Liện tục dính bê bối vắc xin, bị người dân khởi kiện suốt nhiều năm, AstraZeneca vẫn giàu lên hậu Covid-19 nhờ bán một loại "thần dược"

09/05/2024 10:19 AM | Sống

Tuy dính tới hơn 50 vụ kiện liên quan đến vắc xin Covid-19 cũng như phải thu hồi thuốc trên khắp thế giới, "gã khổng lồ" dược phẩm AstraZeneca vẫn đạt doanh thu hàng chục tỷ USD.

Niềm tự hào của nước Anh và thế giới

Theo báo Independent, vắc xin COVID-19 được AstraZeneca hợp tác phát triển cùng Đại học Oxford và do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất. Loại vắc xin này đã được cấp phép trên hơn 150 quốc gia, trong đó có Anh và Ấn Độ.

Tháng 1/2020, ca tử vong đầu tiên do COVID-19 tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã trở thành hồi chuông báo động về một nạn dịch càn quét trên toàn cầu.

Đến ngày 11/2 cùng năm, giáo sư Sarah Gilbert và Andy Pollard (cùng thuộc Đại học Oxford) dẫn đầu nhóm nghiên cứu nhằm phát triển và sản xuất một loại vắc xin giúp bảo vệ con người khỏi loại vi rút Corona chết người khi đó đang lây lan trên khắp thế giới.

Liện tục dính bê bối vắc xin, bị người dân khởi kiện suốt nhiều năm, Astrazeneca vẫn giàu lên hậu Covid-19 nhờ bán một loại "thần dược" - Ảnh 1.

Trụ sở Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca ở Macclesfield, Anh

Một số nghiên cứu trong thời kỳ đại dịch cho thấy loại vắc xin này có hiệu quả từ 60 đến 80% trong việc bảo vệ chống lại chủng vi rút Corona mới khi ấy.

Tờ Guardian đưa tin việc tạo ra vắc xin COVID-19 là một hành trình đáng ghi nhận với nhóm chuyên nghiên cứu về vắc xin tại Đại học Oxford. Cùng với đó, hai lãnh đạo của nhóm là bà Gilbert và ông Pollard đã có nỗ lực không ngừng nghỉ để tạo ra một loại vắc xin với giá rẻ, dễ phân phối, cũng như đã bảo vệ thành quả của mình trước những nghi ngờ từ nhiều học giả và các chính trị gia.

Vắc xin AstraZeneca chỉ một năm sau khi bắt đầu việc nghiên cứu đã được tiêm cho hàng triệu người trên khắp nước Anh và tại nhiều quốc gia khác. Đến tháng 2-2021, giáo sư Kate O'Brien - người đứng đầu bộ phận tiêm chủng, vắc xin và sinh phẩm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - mô tả loại vắc xin này là "hiệu quả" và "là một loại vắc xin quan trọng đối với thế giới".

Vào thời điểm đó, một số nhà quan sát Mỹ đã chỉ trích quy trình thử nghiệm của vắc xin AstraZeneca. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lên tiếng về việc loại vắc xin này "gần như không hiệu quả" đối với những người trên 65 tuổi.

Tuy nhiên, WHO cùng lúc đó cũng bác bỏ kiên quyết các nghi ngờ này và khuyến nghị việc sử dụng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Vào tháng 12-2021, thủ tướng Anh lúc ấy Boris Johnson khen ngợi các nhà khoa học đứng sau vắc xin AstraZeneca là "xuất sắc" khi loại vắc xin này đã "cứu sống hàng triệu người".

Một năm sau khi được phê duyệt sử dụng tại Anh (30-12-2020), hơn 50 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca đã được sử dụng trên khắp nước Anh và khoảng 2,5 tỉ liều trên khắp thế giới. Ông Johnson nói nước Anh "có thể vô cùng tự hào" về những nhà khoa học đã tạo ra vắc xin này.

Trong báo cáo tài chính công bố ngày 30/4/2021, AstraZeneca cho biết tiền kiếm được từ việc bán vắc xin COVID-19 chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu quý I/2021.

