Những điều khác biệt từ văn hóa giao thông tại Thái Lan

04/03/2016 19:22 PM | Sống

Nhắc đến Thái Lan là nhắc đến một đất nước Phật giáo, khi có đến 90% dân số nước này theo đạo Phật. Chính vì vậy mà người dân Thái Lan từ già đến trẻ, đức tính hiền hòa, nhẫn nhịn, điềm tĩnh đã ngấm sâu vào máu thịt.

Một trong những biểu hiện của đức tính hướng Phật là qua việc thực hiện văn hóa giao thông. Những hình ảnh đẹp của văn hóa giao thông khiến cho mỗi du khách quốc tế khi đến với Thái Lan đều hết lời khen ngợi.

Giống như Việt Nam, phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Thái Lan là ô tô và xe máy. Tuy nhiên, việc di chuyển này có những điểm khác biệt khá rõ.

Thứ nhất: Việc di chuyển theo làn đường. Thái Lan khuyến khích người dân sử dụng ô tô cho việc đi lại. Vào những giờ cao điểm, các tuyến đường tại thủ đô Bangkok cũng chật kín xe cộ, tắc đường xảy ra như bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới.

Tắc nghẽn giao thông được ưu ái gọi là "đặc sản" của Thái Lan, có khi tắc đường cả nửa ngày. Nhưng điều đáng nói ở đây là dù tắc đường nhưng giao thông không hề ồn ào, lộn xộn. Tất cả các phương tiện đều đi đúng phần đường của mình, không chen lấn, không lách qua lại các làn đường. Xe cộ nối đuôi nhau chầm chậm di chuyển trong trật tự.

Vỉa hè của Thái Lan khá rộng rãi, nhưng chúng tuyệt đối chỉ dành cho người đi bộ. Dù có tắc đường đến đâu, lâu đến mức nào thì các phương tiện giao thông nhất là xe máy cũng không bao giờ leo lên vỉa hè để đi cho nhanh. Sự kiên nhẫn đã như thấm vào máu. Khác hẳn tình trạng giao thông lộn xộn ở Việt Nam.

Thứ hai, bất kì một du khách nào cũng đều ấn tượng với một Thái Lan không tiếng tiếng còi xe. Tiếng còi là âm thanh quen thuộc trên những tuyến đường phố ở Việt Nam, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ô nhiễm âm thanh” tại các thành phố lớn.

Tuyệt nhiên không có tiếng còi xe inh tai, nhức óc ở Thái Lan, nhưng dòng xe cộ vẫn nối đuôi nhau rất trật tự. Người lái xe ở Thái Lan sử dụng tiếng còi xe để biểu thị sự đã hết mức kiên nhẫn đối với cách lái xe của người bên cạnh hay ở phía trước.


Các phương tiện di chuyển rất có trật tự.

Các phương tiện di chuyển rất có trật tự.

Nhắc đến văn hóa giao thông Thái Lan đồng thời phải nhắc đến ứng xử giữa con người với con người qua hành động nhường đường. Ở Thái Lan, các phương tiện giao thông bao gồm tất cả ô tô, xe Tuk Tuk, xe thô sơ, xe máy... đều sẽ dừng lại nhường đường nếu người đi bộ có tín hiệu muốn sang đường.

Người dân Thái không bon chen, họ có tâm lý nhường nhịn nhau, chính vì thế, khi có người qua đường, đặc biệt là khách du lịch, người dân rất vui vẻ dừng lại chờ họ qua đường, không chỉ khách du lịch mà người dân Thái tự nhường nhau.

Sự kiên nhẫn nhường đường, chờ người đi bộ sang đường rồi mới tiếp tục đi tạo ấn tượng sâu sắc nhất là khi hầu hết các du khách nước ngoài đến với Thái Lan đều thích đi bộ để trải nghiệm đất nước này. Ngoài nhường đường cho người đi, người Thái Lan còn có thể dừng và nhường đường cho các loài vật mà người Thái không ăn, không giết như voi, rắn hay chim chóc...

Rất ít khi gặp cảnh sát giao thông đứng trên đường phố Thái Lan. Hệ thống camera được lắp khắp các tuyến đường, theo dõi bất kì hành vi vi phạm luật nào. Việc thi lấy bằng ở đây rất khó khăn. Nếu anh vi phạm luật giao thông, cảnh sát giao thông sẽ không làm khó anh. Nhưng sẽ rất phiền phức nếu bị thu bằng lái. Vì vậy tốt hơn hết là làm theo đúng luật giao thông.

Luật Giao thông Thái Lan quy định, khi phạm lỗi, ngoài khoản tiền phạt phải nộp, người lái xe còn bị trừ điểm trong quỹ điểm bằng lái. Một khi bị trừ điểm là đồng nghĩa với treo bằng và bị cấm sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định, nặng hơn nữa phải thi lại để lấy bằng lái xe.

Chính vì những điều khoản khắt khe trong Luật Giao thông cộng với ý thức của chính mỗi người tham gia giao thông mà văn hóa giao thông Thái Lan trở thành một hình ảnh đẹp, đáng khen ngợi và học tập.


Giao thông Việt Nam giờ tan tầm (Ảnh st)

Giao thông Việt Nam giờ tan tầm (Ảnh st)

Trong khi đó, nghĩ về giao thông tại Việt Nam, còn quá nhiều điều đáng nói. Trước hết là những hành vi nhỏ như đi trên vỉa hè, vượt đèn đỏ, không nhường người sang đường tại vạch kẻ ngang, bấm còi ầm ĩ khi đang dừng đèn đỏ, chen lấn vượt nhau giữa các làn đường...

Những hành động nhỏ thiếu chuẩn mực, dần dần sẽ trở thành những hiểm họa khó lường, tai nạn giao thông vẫn trở thành câu chuyện thường nhật. Chính chúng ta khiến cho cuộc sống của bản thân bị đe dọa, khiến cho mỗi lần bước ra đường là như bước vào một trận chiến sinh tử.

Theo Thu Huyền

Cùng chuyên mục
XEM