Số liệu vừa công bố: Mỗi năm Việt Nam có hơn 120.000 người tử vong do ung thư, 80% phát hiện ở giai đoạn muộn
Việt Nam có tỷ lệ tử vong do ung thư thuộc nhóm cao trong khu vực do 50-80% người bệnh mắc bệnh ung thư đến khám ở giai đoạn 3 và 4.
Hôm qua (10/5), Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã tổ chức hội nghị Khoa học kỹ thuật Bệnh viện Ung bướu TP.HCM năm 2024.
Phát biểu tại hội nghị, TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh lý ung thư đến nay đã và đang là gánh nặng không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Đáng báo động, tỉ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng.
Theo số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu năm 2022 vừa được công bố đầu tháng 3-2024, toàn cầu ước tính có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong do ung thư. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca ung thư tử vong.
Việt Nam rơi vào nhóm các quốc gia có tỉ lệ ung thư cao. Tại Việt Nam, năm 2022 ghi nhận 24.563 ca ung thư vú, chiếm tỉ lệ cao nhất trong các loại ung thư (chiếm 13,6%).
Tiếp đến là ung thư gan với 24.502 ca, xếp thứ ba là ung thư phổi với 24.426 ca (chiếm 13,5%), sau đó là ung thư đại trực tràng và ung thư dạ dày lần lượt là 9,3% và 9%.
Đáng chú ý, tỉ lệ mắc mới ung thư trong nước ở nhóm trung bình của thế giới, nhưng tỉ lệ tử vong lại thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á.
Nguyên nhân tử vong cao vì phát hiện bệnh quá trễ. Tại Việt Nam, 50-80% người bệnh mắc bệnh ung thư đến khám ở giai đoạn 3 và 4.
Nhật Bản và Hàn Quốc có tỉ lệ mắc mới ung thư cao hơn Việt Nam nhưng tỉ lệ tử vong lại thấp hơn. Lý do là các chương trình tầm soát tại hai quốc gia này rất hiệu quả, người bệnh được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, số bệnh nhân đến khám và điều trị các bệnh ung bướu ngày càng tăng. Năm 2023, bệnh viện tiếp nhận gần 800.000 lượt bệnh nhân đến khám, thực hiện gần 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 lượt xạ trị và gần 300.000 lượt điều trị nội khoa bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch.
Cũng có mặt tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhận định, việc điều trị ung thư rất tốn kém, đòi hỏi công nghệ cao, thiết bị hiện đại. Do đó, cần có những biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao tay nghề y bác sĩ, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi ung thư.
Tại sao phải tầm soát ung thư?
Tầm soát ung thư là thực hiện những xét nghiệm trên những người khỏe mạnh, chưa có triệu chứng của bệnh. Thông qua những xét nghiệm cận lâm sàng, Bác sĩ có thể phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, khi bệnh còn khả năng điều trị triệt để.
Xét nghiệm tầm soát nhằm mục đích phát hiện ra ung thư ở những người chưa có triệu chứng của bệnh. Ví dụ như ung thư phổi, nếu một người có triệu chứng –nguyên nhân có thể do ung thư phổi hoặc do bệnh lí khác, cần thực hiện xét nghiệm để tìm bệnh lí cơ bản. Xét nghiệm này nhằm mục đích chẩn đoán bệnh không phải mục đích tầm soát.
Theo thông tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, có nhiều phương pháp tầm soát ung thư, tổng quan có thể chia thành các nhóm sau:
- Hỏi bệnh và khám bệnh: Giúp kiểm tra sức khỏe tổng quát của bạn, và các dấu hiệu bệnh lí, như: những nốt, sang thương hoặc bất cứ thứ gì không giống với bình thường.
- Xét nghiệm: kiểm tra mẫu mô, mẫu máu, mẫu nước tiểu hoặc các chất khác trong cơ thể của bạn gợi ý đến các ung thư.
- Hình ảnh học: Những phương tiện tạo ra hình ảnh của các bộ phận bên trong cơ thể bạn, giúp khảo sát các bất thường về mặt cấu trúc và chức năng của những cơ quan đó, qua đó gợi ý những hình ảnh sớm nhất có thể của khối u.
- Kiểm tra genes: Là những xét nghiệm để tìm các đột biến gen có liên quan đến một vài loại ung thư.
Mỗi phương tiện tầm soát đều có lợi ích và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại, vì lí do đó nên bạn cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi thực hiện bất kì xét nghiệm tầm soát ung thư nào. Lợi ích của tầm soát ung thư là phát hiện các tổn thương tiền ung thư, hoặc ung thư giai đoạn sớm nhất khi chúng chưa có biểu hiện triệu chứng, những giai đoạn này có thể được điều trị triệt để.
Bất lợi có thể gặp phải là kết quả dương tính giả, khi bác sĩ quan sát thấy những hình ảnh giống với ung thư nhưng thực sự không phải ung thư. Kết quả này sẽ dẫn đến việc thực hiện nhiều xét nghiệm, tốn kém nhiều về tiền bạc và thời gian, ngoài ra còn mang lại cảm giác lo lắng cho người tầm soát.
Bất lợi gặp phải tiếp theo là chẩn đoán quá mức, khi bác sĩ tìm thấy những thứ nghi ngờ sẽ tiến triển thành ung thư. Điều này dẫn đến những điều trị không thực sự cần thiết, được gọi là điều trị quá mức.
Một vài bất lợi khác có thể gặp phải khi tầm soát như: Đau trong quá trình làm thủ thuật, hoặc việc tiếp xúc với tia phóng xạ từ chụp nhũ ảnh trong tầm soát ung thư vú, hoặc chụp CT scan liều phóng xạ thấp trong tầm soát ung thư phổi. Mặc dù liều phóng xạ của các xét nghiệm này là tương đối thấp nhưng nếu thực hiện lặp lại nhiều lần sẽ mang lại nhiều bất lợi cho bạn.