Với doanh thu 275 triệu USD cho 68 triệu liều, trung bình mỗi liều vắc xin AstraZeneca có giá khoảng 4 USD (khoảng 93.000 đồng). Châu Âu vẫn là thị trường lớn của AstraZeneca, với 224 triệu USD. Doanh thu vắc xin tại các thị trường mới nổi đạt 43 triệu USD và 8 triệu USD ở các nước còn lại.

Liện tục dính bê bối vắc xin, bị người dân khởi kiện suốt nhiều năm, Astrazeneca vẫn giàu lên hậu Covid-19 nhờ bán một loại "thần dược" - Ảnh 2.

Pascal Soriot - Giám đốc điều hành AstraZeneca

Tổng doanh thu của hãng trong 3 tháng đầu năm 2021 là 7,32 tỉ USD, chủ yếu nhờ các loại thuốc điều trị ung thư mới, theo Hãng tin Reuters.

Một phát ngôn viên của AstraZeneca khẳng định hãng tiến gần tới việc cung cấp 200 triệu liều vắc xin COVID-19 mỗi tháng kể từ tháng 4/2021. Vị này cũng cam kết sẽ tiếp tục bán vắc xin "không vì mục đích lợi nhuận" trong suốt đại dịch.

Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot, đã nhắc lại lời hứa này trong một cuộc họp với cổ đông ngày 30/4/2021. Theo ông Soriot, AstraZeneca sẽ duy trì cam kết không vì lợi nhuận đến hết năm 2022.

Sau thời gian trên, hãng có thể sẽ điều chỉnh giá bán riêng cho các nước thu nhập thấp và trung bình, các khu vực khó khăn trên thế giới.

Liên tục dính bê bối sức khỏe

Tháng 4/2021, Kate Scott, một người phụ nữ ở Anh trải qua giai đoạn tồi tệ nhất, khi chỉ trong một thời gian ngắn, bệnh viện đã 3 lần gọi điện báo tin chồng cô - Jamie Scott - có khả năng tử vong cao.

Trước đó, Jamie Scott đã bị đột quỵ, chảy máu não do một cục máu đông phát triển chỉ một ngày sau khi tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca.

Jamie Scott được cứu sống nhưng anh phải rời bệnh viện với tổn thương não không thể phục hồi.

Liện tục dính bê bối vắc xin, bị người dân khởi kiện suốt nhiều năm, Astrazeneca vẫn giàu lên hậu Covid-19 nhờ bán một loại "thần dược" - Ảnh 3.

Jamie Scott (trái) được cứu sống nhưng anh phải rời bệnh viện với tổn thương não không thể phục hồi

Ngay sau đó, ông bố 2 con này đã đệ đơn kiện AstraZeneca, mở đầu cho hàng loạt đơn kiện liên quan đến loại vắc xin Covid-19 nổi tiếng của hãng dược này.

Tính đến nay, có 51 vụ kiện đã được đưa ra tại Tòa án tối cao. Khoản bồi thường được yêu cầu ước tính lên đến 100 triệu bảng Anh.

Luật sư của Jamie Scott lập luận rằng, vắc xin Covid-19 của AstraZeneca bị "lỗi" và hiệu quả của nó đã được "phóng đại rất nhiều". Ở phía ngược lại, AstraZeneca đã phủ nhận cáo buộc này.

Những ngày gần đây, báo chí quốc tế và trong nước đồng loạt đưa tin về việc AstraZeneca đã lần đầu tiên thừa nhận trong tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao rằng, vắc xin Covid-19 của họ: "Trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)". Khi đó, bệnh nhân sẽ có cục máu đông và số lượng tiểu cầu trong máu thấp. Tuy nhiên, trong văn bản này cũng nêu rõ cơ chế gây ra tác dụng phụ vẫn chưa được xác định

Đến ngày 7/5/2024, tờ Telegraph (Anh) cho hay, Công ty dược phẩm AstraZeneca đã thông báo thu hồi vắc xin COVID-19 của hãng này trên toàn cầu (tên thương mại là Vaxzevria).

