Khi những người phụ nữ ở đất nước bảo thủ nhất thế giới “vùng dậy” đòi bình đẳng
Việc người phụ nữ tham gia ngày một nhiều hơn vào lực lượng lao động đang thay đổi trật tự xã hội và truyền thống gia đình tại một trong những đất nước được coi là bảo thủ nhất thế giới – Saudi Arabia, theo Foreign Policy và the Diplomat.
Khi có khách đến, cô Zakia Attar tươi tắn vuốt tay mình lên một loạt mẫu thiết kế mới và mời khách vào cửa hàng. Cô muốn xem lại cho chắc chắn rằng hàng hóa được trưng bày một cách hoàn hảo nhất để khách dễ tìm kiếm.
Khi khách hỏi nhiều hơn về những người điều hành, cô rất tự tin giới thiệu về người nữ kế toán riêng của cửa hàng và ông chủ cửa hàng cũng chính là chồng của cô, anh Sulaiman Magboul.
Trước khi về quản lý cửa hàng của vợ, anh Sulaiman Magboul từng kế toán tại một ngân hàng địa phương trong nhiều năm. Hiện tại anh đảm nhiệm quản lý mọi vấn đề tài chính của cửa hàng.
Cô Attar là một nhà thiết kế, cô và rất nhiều người phụ nữ Saudi Arabia khác nằm trong nhóm những người nữ trẻ vùng lên đòi công bằng và bình đẳng. Từ khi cô bắt đầu kinh doanh và kiếm được lợi nhuận, cửa hàng đã thay đổi cuộc sống của cô. Nó không chỉ là công việc mang đến cho cô thu nhập mà nó khẳng định cho vị thế và danh dự của cô.
Chia sẻ về câu chuyện gia đình của mình, cô Attar nói: “Công việc kinh doanh hiện ảnh hưởng rất nhiều đến mối quan hệ giữa tôi và chồng tôi. Anh ấy bắt đầu tôn trọng tôi, dù anh không nói nhiều nhưng tôi hiểu rằng trong suy nghĩ của anh tôi có giá trị hơn, tôi đang kiếm được tiền cho gia đình. Trước đây, tôi chỉ giữ vai trò một người chăm con, quản gia, đầu bếp nhưng bây giờ tôi thực sự là vợ, là một đối tác kinh doanh của chồng.”
Cách đây không lâu, câu chuyện như của Attar là điều không tưởng ở Saudi Arabia. Mãi cho đến những năm gần đây, sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động Saudi Arabia rất hạn chế, phụ nữ thường chỉ có thể làm y tá hay giáo viên. Từ khi nhà vua Abdullah lên nắm quyền, ông đã đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ cho phụ nữ. Ông cho phép phụ nữ được làm nhiều việc hơn, từ kinh doanh cho đến dịch vụ và quản lý.
Được pháp luật cho phép, những người phụ nữ như Attar ngay lập tức cố gắng nắm lấy mọi cơ hội mà họ có thể có được, dù là rất nhỏ. Hiện nay tại Saudi Arabia, phụ nữ có thể quản lý cửa hàng, điều hành doanh nghiệp, công ty công nghệ. Số lượng những người phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động Saudi Arabia đã tăng đến 48% chỉ từ năm 2010. Ngoài ra, số lượng những người phụ nữ Saudi Arabia đang cố gắng tìm việc cũng tăng cao chóng mặt.
Xã hội Saudi Arabia cho đến hiện tại vẫn rất thiếu công bằng với phụ nữ. Phụ nữ phải xin phép người nam giám hộ, đó có thể là bố, chồng hay con trai mới được phép đi du lịch và học hành. Họ không được phép lái xe.
Thế nhưng trong bối cảnh xã hội mới, ít nhất phụ nữ đã được làm việc để kiếm tiền, họ có được nhiều quyền tự do mới khi họ có thu nhập. Chính sức mạnh tài chính đã giúp thay đổi phần nào luật chơi dành cho phụ nữ ở xã hội trọng đàn ông này.
Sự trỗi dậy của những người phụ nữ có việc làm cũng đang thay đổi các phong tục cưới hỏi ở Saudi Arabia. Trước đây, phần đông các gia đình cấm con trai họ kết hôn với phụ nữ đi làm bởi họ chọ rằng nó chẳng khác nào một nỗi nhục bởi thiên hạ sẽ nhìn vào và bàn tán rằng nhà chồng quá nghèo nên không có tiền nuôi nổi vợ.
Cô Fedhah Al Dosary, một bà mẹ trẻ của 2 đứa con cho biết: “Đối với chồng tôi, đã rất nhiều năm anh nghĩ rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà. Thế nhưng phải mất vài năm sau khi cưới, vừa sinh con vừa thuyết phục chồng, cuối cùng anh đã đồng ý cho vợ đi học lập trình máy tính và hiện nay cô đã trở thành kỹ sư lập trình.
Anh và nhiều người đàn ông Saudi khác đã đi đầu trong việc cho phép người phụ nữ của họ tham gia tích cực hơn vào lực lượng lao động. Số liệu từ Bộ Lao động Saudi Arabia cho thấy trong quý 1/2015, trong 1,9 triệu lao động nữ tại Saudi Arabia thì có 1,3 triệu là phụ nữ đã lập gia đình.
Không chỉ những cô gái mà gia đình họ cũng đang đấu tranh để có quyền bình đẳng hơn trong hôn nhân. Khi hai gia đình gặp nhau để nói chuyện về hôn nhân, ngày một nhiều gia đình nhà gái yêu cầu quyền được đi học và làm việc phải được ghi rõ ràng công khai trên giấy đăng ký kết hôn.
Việc công bố rõ ràng quyền lợi như vậy giúp ngăn chặn việc sau này chồng cô gái sẽ ngăn cản cô đi học hay đi làm. Số liệu mới công bố cho thấy hiện 52% sinh viên đại học tại Saudi Arabia là nữ, rất nhiều trong số đó đã có gia đình.
Vấn đề tài chính có thể là yếu tố lớn nhất khiến phụ nữ Saudi Arabia đi làm ngày một nhiều hơn. Một người phụ nữ giấu tên nói: “Tiền đã thay đổi bản chất mối quan hệ, tôi có thể mua rất nhiều thứ tôi thích mà không cần chồng tôi có đồng ý hay không.” Như vậy ở Saudi Arabia, hiện trong nhiều gia đình, đàn ông vẫn có quyền hợp pháp đối với phụ nữ trên giấy tờ thế nhưng quyền lực của họ trong gia đình đang giảm bớt.