5 quốc đảo trên Thái Bình Dương sắp sửa bị nhấn chìm
“Những bãi biển mà chúng tôi thường chơi hồi nhỏ, chúng đã chìm hẳn xuống nước”
Đối với một số người, biến đổi khí hậu vẫn còn là một vấn đề xa vời. Tuy nhiên, tất cả người dân của 5 quốc đảo Fiji, Tuvalu, Kiribati, Vanuatu và Marshall đều biết rằng "nước" đang thực sự "đến chân" họ. Báo cáo của Liên hợp quốc công bố tại Hội nghị biến đổi khí hậu Paris cho thấy: nếu giữ nguyên tốc độ tăng của mực nước biến như hiện tại, 5 quốc đảo trên Thái Bình Dương sẽ sớm bị nhấn chìm trong vài thập kỷ.
Trong khi tình huống xấu nhất sẽ sớm tới trong vòng 50 năm, suốt khoảng thời gian này 5 quốc đảo còn phải thường xuyên đối mặt với tình trạng bão, lốc xoáy, hạn hán và nhiều loại thiên tai nguy hiểm khác.
“Chúng tôi đang phải hứng chịu những sự kiện thời tiết cực đoan nguy hiểm. Ngay sau khi phục hồi từ một trận bão, một sự kiện khác đã diễn ra”. Christopher deBrum, chánh văn phòng tổng thống của quốc đảo Marshall phía tây Thái Bình Dương cho biết.
Trong khi đó, ở trung tâm Thái Bình Dương, Kiritbati, quốc đảo của 105.000 dân số được dự đoán là sẽ chìm hoàn toàn dưới nước biển trong vòng 50 năm tới. Tổng thống Anote Tong của Kiritbati đã thẳng thắn cho biết trong hội nghị.
Trong thời gian gần đây, rất nhiều cư dân thuộc quốc đảo Fiji và quần đảo Marshall đã phải rời bỏ quê hương. Lũ lụt và hạn hán liên tục phá hoại mùa màng của họ. Tháng 3 năm ngoái, hơn 3.300 người dân quốc đảo Vanuatu, phía tây nam Thái Bình Dương cũng đã phải di dời tránh bão. Các kịch bản tương tự và tồi tệ hơn có vẻ đang diễn ra ngày càng nhiều ở Vanuatu.
Đối với các quốc đảo có mặt tại Hội nghị biến đổi khí hậu Paris, họ cảm thấy tình hình đã trở nên rất cấp bách. Trong cuộc họp với Tổng thống Mỹ Obama, Liên minh các đảo nhỏ (AOSIS) đã cố gắng thuyết phục ông ủng hộ hiệp ước hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Thỏa thuận này cuối cùng cũng được thông qua bởi 195 quốc gia và đòi hỏi các chính phủ nỗ nực hành động. “Tôi nghĩ rằng đối với các ngài, đó là một trò chơi trong đàm phán”, Tong nói tại hội nghị. “Tuy nhiên, đối với chúng nó không phải một trò chơi. Nó là vấn đề sống còn”.
Ngay tại thời điểm này, một vài quốc gia đã chuẩn bị kịch bản cho trường hợp xấu nhất. Kiribati đã mua những mảnh đất trên quốc đảo Fiji gần đó để sẵn sàng cho kế hoạch di cư của họ.
Mặc dù vậy, tình hình ở chính quốc đảo Fiji không sáng sủa hơn là mấy. Thủy triều lên cao khiến các vùng dân cư gần bờ biển thường xuyên ngập lụt. Nước mặn phá hủy ngành mía, nguồn kinh tế quan trọng của quốc đảo này, và gia tăng bệnh dịch phát triển. “Nó ảnh hưởng đến chúng ta ở mọi cấp độ xã hội”, Attishay Prasad đến từ Bộ Y tế Fiji cho biết.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đe dọa nghiêm trọng ngành du lịch của Fiji. Nhiều khu nghỉ dưỡng tại đây đang phải trải qua quá trình nâng cao nền tốn kém. “Những bãi biển mà chúng tôi thường chơi hồi nhỏ, chúng đã chìm hẳn xuống nước”, Prasad nói.
Về phía quần đảo Marshall, các cơ quan chức năng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở đây từ năm 2013. Những trận hạn hán đang dẫn đến tình trạng thiếu nước ngọt và gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng. Một năm sau đó, thủy triều đang cao đã khiến 600 người sơ tán khỏi thủ đô Majuro. Tháng 7 năm ngoái, bão Nangka lại khiến một nửa thủ đô mất điện.
Không giống như Kiribati, quần đảo Marshall với 70.000 dân chưa thiết lập được một kế hoạch nào cho trường hợp xấu nhất. Những công dân Marshall ở nước ngoài đang nín thở theo dõi những tin tức từ quốc đảo của họ. “Ý tưởng quê hương của chúng tôi chìm xuống mặt nước là một điều thật khó nói”, Benetick Maddison, một sinh viên Marshall đang sinh sống tại Mỹ cho biết. “Chúng tôi chưa sẵn sàng cho ngày trở về và phải lội dưới nước”.