Cảm thấy khó chịu với tiếng nhai kẹo cao su? Đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc chứng bệnh bí ẩn sau

08/12/2015 19:14 PM | Sống

Người mắc chứng bệnh Misophonia sẽ phát cáu khi nghe những tiếng động bình thường mà phần lớn mọi người không để ý.

Điều gì có thể khiến một người tức giận? Đáp án cho câu hỏi này vô cùng phong phú. Tuy nhiên, hãy cẩn thận khi bạn nổi điên chỉ vì những âm thanh mà hầu hết mọi người thấy bình thường. Đó có thể là dấu hiệu bạn đang mắc chứng rối loạn tâm lý Misophonia!

Misophonia là gì?

Thuật ngữ “misophonia” nghĩa là “căm thù âm thanh”. Theo chẩn đoán sơ lược, sự căm thù ở đây hướng đến âm thanh tự nhiên của con người. Người mắc Misophonia dễ dàng nổi điên chỉ vì những âm thanh rất nhỏ do con người gây ra như tiếng nhai thức ăn, nhai kẹo cao su, thậm chí là tiếng thở.

Không cần là những âm thanh lớn phát ra khi người khác vừa mở miệng vừa nhai thức ăn rào rạo, chóp chép thật mạnh khi ăn kẹo cao su hay thở một cách nặng nề. Người mắc Misophonia phát cáu khi nghe những tiếng động bình thường mà phần lớn mọi người không để ý.

Một lưu ý nữa là, những người này không bị ảnh hưởng bởi âm thanh do chính họ phát ra hoặc âm thanh nhai, liếm, thở… của động vật.

Các triệu chứng của Misophonia

Các triệu chứng gồm đau buồn, bực tức, lo lắng thái quá dẫn đến việc bùng phát cơn giận với bạn bè hoặc người lạ. Khi những cuộc gây gổ xảy ra, hầu như không thể thỏa hiệp hay nhẫn nhịn.

Dưới đây là một số ví dụ về người mắc Misophonia:

Cặp vợ chồng dùng bữa trong các phòng khác nhau vì người vợ không thể chịu nổi tiếng nhai của chồng.

Một người chồng khác lại thề rằng, nếu hai vợ chồng cùng ăn đồ ăn nhanh trên xe, anh ta sẽ phải bật đài lên cho đến khi át hết tiếng nhai của vợ. Do đó, họ cũng không thể nói chuyện trong lúc ăn.

Một sinh viên mắc Misophonia miêu tả ngắn gọn về một lần cô đến lớp: “Ngay khi nghe thấy những âm thanh đó, tôi trở nên giận dữ. Tôi vừa lo lắng, vừa phát điên lên”.

Một sinh viên khác khẳng định, những âm thanh phát ra từ miệng, tiếng sụt sịt, tiếng nhai kẹo cao su khiến ngực cô thắt lại và tim đập thình thịch. Cô cho biết: “Tình trạng này khiến tôi mất bạn bè và đánh lộn nhiều lần”.

Chứng bệnh còn nhiều bí ẩn

Misophonia vừa chính thức trở thành chứng rối loạn tâm lý khi một nhóm nghiên cứu ở Amsterdam tiến hành phân loại chẩn đoán. Đây là chứng bệnh còn nhiều bí ẩn và chưa có biện pháp điều trị. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu nhất trí rằng Misophonia có liên quan đến các chứng rối loạn tâm lý khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), lo âu, trầm cảm.

Nghiên cứu cho thấy, đa phần Misophonia xuất hiện từ thời thanh niên và tiếp tục suốt tuổi trưởng thành. Hiện chưa có biện pháp điều trị, nhưng người mắc chứng này thường đeo tai nghe, nút bịt lỗ tai hoặc tận dụng bất cứ thứ gì tạo ra âm thanh để vượt qua những tiếng động nhỏ khiến họ sôi máu kia.

Cơn giận do Misophonia xảy ra phổ biến nhất với tiếng nhai kẹo cao su. Tuy nhiên, người mắc Misophonia cũng có thể phát cáu trước những hành động khác như huýt sáo, ngâm nga, bước chân, gõ vào đồ vật theo nhịp, ho, khịt mũi và hắng giọng.

Nếu trong lúc ăn trưa với đồng nghiệp mà bạn nắm chặt tay, thấy sôi máu và lườm mọi người đe dọa khi nghe các âm thanh như trên, hãy cố gắng bình tĩnh, đặt dao dĩa xuống và thở đều. Đó có thể là dấu hiệu bạn mắc Misophonia. Không âm thanh nào phát ra từ người khác, dù rất khẽ, mà không khiến bạn nổi điên.

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM