Chuyện đi ăn ở Mỹ

01/08/2013 11:28 AM | Sống

Vào các nhà hàng, quán ăn nổi tiếng của Mỹ phải xếp hàng chờ đợi 20 – 30 phút là điều bình thường. Nhưng chờ đợi với sự thoải mái, tiện nghi thì quả thật là thú vị.

Ba lần chờ mới được ăn

Vì là ngày thứ bảy, vào Cheesecake Factory (một tiệm ăn khá nổi tiếng tại thành phố Chicago) mất gần một tiếng tôi mới được ăn, vì du khách quá đông. 

Đầu tiên, mới đến quán phải xếp hàng tại bàn tiếp tân để đăng ký cho biết tên và số người bạn sẽ nhận được một thẻ điện tử (giống như lấy số thứ tự ở Việt Nam vậy), nhưng bạn có thể đi đâu đó loanh quanh ngắm cảnh chụp hình vì quán có view rất đẹp, khi nào đến lượt của mình thì sẽ nghe tiếng nhạc và thẻ điện tử sáng đèn. 

Trở lại quầy tiếp tân đã có nhân viên chờ sẵn đưa bạn đến tận bàn đúng số người đã đăng ký. Sau đó nhận thực đơn, gọi món và lại chờ… 

Tuy nhiên lúc này thức uống được dọn sẵn, có nhân viên túc trực tại bàn giới thiệu về quán, các món ăn, hướng dẫn tỉ mỉ món gì nên dùng với nước xốt gì, rượu nào thì hợp và tráng miệng ra sao. Bạn cũng được biết trước món ăn nóng hay lạnh, sẽ phải chuẩn bị bao nhiêu phút… 

Thời gian chờ đợi sẽ qua nhanh vì trên bàn đã có đủ thứ đồ chơi để bạn giải trí: vẽ tranh, tô màu, ô chữ, sodoku… Có lẽ do phải để thực khách chờ lâu nên khi thức ăn bắt đầu dọn ra, các nhân viên phục vụ lúc nào cũng tươi cười, luôn miệng sorry (xin lỗi), mời ăn và cứ 5 – 10 phút, họ quay lại bàn hỏi có cần phục vụ gì thêm không.

Tôi cứ nghĩ tại các thành phố lớn, trung tâm du lịch, quán ăn nổi tiếng mới có kiểu phục vụ chu đáo như thế này, nhưng sau này về thành phố nhỏ như Elkhart, Indiana... tại nhà hàng Olive Garden, cũng được phục vụ đúng như thế. Bà Joanne, một người bạn Mỹ cho biết, “đây là điều rất phổ biến ở Mỹ lâu rồi”.

Một kiểu trình bày món ăn khô ráo trong những nhà hàng, quán xá tại Mỹ.

Buffet khẩu vị toàn cầu

Las Vegas – thành phố nổi tiếng ăn chơi, đến đây đa phần khách du lịch chỉ đánh bài, ăn uống và đi dạo. Dường như mỗi khách sạn, nhà hàng ở đây đều cố tạo cho mình một điểm nhấn đặc biệt của từng thành phố nổi tiếng cả thế giới. 

Nơi đây bạn có thể hưởng thụ mọi kiểu ăn uống đúng kiểu Paris, London, Ai Cập, Mexico, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đến Las Vegas lần thứ hai, tôi mới học được kinh nghiệm mua vé buffet của chuỗi nhà hàng rất tiết kiệm. 

Với một vé Total Vegas 57 USD, bạn được đổi một vòng giấy đeo vào tay và có thể được phục vụ sáu bữa ăn buffet no say trong 24 giờ tại các khách sạn 4 – 5 sao cùng hệ thống trong khắp thành phố. 

Dù đã cố gắng tranh thủ mọi lúc chơi xong là ăn, tôi cũng chỉ dùng được bốn lần tại Caesar’s Palace, Flamingo, Rio, Harrah’s. Vì mỗi lần ăn là phải xếp hàng chờ lấy chỗ ngồi. 

Tuy ăn buffet, nhưng bạn vẫn được phục vụ nước uống chu đáo tại bàn, đủ các món ăn, thức uống khắp các châu lục. Bởi thế mà cô bạn Việt kiều nói, “đến Las Vegas gần như biết cả khẩu vị thế giới”.

Những kiểu châm thêm và tiền bo

Một kiểu thu hút khách nữa của nhà hàng quán ăn Mỹ là bạn muốn châm thêm (refill) thức uống bao nhiêu lần cũng được, nhất là tại các cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald’s, Denny’s…

Đi dạo trong thành phố Las Vegas, bạn chỉ cần mua thức uống một lần với giá khoảng 6 USD/ly to cỡ 1 lít, sau đó uống hết thì châm thêm bao nhiêu lần cũng đươc. 

Có lần được rủ đi xem phim, tôi thấy anh bạn Jory xách theo một cái xô khoảng 2 lít để đong bắp rang tại rạp. Anh giải thích chỉ cần mua lần đầu 20 USD/một xô bắp, các lần sau trong suốt năm bạn sẽ được “châm thêm” với giá 3,5 USD. Bởi thế đi xem phim ai cũng xách theo cái xô có in nhãn hiệu của tiệm bắp rang. Quả là một cách tiếp thị đáng học.

Vậy là tôi lại học thêm được kinh nghiệm khi mua thứ gì thì nên xem có “châm thêm” không thì hãy mua cho rẻ. 

Với cách phục vụ như trên, tiền tip (tiền bo) dường như là bắt buộc phải chi khi đi ăn ở Mỹ. Thông thường tại các nhà hàng kiểu Mỹ, thì thực khách tip tại bàn khoảng từ 15 – 20% tổng trị giá hoá đơn. 

Các nhà hàng châu Á, có lẻ do thực khách Á Đông không quen tip hoặc quên, như tại nhà hàng Vinh Hoa (Trung Quốc) ở Houston, Texas thì tiền tip được tính thẳng vào hoá đơn 12%. 

Ngoài ra ở các cửa hàng thức ăn nhanh nhỏ như Denny’s, thì trên hoá đơn có in sẵn 3 mức tip 10, 15, 20%... tuỳ khả năng bạn tip bao nhiêu thì cho biết họ sẽ thu.

Thật ra ngoài tiền thức ăn, bạn phải trả thêm tiền thuế (tùy thành phố) và tiền tip cũng khoảng 25 – 30%, đây là khoảng tiền không nhỏ, nhưng được minh bạch rõ ràng ai cũng biết phải trả đàng hoàng. Có lẽ vì vậy ở Mỹ không có kiểu chặt chém: hai tô cơm 800.000 đồng như ở Vũng Tàu.

Theo Nhật Hân

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM