Cái giá của giáo dục đại học Mỹ
Giáo dục đại học ngày càng được rót nhiều tiền, nhưng lại rất khó để biết nó có xứng đáng với số tiền đó hay không.
“Sau khi Chúa đưa chúng ta tới New England an toàn, chúng ta đã xây dựng nhà cửa, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống của mình, xây dựng nhà thờ ở những nơi thuận tiện cho việc thờ phụng Chúa và xây các cơ quan cho việc quản lý dân sự. Một trong những điều tiếp theo mà chúng ta mong mỏi và trông đợi là học tập và duy trì nó cho hậu thế”.
Nội dung trên được trích từ tài liệu gây quỹ đầu tiên trên thế giới, được gửi từ Harvard College tới England vào năm 1643 nhằm kêu gọi quyên góp cho giáo dục.
Sự quan tâm từ rất sớm của nước Mỹ đối với giáo dục đại học đã đưa cường quốc này trở thành hệ thống giáo dục lớn nhất và được đầu tư nhiều nhất trên thế giới.
Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi ngày càng nhiều học sinh trung học của các quốc gia khác đổ tới Mỹ để học đại học.
Thế nhưng, như một báo cáo đặc biệt của Mỹ đã nói, khi mà hệ thống giáo dục của Mỹ ngày càng lan rộng, cũng là lúc có nhiều lo ngại hơn về việc liệu khoản ngân sách khổng lồ được chi cho giáo dục có thực sự đáng đồng tiền bát gạo không.
Kiểu của người Mỹ
Kiểu trường đại học nghiên cứu hiện đại – một “cuộc hôn nhân” giữa Oxbridge (gọi tắt của ĐH Oxford và ĐH Cambridge) với kiểu viện nghiên cứu của Đức – được sáng lập ở Mỹ, và trở thành tiêu chuẩn vàng cho cả thế giới.
Giáo dục đại học phục vụ đại chúng bắt đầu ở Mỹ vào thế kỷ thứ 19, lan tới châu Âu và Đông Á vào thế kỷ 20 và hiện đang hoạt động ở khắp mọi nơi trên thế giới trừ khu vực châu Phi cận Sahara.
Tỷ lệ đăng ký học đại học trên toàn thế giới tăng từ 14% lên 32% trong 2 thập kỷ tính tới năm 2012. Cũng trong thời điểm đó, số quốc gia có tỷ lệ này trên 50% tăng từ 5 quốc gia lên 54 nước.
Nhu cầu học đại học thậm chí còn tăng nhanh hơn nhu cầu cho các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu và nhu cầu sử dụng xe hơi.
Cơn đói bằng cấp là điều hoàn toàn có thể hiểu được khi mà thời buổi này bằng cấp là yếu tố tiên quyết để có một công việc ổn định và là tấm vé để bước chân vào tầng lớp trung lưu.
Nhìn chung, có 2 cách để thỏa mãn nhu cầu khổng lồ này. Một là làm theo kiểu của châu Âu: nhận ngân sách từ Chính phủ, nghĩa là hầu hết các cơ sở đại học đều có vị thế và nguồn lực công bằng.
Hai là kiểu của người Mỹ - dựa vào thị trường nhiều hơn, ngân sách tới từ cả Chính phủ và các nguồn cá nhân, trong đó các trường danh giá, có tiềm lực tài chính luôn ở tốp trên, còn những trường nghèo hơn sẽ ở tốp dưới.
Thế giới thì đang có xu hướng làm theo kiểu người Mỹ. Ngày càng nhiều trường đại học ở nhiều quốc gia đang tấn công sinh viên bằng học phí.
Và khi các chính trị gia nhận ra rằng “ngành công nghiệp tri thức” đòi hỏi những nghiên cứu hàng đầu thì các nguồn ngân sách công được tập trung vào một vài đại học có đặc quyền và cuộc cạnh tranh để trở thành đại học đẳng cấp thế giới ngày càng khốc liệt hơn.
Nhìn theo một góc độ nào đó thì điều này thật tuyệt vời. Những trường đại học xuất sắc nhất thế giới chịu trách nhiệm cho nhiều phát minh khiến thế giới trở thành một nơi an toàn hơn, giàu có hơn và thú vị hơn. Nhưng cái giá để có được điều đó đang tăng lên.
Các nước thuộc khối OECD chi 1,6% GDP cho giáo dục đại học – so với 1,3% vào năm 2000. Nếu như làm giáo dục kiểu Mỹ tiếp tục lan rộng thì con số đó còn tiếp tục tăng. Nước Mỹ chi 2,7% GDP cho giáo dục đại học.
Nếu như Mỹ đang thu được quả ngọt từ lượng ngân sách chi cho giáo dục đại học thì thật là tốt. Về mặt nghiên cứu thì có thể là như vậy. Năm 2014, 19 trong số 20 trường đại học trên thế giới có tài liệu nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất là của Mỹ.
Thế nhưng, về mặt giáo dục thì bức tranh này có vẻ không được sáng sủa cho lắm. Điểm số về khả năng tính toán và đọc hiểu của sinh viên Mỹ đã tốt nghiệp rất kém và đang có xu hướng giảm.
