4 điều đặc biệt ở Việt Nam trong con mắt người ngoại quốc

23/09/2014 09:00 AM | Sống

Tôi vừa hoàn tất 6 tháng sinh sống tại Việt Nam, đó quả là một quãng thời gian đầy sự học hỏi và khám phá.

(Bản dịch lại từ bài viết của tác giả Devbrat Kumar trên trang cá nhân LinkedIN).

Văn hóa Việt Nam vừa có vô vàn sắc thái độc đáo sẽ dần thấm vào con người bạn khi bạn được tiếp xúc với chúng mỗi ngày, lại vừa có những điều rất hiển nhiên được phơi bày trước mắt.

Vậy đâu là những điều bạn có thể thấy ngay ở đất nước này?

Xe máy

Tôi đã từng sống phải tới gần 6 năm ở vùng Trung Đông, nơi mà lái xe máy mang xu hướng là một sở thích “quý tộc” nhiều hơn. Chúng cũng được dùng để đưa hàng nhưng nhìn chung, rất hiếm khi bạn bắt gặp một chiếc xe máy chạy trên đường.

Phần nhiều cuộc đời tôi sống ở Ấn Độ, ở đây xe máy thịnh hành hơn trên các con phố.

Nhưng những chiếc xe máy ở Việt Nam lại cho thấy một quang cảnh hoàn toàn khác. Xe máy có ở khắp mọi nơi, ai ai cũng đi xe máy!

Phải có đến hơn 40 triệu chiếc xe máy được đăng kí tại Việt Nam, trong khi dân số của đất nước này là 92 triệu, tương đương với 2 người/xe.

Quá là nhiều! Và nếu không kể đến trẻ em (dưới 18 tuổi) và người già (trên 60 tuổi), thì coi như ai cũng sở hữu một chiếc xe. Một lượng lớn khách nước ngoài cũng bắt đầu làm quen với việc đi xe máy sau khi tới Việt Nam.

Với hệ thống giao thông thiếu các phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam, những người ngoại quốc như tôi chỉ có 2 lựa chọn, đi xe máy hoặc gọi taxi. Rất may taxi ở đây không thiếu và giá cả cũng không đến nỗi (so với các nước khác).

Cà phê

Cà phê góp phần không nhỏ vào nền kinh tế của Việt Nam – đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Văn hóa cà phê là thứ bạn không thể bỏ lỡ mỗi khi đặt chân xuống đường phố Sài Gòn hay Hà Nội.

Rất nhiều quán cà phê tư nhân được mở dọc các con đường.

Các hãng cà phê nổi tiếng như Starbucks hay Highlands làm ăn rất phát đạt ở đây, và Trung Nguyên là thương hiệu lớn nhất của quốc gia này.

Tôi luôn nghĩ cà phê thì phải uống nóng, cà phê đá hay mát chỉ để uống cho vui thôi.

Nhưng mà không! Ở Việt Nam mọi chuyện hoàn toàn khác. Cà phê ở đây thường là cà phê đá.
Người dân thường thích thưởng thức ly cà phê phin đậm đặc của mình cùng với thật nhiều đá. Bạn có thể cho thêm sữa đặc (vâng, sữa đặc chứ không chỉ là sữa tươi đơn thuần) hay uống không đều được.

Vào bất cứ thời gian nào trong ngày, mọi người, từ trẻ đến già, đều có thể ngồi thư giãn trên vỉa hè, nhâm nhi một tách cà phê sữa đá.

Bạn đang vội ư? Đừng lo, hãy đem theo ly cà phê thơm ngon của mình. Cà phê sẽ được cho vào một chiếc cốc nhựa đi kèm ống hút, và để thêm “linh động”, nó còn được “trang bị” thêm túi nilon có quai. Túi nilon còn giúp bạn khỏi ướt tay khi đá tan.

Tôi rất thích mỗi lần thấy người tài xế taxi với tay lấy chiếc túi nilon đặt kế bên để nhấp chút cà phê trong đó, hay khi thấy một người chạy xe máy uống vội ngụm cà phê trong lúc chờ đèn đỏ, rồi sau đó móc chiếc túi vào móc treo của xe ngay lúc đèn chuyển xanh.

Cà phê sữa đá của Việt Nam cực cực kì ngon!

Mỳ ăn liền

Việt Nam đứng thứ 3 Thế giới về tiêu thụ mỳ gói tính trên bình quân đầu người. Người Việt trung bình ăn 5,4 tỉ gói mỳ mỗi năm, tức là khoảng 56 gói/người/năm (nguồn: WINA). Và chỉ có Hàn Quốc và Indonesia mới có thể đánh bại con số này.

Chỉ cần tới một siêu thị bất kì, bạn sẽ phải choáng ngợp bởi số lượng các hãng mỳ gói được bày trên kệ. Đã có tới 50 công ty sản xuất mỳ ở Việt Nam nhưng xem ra thị trường vẫn chưa bị bão hòa.

Có nhiều công ty khác đã thông báo về kế hoạch thâm nhập mảng thị trường này.  
 
Bia

Người Việt Nam cũng rất ưa chuộng bia!

Đi dọc các tuyến phố và bạn sẽ thấy các nhóm nhỏ đấng mày râu đang chúc tụng nhau. Bạn cũng dễ bắt gặp người dân bản địa và người ngoại quốc ngồi trên những chiếc ghế đầy màu sắc trước các quán ăn, thưởng thức thứ đồ uống tuyệt ngon này.

Năm ngoái Việt Nam tiêu thụ hơn 3 tỷ lít bia, tức là 32 lít/người (nguồn: Vietnam Beer, Alcohol and Beverage Association).

Việt Nam đứng đầu về tiêu thụ bia ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và thứ 25 toàn thế giới.

Các chuyên gia kinh tế nói rằng Việt Nam đang ở giữa thời kì khủng hoảng. Lượng tiêu thụ phần lớn các mặt hàng thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) cho thấy sự sụt giảm hoặc tiến triển không như kì vọng.

Người Việt đang cắt giảm chi tiêu, nhưng điều đó xem ra không gây ảnh hưởng gì tới thị trường bia. Thị trường này được kì vọng sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay.

Cắt bớt khầu phần ăn để uống được nhiều bia hơn?

Cạn ly nào!!!

>> Việt Nam: Chi phí cho giáo dục cao hàng đầu thế giới
 

Devbrat Kumar

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM