Vào AEC, ngành du lịch Việt Nam sẽ ra sao?
Hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một bước ngoặt đánh dấu sự hội nhập khu vực một cách toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á, mang lại những tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi đối tượng trong ngành du lịch và đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen.
Theo ông Trần Phú Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch), qua quá trình hợp tác lâu dài cũng như những kết quả và lợi ích mang lại, có thể khẳng định rằng ASEAN cũng như AEC có vai trò đặc biệt quan trọng đối với Du lịch Việt Nam.
Với dân số hơn 500 triệu dân, trong những năm qua, các thị trường nguồn du lịch thuộc khu vực ASEAN đóng góp khoảng 20% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Một số nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Malaysia vừa là thị trường nguồn, vừa đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Hợp tác du lịch với các nước ASEAN là quan hệ cùng có lợi khi các nước cùng hợp tác, bổ sung cho nhau về tất cả các khía cạnh trong phát triển du lịch, hỗ trợ nhau đồng thời cũng là hỗ trợ chính mình.
Tuy nhiên, đây là quá trình vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, theo đó lợi ích đối với mỗi nước phụ thuộc vào nỗ lực và khả năng của từng nước. Mặc dù vậy, lợi ích của nước này không làm ảnh hưởng đến lợi ích của các nước khác mà ngược lại tạo cơ hội cho các nước khác.
Mặt khác, quá trình hợp tác để hình thành AEC đã góp phần nâng cao sự hiện diện và uy tín của du lịch Việt Nam trong khu vực.
Đồng thời, Du lịch Việt Nam được tiếp cận nhiều thông tin và bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển du lịch và nhận được sự hỗ trợ tích cực của các nước có ngành Du lịch phát triển hơn như Thái Lan, Malaysia, Singapore…
AEC đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện yêu cầu “gắn thị trường du lịch Việt Nam với thị trường du lịch khu vực và thế giới” như Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đề ra.
Theo ông Cường, hội nhập AEC kỳ vọng sẽ mang lại những tác động tích cực đối với Du lịch Việt Nam đồng thời tạo ra một môi trường cạnh tranh khốc liệt hơn trong lĩnh vực du lịch, trong đó việc phát huy những tác động tích cực của quá trình hội nhập sẽ quyết định hiệu quả của quá trình hội nhập du lịch trong AEC.
Theo nhận định của ông Cường, do yêu cầu của quá trình hội nhập du lịch trong AEC mà hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển du lịch như các quyết sách và giải pháp ưu tiên phát triển du lịch của Chính phủ, các chính sách nới lỏng về thị thực nhập cảnh và tạo điều kiện thuận lợi đi lại trong ASEAN, chính sách tạo môi trường đầu tư tại Việt Nam minh bạch, thông thoáng hơn và các vấn đề phối hợp liên ngành đã được cải thiện đáng kể và cơ bản đáp ứng được yêu cầu của hội nhập khu vực ASEAN.
Nhìn chung, hội nhập về sản phẩm du lịch trong ASEAN đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Việt Nam hiện nay và tranh thủ được các nguồn khách nối tour trong khu vực để qua đó tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch khu vực ASEAN nói chung và khả năng kết nối khách giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và ngược lại.
Mặt khác, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch của Việt Nam cũng đã tăng lên rõ rệt, đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch trong và ngoài khu vực ASEAN về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ lưu trú du lịch, chất lượng dịch vụ, chất lượng và sự đa dạng của ẩm thực trong sản phẩm du lịch, đặc biệt là đối với phân đoạn thị trường chất lượng cao, tập trung ở các trung tâm du lịch lớn trong nước.
Ông Cường cũng cho biết, Việt Nam đã tranh thủ được khá tốt hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong khu vực để thu hút khách du lịch đến Việt Nam do tham gia đầy đủ các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chung trong ASEAN.
Hình ảnh và vị thế của Du lịch Việt Nam trong khu vực ASEAN được nâng lên do sự chủ động tổ chức và khởi xướng các sự kiện, hoạt động xúc tiến du lịch liên kết với các nước ASEAN.
Thương hiệu quốc gia từng bước được cải thiện do các hoạt động tích cực của ngành Du lịch và các hoạt động xúc tiến quảng bá.
Khi vào AEC, tiếp tục triển khai "thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề du lịch" (MRA-TP) là cơ hội rất tốt để Du lịch Việt Nam có động lực nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trong nước đủ điều kiện làm việc hiệu quả tại các nước khác trong khu vực đồng thời cũng góp phần giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong bối cảnh phát triển nhanh của du lịch trong nước, tranh thủ được nguồn lao động chất lượng cao trong khu vực.
Bên cạnh việc các doanh nghiệp du lịch đã quan tâm hơn tới công tác đào tạo nhân lực của mình thì khối các cơ sở đào tạo về du lịch cũng đã không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo du lịch góp phần phát triển liên tục nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời gian qua, cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng và từng bước cải thiện chất lượng phù hợp với nhu cầu hội nhập khu vực ASEAN.
Đối với các doanh nghiệp du lịch, các doanh nghiệp lữ hành ngày càng lớn mạnh về số lượng, đa dạng về loại hình, cải thiện chất lượng, phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu trong khu vực ASEAN, một số doanh nghiệp lớn đã từng bước khẳng định được thương hiệu trong khu vực trên cơ sở sự đa dạng của sản phẩm và đảm bảo về chất lượng.
Các cơ sở lưu trú du lịch (CSLTDL) được đầu tư phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình dịch vụ, chất lượng được nâng lên tầm khu vực ở nhiều phân khúc đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn chung của sản phẩm du lịch ASEAN và Việt Nam nói riêng.
Năng lực cạnh tranh trong khu vực của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được nâng lên trên cơ sở sự liên kết phát triển sản phẩm du lịch theo mô hình Lữ hành - Hàng không - Khách sạn.
Các loại hình doanh nghiệp khác tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch như vận chuyển (hàng không, đường bộ, đường biển, đường thủy), nhà hàng cung cấp dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí… ngày một gia tăng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu kết nối giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN cũng như góp phần đảm bảo năng lực cung ứng dịch vụ du lịch và gia tăng tính hấp dẫn, đa dạng của sản phẩm, dịch vụ du lịch khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Cuối cùng, theo ông Cường, việc Việt Nam gia nhập AEC sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các đối tượng trong ngành Du lịch, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp kinh doanh du lịch, cơ sở đào tạo, người lao động và thậm chí cả khách du lịch nội khối cũng như khách du lịch quốc tế đến khu vực.
Khi Việt Nam gia nhập AEC, Du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen.
Vấn đề đặt ra là phải tận dụng được các cơ hội đồng thời vượt qua những khó khăn, thách thức để phát triển với tốc độ cao và tránh được nguy cơ tụt hậu, nhất là so với các nước có ngành Du lịch phát triển trong khu vực.