Theo một nghiên cứu gần đây về thành tích học thuật thì 45% sinh viên Mỹ chẳng thu được kiến thức gì trong 2 năm đầu tiên của đại học. Trong khi đó, học phí thì tăng gần gấp đôi trong vòng 20 năm. Nợ sinh viên – gần 1,2 nghìn tỷ - đã vượt qua cả nợ tín dụng và nợ xe hơi.
Tất nhiên, những con số trên không có nghĩa là học đại học là sự đầu tư tồi cho một sinh viên. Có bằng đại học ở Mỹ vẫn có lãi, trung bình là khoảng 15%.
Tuy nhiên, việc đầu tư ngày càng tăng cho giáo dục đại học có ý nghĩa gì với toàn xã hội hay không thì chưa rõ.
Nếu như những người có bằng kiếm tiền nhiều hơn những người không có bằng bởi vì việc học hành giúp họ làm việc hiệu quả hơn thì học đại học sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội nên khuyến khích điều đó.
Tuy nhiên, điểm số của những sinh viên nghèo thì lại nói lên điều khác.
Các nhà tuyển dụng cũng vậy. Một nghiên cứu gần đây của các công ty dịch vụ chuyên nghiệp về tuyển dụng cho thấy họ nhận ứng viên tốt nghiệp các trường danh giá nhất thế giới không phải vì kiến thức mà ứng viên thu nhận được từ đó, mà vì quá trình tuyển chọn khắt khe lúc nhập trường.
Tóm lại, sinh viên có thể được trả hậu hĩnh sau khi ra trường chỉ đơn giản là vì họ đã trải qua một quá trình phân loại cực kỳ phức tạp trước đó.
Nếu như các trường đại học Mỹ thực sự mang lại ít giá trị so với số tiền bỏ ra, thì tại sao lại như vậy? Lý do chính là thị trường giáo dục đại học, cũng giống như thị trường chăm sóc sức khỏe, hoạt động không hiệu quả.
Chính phủ khen thưởng các trường có những nghiên cứu tốt, vì vậy các giáo sư tập trung vào nghiên cứu. Sinh viên muốn nhận bằng từ ngôi trường có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng; nhà tuyển dụng thì chủ yếu quan tâm tới quá trình tuyển chọn gắt gao của ngôi trường đó.
Bởi vì, giá trị của một tấm bằng phụ thuộc vào độ khan hiếm của nó nên các trường tốt có ít động lực để nhận nhiều sinh viên. Và, trong trường hợp không có một đo lường rõ ràng nào về đầu ra thì học phí trở thành thước đo cho chất lượng.
Thu càng nhiều thì các trường tốt vừa có doanh thu lại vừa có danh tiếng.
Đại học mang lại điều gì?
Càng nhiều thông tin, thị trường giáo dục đại học càng hoạt động tốt hơn. Nếu có một kỳ thi chung cho sinh viên trước khi ra trường thì có thể so sánh tương đối chất lượng giữa các trường.
Sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về ngành gì được dạy tốt ở trường nào, và nhà tuyển dụng sẽ biết rõ hơn về việc ứng viên của mình đã học được gì ở đâu.
Từ đó, nguồn lực sẽ chảy về những trường mang lại giá trị tương xứng với số tiền bỏ ra và ngược lại. Các trường sẽ có động cơ để cải thiện việc giảng dạy và sử dụng công nghệ để cắt giảm chi phí.
Các khóa học trực tuyến – mà cho tới hiện tại vẫn chưa thực hiện được lời hứa sẽ làm một cuộc cách mạng giáo dục đại học – sẽ bắt đầu gây ảnh hưởng lớn hơn. Chính phủ cũng sẽ biết rõ hơn việc xã hội nên đầu tư nhiều hơn hay ít đi vào giáo dục đại học.
Những người hoài nghi thì cho rằng giáo dục đại học quá phức tạp để đo lường theo cách này. Tất nhiên, việc kiểm tra những người trưởng thành 22 tuổi thì khó hơn những đứa trẻ 12 tuổi.
Một số Chính phủ và cơ sở giáo dục đang cố gắng làm sáng tỏ đầu ra giáo dục. Một vài hệ thống đại học công của Mỹ đã tiến hành một kỳ thi chung cho sinh viên sắp ra trường.
Kỳ thi này đang được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ Latin. Quan trọng nhất là OECD – tổ chức có kết quả PISA khiến các Chính phủ ngã ngửa – cũng đã có động thái.
Họ muốn kiểm tra kiến thức và khả năng lập luận, bắt đầu với ngành kinh tế và kỹ thuật, chấm điểm các trường cũng như các quốc gia.
Các Chính phủ châu Á thì rất hứng thú với việc này, một phần là vì họ tin rằng kết quả đánh giá chất lượng sẽ giúp họ nâng tầm hơn trong mắt sinh viên quốc tế.
Các nước giàu – những người mà mất nhiều hơn được – thì không thích thú với kỳ thi chung. Mà nếu không có ngân sách và sự tham gia của họ thì mọi nỗ lực đều là vô nghĩa.
Các Chính phủ cần ủng hộ nỗ lực này. Hệ thống các trường đại học (khác biệt, có tiềm lực tài chính, dựa chủ yếu vào thị trường) của Mỹ có thể mang lại lợi ích lớn cho xã hội nếu sinh viên học được những thứ đúng đắn. Nếu không, sẽ lãng phí rất nhiều tiền.