Sợ nhện từ bé, anh chàng này quyết tâm làm ứng dụng thực tế ảo chữa bệnh "sợ" cho toàn nhân loại và cái kết bất ngờ
"Cách duy nhất để không sợ hãi, chính là đối diện với nó". Câu nói đã đem tới cho anh chàng lập trình viên quyết tâm vượt qua chính nỗi sợ nhện của bản thân.
Tim Suzman là một nhà thiết kế ứng dụng có tiếng, sản phầm thành công nhất của anh chính là ứng dụng vẽ hình cho Facebook mang tên Graffiti.
Điển trai, tài hoa, nhưng Tim Suzman lại cực kì sợ... nhện! Thậm chí, chỉ cần nhìn vào những hình vẽ về loài nhện cũng đủ khiến anh này sởn da gà.
Một ngày nọ, Suzman quyết định vượt qua chính nỗi sợ của bản thân. Anh đã lên ý tưởng làm ứng dụng "chống sợ nhện", và kết quả thu về hết sức bất ngờ.
Câu chuyện bắt đầu vào năm 2015, sau khi nhận ra tiềm năng của các sản phẩm thực tế ảo, Suzman quyết định xây dựng một dự án liên quan đến công nghệ này.
Chính xác hơn, đây là một startup về VR (thực tế ảo). Nhưng khác với các ứng dụng, tựa game chỉ để giải trí, Suzman muốn sử dụng thực tế ảo để điều trị những nỗi ám ảnh phổ biến nhất của con người: nỗi sợ.
Ý tưởng được Suzman lấy cảm hứng từ chú chó của mình. Baylie, một chú chó cứu hộ hay bị hoảng sợ, lo lắng. Anh biết rằng, một trong những phương pháp điều trị chứng rối loạn ám ảnh là tạo điều kiện, hoàn cảnh để cá thể đó đối mặt với chính nỗi sợ trong thế giới thực.
"Dĩ nhiên là bạn không thể làm điều đó cho con chó, nhưng rất có thể bạn sẽ giúp mọi người khỏi nỗi sợ hãi với công nghệ thực tế ảo?", Suzman hào hứng cho biết.
Vì vậy, Suzman đã quyết định thử nghiệm ý tưởng với chính mình. Anh đã xây dựng một ứng dụng VR để tự "chữa" chứng sợ nhện từ ngày bé.
Đương nhiên, nói luôn dễ hơn làm.
"Tôi đặt tai nghe vào, một con nhện khổng lồ lao thật nhanh vào mặt tôi. Nó làm tôi thực sự chết lặng. Tôi đã ném tai nghe xuống ngay lập tức và không thể làm gì sau đó. Sau 5-10 phút ngồi bất động, tôi mới có thể bình tĩnh trở lại", Suzman kể lại lần đầu thử nghiệm không mấy dễ dàng của mình.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần thử nghiệm, Suzman đã thành công và kết quả hết sức bất ngờ: anh này đã tự mình chữa khỏi chứng sợ nhện.
Sau đó, ứng dụng có tên là Fearless (tạm dịch là: không sợ hãi) đã ra đời. Về cơ bản, ứng dụng sẽ tương thích với kính Oculus, được thiết kế để thần kinh của người sử dụng thích nghi từ từ với những con nhện theo từng cấp độ.
Lần đầu tiên dùng kính VR và mở ứng dụng, bạn sẽ tìm thấy chính mình trong một căn phòng ảo với một con nhện phim hoạt hình cười trên màn hình TV. Ở cấp độ sau đó, các con nhện trở gớm ghiếc hơn và di chuyển về phía bạn.
Theo các chuyên gia, việc Suzman có thể tự "chữa bệnh" sợ nhện bằng ứng dụng cho thấy tương lai đầy triển vọng của thực tế ảo. Đây được xem là "liều thuốc" giúp những người như Suzman vượt qua được nỗi sợ hãi.
Barbara Rothbaum, một giáo sư về tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Emory đã nghiên cứu tác động của các mô phỏng ảo dựa trên nỗi ám ảnh hơn 20 năm cho hay:
"Tôi nghĩ rằng thời điểm của công nghệ VR đã đến. Hy vọng, sẽ có thêm nhiều nhà phát triển như Suzman mang tới làn gió mới về khoa học cũng như công nghệ".