Du khách đến Sài Gòn… không biết đi đâu
So với các địa phương khác, sản phẩm du lịch TP.HCM hầu như không có gì thay đổi.
Thời gian qua, để thu hút du khách, ngành du lịch TP.HCM đã có một số chương trình như lễ hội áo dài, ngày hội du lịch TP.HCM, liên hoan món ngon các nước… Tuy nhiên, du lịch TP.HCM vẫn chưa xây dựng được một thương hiệu đặc trưng với những sản phẩm mới, độc đáo và khác biệt.
Chính vì vậy tỉ trọng đóng góp của TP vào ngành du lịch đang giảm dần. Trước đây TP.HCM chiếm 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng gần đây giảm xuống còn khoảng 60%.
Không độc đáo
Ông Đỗ Quốc Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành, thẳng thắn đặt vấn đề: “Sản phẩm du lịch của TP sau 20 năm vẫn không có gì mới. Vẫn chỉ là hội trường Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, địa đạo Củ Chi…Chúng ta mời gọi khách du lịch quốc tế đến TP.HCM nhưng thử hỏi có gì mới lạ, độc đáo để hấp dẫn khách?”.
Ông Thông dẫn chứng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch TP.HCM từ 20 năm trước đã được thông qua với nhiều dự án hoành tráng được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch TP bật lên, đáng tiếc là đến nay vẫn “chưa đâu vào đâu”. Điển hình như dự án Khu du lịch sinh thái biển Cần Giờ, Công viên Sài Gòn Safari ở huyện Củ Chi, Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc diện tích 500 ha…
“So với các địa phương khác, sản phẩm du lịch TP.HCM hầu như không có gì thay đổi. Chúng ta ước ao có nhà hát đa năng sáng đèn hằng đêm song hiện nay chỉ là những show nhỏ lẻ. Du khách đến Sài Gòn buổi tối không biết đi đâu, xem gì. Do chúng ta không có sản phẩm hấp dẫn khiến các hãng lữ hành đành phải khai thác của các địa phương khác” - ông Thông nêu thực tế.
Du khách nước ngoài tham quan TP.HCM. Ảnh: HTD
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ nói từ năm 2006 ông đã phát biểu rằng nếu TP không phát triển du lịch đường sông thì mỗi năm mất cả trăm triệu USD. Đáng tiếc là du lịch đường sông vẫn vậy. Ông Thọ nói: “Để du lịch đường sông phát triển, các doanh nghiệp có thể chung tay, liên kết với nhau làm từng bước. Ví dụ vận động bà con xung quanh bờ sông cũng như các công ty du lịch trồng hoa, cây xanh”.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Mỹ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, nhận xét nhìn cảnh quan hai bên bờ kênh, sông hiện nay dường như không có gì hấp dẫn. Thậm chí có nơi vẫn còn hôi thối thì làm sao khách dám thưởng ngoạn! Tour Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sản phẩm mới của du lịch TP nhưng chưa thực sự hấp dẫn du khách.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng du khách thường than phiền ngay cả quà tặng lưu niệm cho du khách TP.HCM cũng chưa có sản phẩm nào đặc trưng và quá thiếu chương trình giải trí phục vụ du khách. Trong khi đó, tình trạng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém”, trộm cắp, giao thông không an toàn… gây ảnh hưởng đến tâm lý khách và hình ảnh điểm đến TP.HCM.
Không đầu tư làm sao có mới
Trước ý kiến sản phẩm du lịch TP bao nhiêu năm vẫn như cũ, ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhìn nhận sản phẩm du lịch TP.HCM đang phát triển theo chiến thuật “bình cũ rượu mới và bình mới rượu mới”. Chẳng hạn đối với citi tour thì nâng cao chất lượng dịch vụ chứ điểm đến không thay đổi. Đối với chiến thuật “bình mới rượu mới” hiện nay thành phố làm được rất ít, riêng du lịch đường thủy không có sản phẩm nào mới.
