Sinh viên sư phạm “sẵn sàng” đối mặt với nguy cơ thất nghiệp
“Khi nhận bằng tốt nghiệp em sẽ đi nộp hồ sơ ở tất cả các cơ sở có nhu cầu tuyển dụng giáo viên. Nếu không xin được việc thì em sẽ thi tiếp lên và học cao học và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đứng trên bục giảng”, một sinh viên sư phạm cho hay.
Vừa qua tại Hội thảo khoa học “Đào tạo giáo viên tại các trường ĐH đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay” PGD.TS Bùi Văn Quân – Hiệu trưởng trường ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết: “Dự kiến đến năm 2020 hệ thống giáo dục không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường, vẫn thừa khoảng 41.000 cử nhân sư phạm tiểu học, 12.200 cử nhân THCS và 16.900 cử nhân sư phạm cấp THPT.
Trước những dự báo và những thực trạng này, phóng viên báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng một số sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bạn Lý Thiên H. (sinh viên năm cuối khoa giáo dục tiểu học) cho biết: “Từ khi học cấp 2 em đã nuôi dưỡng ước mơ thành một cô giáo tiểu học. Rồi may mắn cũng mỉm cười khi em nhận được tin mình đủ điểm đỗ vào khoa giáo dục mầm non trường Đại học Sư phạm Hà Nội – một ngôi trường sư phạm danh giá mà ai cũng muốn bước chân vào.
Nỗ lực học tập từ năm thứ nhất với mong muốn đạt được kết quả cao sẽ có thuận lợi hơn khi xin việc. Bởi lẽ, rất nhiều người đã cảnh báo với em học sư phạm giờ khó xin việc. Giờ đây, đã kết thúc 4 năm học tại mái trường sư phạm, chỉ còn một tháng nữa là nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng thú thực em buồn nhiều hơn vui.
Vui vì đạt được ước nguyện là có tấm bằng giỏi trong tay nhưng buồn là vì không biết sẽ làm gì với tấm bằng ấy khi số lượng cử nhân sư phạm thừa ngày càng nhiều. Trường nào cũng thừa thì những cử nhân mới ra trường và chưa có kinh nghiệm như em sẽ chẳng bao giờ có cơ hội được đứng trên bục giảng.
Trước mắt, khi nhận bằng tốt nghiệp em sẽ đi nộp hồ sơ ở tất cả các cơ sở có nhu cầu tuyển dụng giáo viên. Nếu không xin được việc thì em sẽ thi tiếp lên và học cao học và sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ đứng trên bục giảng”.
Bạn Hoàng Ái V. (sinh viên năm 2 khoa giáo dục tiểu học) chia sẻ: “Khi nghe mọi người bàn về số lượng cử nhân sư phạm ra trường bị thất nghiệp thực sự là em sợ hãi. Chẳng biết sau 4 năm bố mẹ vất vả nuôi học đại học khi ra trường có cơ hội làm đúng chuyên ngành không nữa.
Khi nghe câu chuyện về một giáo viên dạy âm nhạc đã đi dạy hợp đồng 15 năm với tiền lương 1,5 triệu/tháng khiến em ứa nước mắt. Với số tiền ấy lo cho bản thân con chưa xong chứ nói gì đến việc sau này có gia đình và chăm sóc bố mẹ”.
Một sinh viên năm cuối khoa Ngữ Văn (trường Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Giáo viên Văn còn khó xin việc hơn tất cả các giáo viên bộ môn khác vì thế nên em đã chuẩn bị sẵn tinh thần rồi. Không xin được làm giáo viên em sẽ nộp hồ sơ vào một số nhà xuất bản làm biên tập nội dung, các nhà sách, thậm chí là các tòa soạn báo... Chỉ cần có việc làm và kiếm tiền một cách chân chính thì nghề gì em cũng sẽ cố gắng chứ không nhất thiết cứ phải đứng trên bục giảng”.
Trước đó khi chia sẻ với báo chí PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết: “Từ năm 2013 Bộ GD&ĐT đã yêu cầu mỗi năm phải giả 10% chỉ tiêu vào các trường sư phạm ưu tiên mầm non, dừng việc đào từ xa, dừng cấp chứng chỉ sư phạm cho sinh viên ngành khác. Tuy nhiên, số lượng trường sư phạm do Bộ GD&ĐT chủ quản chỉ chiếm 10% số lượng các trường sư phạm do địa phương và các Bộ khác quản lý nên khó khống chế được chỉ tiêu”.