Liện tục dính bê bối vắc xin, bị người dân khởi kiện suốt nhiều năm, Astrazeneca vẫn giàu lên hậu Covid-19 nhờ bán một loại "thần dược" - Ảnh 4.

AstraZeneca thu hồi vắc xin trên toàn thế giới

AstraZeneca giải thích việc loại bỏ vắc xin này khỏi thị trường đơn thuần xuất phát từ lý do thương mại. Công ty này cho biết vắc xin AstraZeneca đã không còn được sản xuất hay phân phối và đã được thay thế bằng các loại vắc xin cập nhật nhằm đối phó với các biến thể mới.

Tờ Telegraph nhận định động thái rút vắc xin khỏi thị trường của AstraZeneca là dấu chấm hết cho việc sử dụng loại vắc xin COVID-19 từng được cựu thủ tướng Anh Boris Johnson gọi là "chiến thắng cho khoa học Anh" và được ghi nhận đã cứu sống hơn 6,5 triệu nhân mạng trong năm đầu tiên sản xuất.

AstraZeneca vẫn "ăn nên làm ra" sau Covid-19

Ngày 8/2/2024, hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh đã công bố mức lợi nhuận năm 2023 tăng gần gấp đôi, đạt 6 tỷ USD. Trong đó những tín hiệu khả quan từ bộ phận điều trị ung thư đã giúp bù đắp sụt giảm về doanh số bán thuốc điều trị COVID-19.

Cụ thể, doanh thu của hãng trong năm 2023 đã tăng 3% so với một năm về trước lên gần 46 tỷ USD. Đáng chú ý là bộ phận điều trị ung thư khi chứng kiến mức tăng doanh số 23%, trong khi doanh số bán thuốc điều trị COVID-19 giảm hơn 3,7 tỷ USD.

Ngày 25/4/2024, AstraZeneca tiếp tục công bố lợi nhuận ròng trong 3 tháng đầu năm nay đã tăng nhờ bán thuốc trị ung thư.

Theo đó, tổng doanh thu của hãng trong quý 1/2024 đã tăng 19% lên 12,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cũng đã tăng hơn 20%, lên 2,18 tỷ USD.

Liện tục dính bê bối vắc xin, bị người dân khởi kiện suốt nhiều năm, Astrazeneca vẫn giàu lên hậu Covid-19 nhờ bán một loại "thần dược" - Ảnh 5.

AstraZeneca thu lợi nhuận khủng nhờ bán thuốc điều trị ung thư

Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot khẳng định tập đoàn đã có một khởi đầu rất thuận lợi trong năm 2024, do doanh thu từ các phương pháp điều trị ung thư tăng 26%.

Ông khẳng định: "Động lực phát triển mạnh mẽ của chúng tôi vẫn tiếp tục và năm nay, chúng tôi đã công bố kết quả thử nghiệm tích cực đối với hai loại thuốc Imfinzi và Tagrisso trong điều trị bệnh ung thư phổi."

Cũng trong quý I/2024, AstraZeneca đã mua lại công ty dược phẩm sinh học Fusion của Mỹ với giá lên tới 2,4 tỷ USD, một bước tiến mới của hãng trong lĩnh vực điều trị ung thư.

Công ty Fusion nổi tiếng với việc phát triển liệu pháp xạ trị thế hệ mới nhằm điều trị ung thư thông qua việc nhắm mục tiêu chính xác và giảm thiểu thiệt hại cho các tế bào khỏe mạnh.

Ngoài ra, cũng trong quý này, tập đoàn đã đạt được thỏa thuận mua lại công ty công nghệ sinh học Amolyt Pharma của Pháp với giá khoảng 1 tỷ USD.

Việc mua lại này nhằm mục đích nâng cao sự hiện diện và năng lực của AstraZeneca trong lĩnh vực điều trị bệnh hiểm nghèo, đồng thời đặt mục tiêu mở rộng danh mục đầu tư của hãng nhằm phát triển các phương pháp điều trị mới.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM