163.000 triệu phú đôla ở Châu Phi xài tiền ra sao?

25/09/2015 15:33 PM | Sống

Châu Phi không chỉ có đồng cỏ và nghèo đói. Châu Phi cũng có một tầng lớp chúng ta hay gọi là triệu phú đôla. Những người này sống ra sao?

Một báo cáo của Ngân hàng AfrAsia và Hãng nghiên cứu thị trường New World Wealth gần đây thống kê được châu Phi có chừng 163.000 triệu phú và con số này đang tăng không ngừng.

Để được gọi là triệu phú, những người này phải có tài sản tối thiểu 1 triệu USD. Thành phố Johannesburg ở Nam Phi có thể gọi là “tổ ấm” của giới thượng lưu với khoảng 23.400 người, nối gót là thủ đô Cairo của Ai Cập, tiếp nữa là siêu đô thị Lagos ở Nigeria...

Sống ở lục địa nghèo nhất thế giới, khi có tiền bạc rủng rỉnh người ta sẽ không còn thói quen hỏi “Giá bao nhiêu?” nữa mà là “Tôi có thể làm gì để xài tiền?”.

Thế là xuất hiện những người tình nguyện trả lời câu hỏi này. Luật sư Bimpe Nkontchou gốc Nigeria là một trong số đó. Với 25 năm kinh nghiệm, giờ đây công việc của bà là chỉ cho giới nhà giàu châu Phi cách xài tiền!

"Bất cứ người giàu châu Phi nào có lương tâm và tri thức nên nhận ra rằng đã đến lúc chúng ta tự giúp quê hương mình như những người nước ngoài đang làm"

Luật sư
 BIMPE NKONTCHOU

Có tiền cũng phải biết xài

Trò chuyện trên Đài CNN, luật sư Nkontchou cho biết phần đông khách hàng của bà là triệu phú Nigeria, mặc dù cũng có người từ Đông Phi và những nơi khác tìm đến.

Giới nhà giàu Nigeria kiếm tiền chủ yếu từ khai thác dầu và ngành dịch vụ. Năm năm trở lại đây bà chứng kiến ngày càng nhiều khách hàng phất lên trong các lĩnh vực tài chính, truyền thông, điện ảnh...

Theo bà Nkontchou, khoảng một nửa tài sản của nhà giàu châu Phi vẫn nằm tại lục địa đen. Số còn lại theo chân họ ra nước ngoài đầu tư vào bất động sản, cho con cái học hành ở các trường danh tiếng... Nước Anh là một điểm đến của tầng lớp tinh hoa châu Phi trong nhiều năm nay.

Nói về cùng vấn đề, báo Sunday Times (Nam Phi) cách đây không lâu bình luận rằng có lẽ túi tiền phình to quá khiến các triệu phú nước này phải chạy đua... tiêu xài.

Họ sưu tầm rượu quý, siêu xe, đồng hồ... Ngoài đường phố Johannesburg, người ta dễ dàng bắt gặp các cửa hiệu Prada, Jimmy Choo, Christian Louboutin hay Zegna sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu mua sắm của các ông bà lắm tiền nhiều của.

Nhưng cũng có nhiều triệu phú châu Phi nhận ra quê hương họ đang thiếu thốn, chẳng hạn chuyện học hành của những đứa trẻ nghèo. Những người này lại chọn cách làm từ thiện.

“Bất cứ người giàu châu Phi nào có lương tâm và tri thức nên nhận ra rằng đã đến lúc chúng ta tự giúp quê hương mình như những người nước ngoài đang làm” - bà Nkontchou tâm sự.

Một số người giàu khác chọn con đường thu thập những di sản văn hóa vật thể của châu Phi. Họ bảo trợ cho các nghệ sĩ trẻ, mua lại những món đồ, tác phẩm nghệ thuật có giá trị của châu Phi ở nước ngoài. Lời khuyên của chuyên gia “tiêu tiền” Nkontchou: cái gì của châu Phi hãy nên nằm trong tay người châu Phi.

Tôi là ông chủ

Luật sư Bimpe Nkontchou kể một câu chuyện từ kinh nghiệm có thật:

“Lần nọ tôi đón một khách hàng ở sân bay Heathrow (Anh). Nhân viên nhập cảnh hỏi ông ấy định lưu trú trong bao lâu, ông ấy trả lời: “Tôi không biết. Tôi chưa nghĩ tới”.

Nhân viên Anh ngạc nhiên: “Ông chưa nghĩ tới? Thế ông làm gì ở đây?”. Người khách hàng đáp: “Tôi không làm. Tôi là ông chủ”. Chỉ có thế và nhân viên nhập cảnh hiểu mình nên làm gì!”.

Thử thách nào lớn nhất trong công việc giúp người giàu? Đối với luật sư Nkontchou, đó là chuyện phải chứng kiến nhiều người giàu sụ mơ màng không ý thức được rằng số của cải họ tạo ra có thể gây tác động tiêu cực lên đời con, đời cháu.

Thuở ban đầu, chính cái nghèo đói là động lực để những người này cố gắng vươn lên kiếm tiền. Ngày nay, con cháu họ sinh ra và lớn lên trong một môi trường thoải mái và bảo bọc, tư tưởng thoát nghèo vì thế không còn nữa. Sẽ vô cùng khó khăn cho các gia đình đã dựng lên cơ nghiệp lớn truyền lại cho thế hệ sau tinh thần của họ.

Thế hệ trẻ của các triệu phú châu Phi, cũng như người giàu bất cứ đâu, có thể sống và làm việc nơi nào họ thích. Nhiều khi do trải qua một thời gian dài ở Anh, ở Mỹ... chúng không còn giữ được mối liên hệ nào với gốc gác.

Theo bà Nkontchou, người lớn cần phải bỏ nhiều công sức để giúp chúng có được một chút cảm giác trách nhiệm, không hẳn là phải làm việc cho gia đình, nhưng ít nhất là đóng góp được điều gì đó cho xã hội.

Theo Minh Trung

Cùng chuyên mục
XEM