Bột Talc nghi trong phấn rôm của Johnson & Johnson gây ung thư phổi và buồng trứng

25/02/2016 09:04 AM | Kinh doanh

Mới đây, Johnson & Johnson bị tòa án bang Missouri, Mỹ tuyên phạt 72 triệu USD cho gia đình một người phụ nữ đã chết vì căn bệnh ung thư buồng trứng do có liên quan đến việc sử dụng phấn rôm trong thời gian dài.

Thành phần chủ yếu trong phấn rôm là bột Talc với khả năng thấm nước, dầu và hút mùi nên nó nhanh chóng trở thành bạn thân của bé, thậm chí người lớn vẫn có thói quen thoa vào những vùng dễ ra mồ hôi để giúp thông thoáng và khử mùi.

Talc là một khoáng chất trong có tự nhiên, chứa các thành phần magie, silic, oxy và hydro. Từ lâu, nó đã được sử dụng trong công nghiệp chế tạo ra các sản phẩm như gạch men, lốp cao su, mỹ phẩm, giấy viết hoặc một phụ gia làm trắng trong sơn,…

Nếu thực sự phấn rôm của Johnson gây ra các loại bệnh lý nguy hiểm, thì việc công ty này sẽ phải đối mặt với 1.200 vụ kiện ở Mỹ từ những khách hàng của họ đã không được cảnh báo về những rủi ro.

Ung thư phổi và buồng trứng

Theo Hiệp hội ung thư Mỹ : Bột Talc có chứa amiăng được công nhận là có khả năng gây ung thư nếu hít phải.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy có một mối liên hệ giữa bột Talc và căn bệnh ung thư buồng trứng ở nữ giới. Tuy nhiên, kết quả thu được lại chưa chỉ rõ được Talc là nhân tố dẫn đến căn bệnh nan y này: Một số báo cáo cho thấy nguy cơ tăng nhẹ, một số lại không thấy tăng.

Cũng theo Hiệp hội ung thư Mỹ, một số nghiên cứu trên các thợ mỏ chuyên khai thác bột Talc thì cho ra hai kết quả khác nhau: Một số dẫn đến các bệnh về phổi và đường hô hấp, số khác lại không có dấu hiệu bị bệnh.

Nghiên cứu này tương đối phức tạp vì Talc tồn tại trong tự nhiên có thể chứa hàm lượng amiăng và các khoáng chất khác nhau, không giống như bột Talc đã được “xử lý” trong các sản phẩm tiêu dùng.

Bên cạnh đó, khi làm việc trong hầm mỏ, người thợ cũng có thể tiếp xúc với các chất khác mà có thể dẫn đến nguy cơ ung thư phổi, điển hình như radon.

Đối mặt với các thông tin bất lợi, Johnson và các chủ khai thác mỏ đã lập luận chống lại những nghiên cứu trên và tiếp tục bày bán rộng rãi các sản phẩm của họ trên toàn cầu.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng khuyến cáo không nên sử dụng phấn rôm cho trẻ em bởi loại phấn này không có tác dụng trị rôm sảy như mọi người nghĩ, thậm chí còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, làm các bệnh hăm da.

Hơn nữa, những thành phần có trong phấn rôm như bột talc, muối calci, kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm có thể gây hại nếu hít vào.

Bản thân Johnson cũng đã tung ra thị trường phấn thơm tinh bột ngô Pureen như là lựa chọn thay thế cho những khách hàng muốn tránh các rủi ro gây bệnh từ phấn rôm.

Điểm mấu chốt là các nhà khoa học cần xác định được liệu bột Talc trong phấn rôm của Johnson có chứa amiăng hay không và nếu chứa thì hàm lượng bao nhiêu sẽ đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng?

Hoàng Hà

Cùng chuyên mục
XEM