Hãy cứu lấy đàn ông Việt Nam!

08/03/2016 14:52 PM | Sống

Đàn ông gây ra nhiều đổ vỡ gia đình, gây ra đa số các vụ bạo lực gia đình; họ cũng chính là nạn nhân của các định kiến xã hội về gia trưởng khắc sâu.

Nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) công bố ngày 7/3 cho thấy, phụ nữ Việt Nam đang gặp rất nhiều rào cản cho sự phát triển. Những quan niệm truyền thống cứng nhắc về các giá trị và vai trò của nam giới và phụ nữ là các nguyên nhân cơ bản của bất bình đẳng giới ở Việt Nam.

“Trụ cột” nhưng lại không làm việc nhà

Sau khi khảo sát đại diện cả nam và nữ ở các vùng miền toàn quốc cho thấy, trong giáo dục, 31% đồng ý phụ nữ chỉ học đến một trình độ nhất định để dành thời gian cho gia đình; 40% đồng ý nam giới không muốn yêu và kết hôn với phụ nữ có học vấn cao hơn mình; 29% đồng ý rằng một gia đình sẽ không hạnh phúc nếu người vợ có học vấn cao hơn chồng.


Phụ nữ làm 9/11 công việc đồng áng

Phụ nữ làm 9/11 công việc đồng áng

Theo đánh giá, vai trò chăm sóc gia đình đã hạn chế cơ hội học tập của phụ nữ. Số liệu cho thấy: 20% phụ nữ phải nghỉ học vì phải làm việc nhà so với 7.3% nam giới; phụ nữ tập trung nhiều ở trình độ PTCS trở xuống và ít hơn ở trình độ PTTH trở lên; phụ nữ thường nhường cơ hội học tập cho nam giới.

Trong sản xuất nông nghiệp, phụ nữ thực hiện 9/11 hoạt động chủ yếu như: làm cỏ, phun thuốc sâu, bón phân, thu hoạch, bán thành phẩm… Ở nhà, chị em cũng “đầu tắt mặt tối” với 12/14 “việc không tên” như đi chợ, rửa bát, giặt quần áo, chăm con, nấu ăn… Nguyên nhân của trình trạng này xuất phát từ quan niệm được “gieo” vào đầu các bé từ khi còn nhỏ, rằng phụ nữ phải giỏi “nữ công gia chánh”, vì thế có tới 2/3 phụ nữ và 1/4 nam giới làm việc nhà khi còn nhỏ. Phụ nữ được coi là có “thiên chức” chăm sóc gia đình; còn người chồng được là “trụ cột gia đình”.

TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng ISDS chia sẻ: Không ít đàn ông thừa nhận không làm việc nhà nào cả. Khi chúng tôi ngạc nhiên hỏi: Thế anh làm gì trong gia đình?, có anh ngượng ngịu nói bận rộn, đi làm kiếm tiền; có anh rất hồn nhiên bảo “tôi làm trụ cột”.

Về thu nhập trung bình theo giới, qua khảo sát cho thấy thu nhập của phụ nữ chỉ bằng 86% thu nhập của nam giới. Trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm con trai được coi là có giá trị hơn con gái. Tâm lý ưa thích con trai hơn còn rất phổ biến chủ yếu vì những giá trị “biểu trưng” như nối dõi tông đường, thờ cúng; trong khi con gái được ưa thích vì những giá trị “thực tế” như: chăm sóc, tình cảm…

Phụ nữ kém hài lòng chuyện “chăn gối”

Trong đời sống “chăn gối”, người phụ nữ cũng chịu nhiều rào cản, không có cơ hội thể hiện bản thân. Nhóm nghiên cứu cho biết, nam giới là người chủ động trong quan hệ tình dục vợ chồng cao gấp 23 lần so với phụ nữ. Trong khi đó, phụ nữ ít hài lòng về đời sống tình dục hơn (1,5 lần) và 13,35% phụ nữ có trải nghiệm tình dục không mong muốn so với chỉ 2,85% ở nam giới. Khảo sát cũng cho thấy, 72.54% cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai dành cho nữ.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh, thành viên nhóm nghiên cứu cũng chia sẻ, chuẩn mực kép về tình dục vẫn phổ biến bởi có chị vẫn cho rằng: “Khi chồng có nhu cầu thì người vợ dù có lãnh cảm cũng phải chiều. Ngược lại, nếu người vợ có nhu cầu mà chồng không chiều và người vợ chỉ có cách nhịn. Phụ nữ thường nghĩ mình là phụ nữ nếu mình đòi hỏi thì xấu hổ quá”.


Nhiều ông bố đã kêu gọi đàn ông làm việc nhà (trong ảnh: các ông chồng tham gia cuộc thi chăm sóc trẻ sơ sinh)

Nhiều ông bố đã kêu gọi đàn ông làm việc nhà (trong ảnh: các ông chồng tham gia cuộc thi chăm sóc trẻ sơ sinh)

Nam giới cũng là nạn nhân của định kiến xã hội

Theo ISDS, phụ nữ cũng là đối tượng chủ yếu của phần lớn các dạng bạo hành về thể chất, tinh thần, kinh tế và tình dục. Hầu hết các vụ bạo lực chìm trong im lặng với 98.57% cho biết là sẽ bỏ qua.

Điều đáng nói là ở một số hành vi bạo lực, đàn ông chịu nhiều hơn phụ nữ, đó là bị vợ kiểm soát, bị chê bai về năng lực tình dục… Nguyên nhân của tình trạng này lại xuất phát từ chính đàn ông. Một nam giới ở Hà Nội nói: “Ngày nay cũng lắm ông quá đáng. Hết giờ làm việc ông còn bia bọt, đàn đúm bạn bè còn chán mới về. Một tuần có 7 ngày thì có đến 6 ngày về muộn. Về đến nhà lúc nào nếu không say khướt thì cũng mệt phờ, chỉ có lăn ra ngủ, chẳng kịp tắm rửa huống chi là hỏi đến vợ con. Hỏi làm sao mà các bà ấy không căn vặn, dấm dẳn, không kiểm soát. Mà mấy ông trẻ trẻ lại càng như thế”.

Nhiều người, đa số là nam giới, vẫn quan niệm rằng “không lửa sao có khói”, vì thế hành vi bạo lực cần nhìn nhận từ hai phía. “Những người bị chồng đánh mà đi tố cáo chồng là những người không hiểu biết. Không phải tự nhiên ông chồng đánh vợ. Tại sao lại bị đánh như thế, mình phải xem lại mình đã chứ, tại sao lại đi tố cáo? Cái đó là không công bằng. Tôi nghĩ là như thế. Nếu người phụ nữ bị chồng đánh mà đi tố cáo thì chắc chắn tan vỡ gia đình. Các cụ đã dạy rồi “xấu chàng thì hổ ai” – một nam giới ở Hưng Yên nói.

Từ nghiên cứu này, bà Khuất Thu Hồng cho rằng: “Có lẽ chúng ta cần có phong trào để cứu lấy đàn ông Việt Nam. Có thể thấy, đàn ông gây ra nhiều đổ vỡ gia đình, là người gây ra đa số các vụ bạo lực gia đình; không chia sẻ việc nhà với vợ, gây áp lực cho vợ. Thực ra, nam giới cũng chính là nạn nhân của các định kiến xã hội về gia trưởng khắc sâu. Họ còn là nạn nhân và thủ phạm chính của các vụ tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nghiện hút, nghiện rượu, bệnh tật hiểm nghèo, đánh nhau. Nếu không có các can thiệp có thể tình hình sẽ ngày càng xấu đi”./.

Theo Minh Dương

Cùng chuyên mục
XEM