“TP cũng chưa có quy hoạch phát triển du lịch đường thủy nên đầu tư chưa căn cơ. Ví dụ du lịch đường thủy ở cự ly ngắn, chủ yếu khai thác các tour xung quanh bến Bạch Đằng. Có điều vừa qua vì các lý do khách quan, TP không cho sử dụng công viên bến Bạch Đằng nữa trong khi chưa bố trí khu vực khác. Do đó việc triển khai sản phẩm du lịch cự ly ngắn không phát triển được, thậm chí càng ngày càng đi xuống. Không đầu tư lấy gì tạo ra sản phẩm mới” - ông Khánh thẳng thắn.
Đối với du lịch tàu biển, Sài Gòn cũng không có cảng du lịch, chỉ có cảng nhỏ nên hiện nay ít khách quốc tế vào. “Hiện những tàu lớn của nước ngoài vào cảng Thị Vải - Cái Mép. Khoảng cách từ đây vào TP khá xa, chưa thuận lợi nên du lịch tàu biển chưa phát triển được. Điều này lý giải vì sao dù TP có hai hãng lữ hành làm du lịch tàu biển lớn nhất nước nhưng họ mang khách quốc tế đến địa phương khác chứ không phải vào TP” - ông Khánh trăn trở.
Ông Khánh cũng nhìn nhận ngoài việc có sản phẩm du lịch tốt, du khách đến TP.HCM cần có môi trường du lịch an toàn và thân thiện, không chỉ môi trường tự nhiên mà cả môi trường xã hội. Đáng tiếc là thời gian qua tình trạng an ninh, an toàn cho du khách đến Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng chưa được đảm bảo và đây là vấn đề nhức nhối.
“Tổng lãnh sự quán một số nước như Nhật, Úc, Hàn Quốc… cũng có công hàm liên quan đến vấn đề này” - ông Khánh thông tin.
Ông Thọ cũng nhấn mạnh: “Để thu hút khách đến Sài Gòn, chúng ta đừng mơ mộng làm những gì quá lớn mà nên làm ngay những việc rất gần gũi, trở thành sản phẩm du lịch ngay tức khắc”. Cụ thể, theo ông Thọ, cần đào tạo các kỹ năng, thái độ phục vụ, ngoại ngữ.
“Nếu không nhân sự Việt chỉ làm lao công, thậm chí nguồn nhân lực trình độ đại học và thạc sĩ làm du lịch của Việt Nam cũng sẽ bị đe dọa. Bởi các khách sạn sẽ thuê nhân sự người Singapore, Philippines, Thái Lan… với mức lương không quá cao trong khi họ có ngoại ngữ và kỹ năng tốt” - ông Thọ cảnh báo.
Thành lập cảnh sát du lịch là cần thiết
UBND TP.HCM vừa tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành cho phép TP thí điểm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch để đảm bảo an toàn an ninh cho du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.
Nhìn nhận về đề xuất này, ông Lã Quốc Khánh nói việc TP kiến nghị thành lập cảnh sát du lịch là cần thiết. “Thái Lan đã làm từ lâu, Lào là nước nhỏ hơn cũng đang làm. Do vậy tôi nghĩ Việt Nam rất cần phải có lực lượng cảnh sát du lịch. Chúng ta cần có môi trường an toàn để thu hút khách quốc tế đến” - ông Khánh nhấn mạnh.
bảo tàng Dubai dù không lớn nhưng với kỹ thuật ánh sáng 3D, khi bước vào bên trong, du khách như bước vào thế giới thật với mùi khói, hình ảnh, hương vị… như thật.
Trong khi đó, địa đạo Củ Chi vẫn vậy, tái hiện hình ảnh một cách khô khan và không có gì sinh động hơn, rất nhàm chán.
Ông NGUYỄN VĂN MỸ,
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt