cũng đưa ra kết luận tương tự, rằng mọi người đang quá vội vã khi nghĩ mối liên hệ có tồn tại trong khi những hiểu biết về ung thư buồng trứng vẫn là quá hạn chế.

Đây là căn bệnh gây ra số ca tử vong liên quan tới ung thư đứng thứ 5 của nữ giới, nhưng không ai biết nguyên nhân chính xác và cũng không có công cụ phát hiện nào cả.

Gen BRCA đột biến được coi là một trong các nguyên nhân gây ung thư.
Gen BRCA đột biến được coi là một trong các nguyên nhân gây ung thư.

Tất cả những gì khoa học có thể tìm được là một vài yếu tố rủi ro. "Chúng tôi biết những người có gen BRCA (vốn gây tăng nguy cơ ung thư khi biến đổi và cũng có thể được di truyền) sẽ có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao hơn. Chúng tôi cũng biết rằng phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ cao hơn, trong khi những người đã uống viên phòng ung thư tử cung và đã từng đẻ nhiều lần sẽ giảm được nguy cơ", bác sĩ Miles cho biết.

Chắc chắn, nhiều người vẫn chưa thể vượt qua mối lo ngại rằng talc đã được IARC kết luận là "có thể gây ung thư". Bác sĩ Miles giải thích thêm vì sao nữ giới không cần lo lắng:

"Tất cả mọi thứ đều có tiềm năng gây ung thư. Nhưng phụ nữ có thể muốn biết, vì sao câu hỏi cụ thể rằng talc có gây ung thư hay không lại được đặt ra? Câu hỏi đó đến từ đâu?". Theo bà, rất có thể là người ta đã tìm thấy một vài khoáng chất có trong bột talc bên trong ống dẫn trứng của một bệnh nhân bị ung thư buồng trứng. Vì chúng ta quá nóng vội đi tìm nguyên nhân gây ung thư buồng trứng, câu hỏi này đã được đặt ra.

Nhưng bà Miles cũng cho rằng các khoáng chất này chưa chắc đã dẫn tới ung thư. Cả bà Miles và bác sĩ Ismail đều nhấn mạnh rằng mối liên hệ ở đây chưa được chứng minh và tất cả các nghiên cứu cố gắng chứng minh mối liên hệ này đều đã thất bại.

"Tôi không nghĩ chúng ta có thể dựa vào điều đó để làm mọi người hoảng sợ và tránh dùng bột talc. Nhưng chúng ta có thể làm như vậy, dựa trên một phát hiện khoa học khác", bác sĩ Ismail cho biết.

Bạn vẫn không nên dùng phấn rôm

Theo bác sĩ Ismail, phụ nữ vẫn không nên dùng bột talc để vệ sinh vùng kín. Lý do không phải là loại bột này sẽ gây ung thư mà là làm như vậy có thể gây nhiễm trùng vùng chậu hoặc nhiễm trùng âm đạo, dẫn đến vô sinh hoặc các cơn đau mãn tính.

"Chúng tôi không khuyến cáo phụ nữ sử dụng phấn rôm cho vùng kín. Khu vực này rất ẩm và sẽ tạo ra chất bột nhão khi trộn lẫn với phấn rôm, dễ gây ra nhiễm trùng. Hiện tượng nhiễm trùng hày có thể đi vào cổ tử cung hay dạ con.

Sử dụng phấn rôm là rất, rất không cần thiết. Nhiều người nghĩ nó sẽ giúp làm khô khu vực vùng kín nhưng thực ra phấn rôm lại gây sưng viêm và khiến bạn dễ bị nhiễm trùng".

Clare Byam-Cook, một chuyên gia chăm sóc bà mẹ em bé cũng khẳng định rằng các bậc cha mẹ không nên dùng phấn rôm cho trẻ em, không phải là vì lo ngại ung thư mà là vì không cần thiết.

"Ngày trước chúng ta thường dùng phấn rôm cho trẻ em nhưng đó thực sự là lãng phí tiền bạc. Trẻ em không cần bất kỳ loại nước thơm hay thuốc nước nào cả, miễn là chúng được vệ sinh và lau khô đúng cách. Khác với người già, da của trẻ con là hoàn hảo và không cần dùng thêm thứ gì cả. Chúng không cần phấn rôm, nên bạn sử dụng để làm gì?".

Nói tóm lại, kết luận chung của các chuyên gia tại Anh có vẻ là không có bằng chứng nào cho thấy bột talc gây ung thư, nhưng cũng chẳng có bằng chứng cho thấy loại bột này có tác dụng gì cả.

Theo Lê Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM