Hơn 70 ngàn sinh viên sư phạm khi ra trường sẽ thất nghiệp

30/05/2016 14:22 PM | Xã hội

Qua các năm tuyển sinh chỉ tiêu trong ngành sư phạm liên tục giảm để hạn chế tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Nhưng dù vậy vẫn không cải thiện được tình hình thiếu việc làm cho những sinh viên chuyên ngành này.

Trong thông báo mới nhất của Hội thảo khoa học Quốc gia đào tạo giáo viên tại các trường Đại học đa ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay vừa được tổ chức tại Hà Nội cho biết: Đến năm 2020, dự kiến Việt Nam sẽ thừa khoảng 70.100 sinh viên sư phạm tốt nghiệp (41.000 giáo viên đối với cấp Tiểu học, 12.200 đối với cấp THCS và 16.900 đối với THPT).

Như vậy đồng nghĩa với việc số lượng sinh viên sư phạm sau khi ra trường có thể kiếm được việc làm đúng chuyên môn là rất khó.

Đại đa số các bạn sinh viên học sư phạm cho biết là cơ hội để có được việc dạy học sau khi ra trường là khá mong manh. Nhiều bạn cũng chuẩn bị tâm lý sẽ làm công việc khác chuyên môn chứ cũng không thể theo được nghề.

Trên 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp.
Trên 70.000 sinh viên sư phạm thất nghiệp.

Trong khi đó gần 20 năm trước, các trường học trên cả nước thiếu trầm trọng số lượng và chất lượng giáo viên. Có những mùa tuyển sinh giáo viên trình độ Tiểu học sư phạm, TP HCM đã phải lấy điểm trúng tuyển 6,5/20 cho thí sinh khu vực nội thành và 3,5/20 cho thí sinh ngoại thành, chỉ có chưa tới 20% số bài thi đạt tổng điểm 10/20.

Sau đó, Bộ GD-ĐT đã ra quyết định miễn học phí cho sinh viên theo học ngành Sư phạm. Sự khuyến khích đó đã khiến cho rất nhiều học sinh khá, giỏi “đầu quân” vào các trường sư phạm mỗi khi đến kỳ thi ĐH, CĐ.

Sự cạnh tranh để được vào ngành sư phạm đã lên đến cao trào khi có năm, thí sinh để vào được khoa Toán của ĐH Sư phạm Hà Nội phải đạt 27, 28 điểm cho 3 môn thi. Cùng với việc đăng ký và học ồ ạt đã khiến lực lượng sinh viên ngành sư phạm bị dư thừa khi xã hội không thể đáp ứng được hết nhu cầu về việc làm.

Thực tế, nhiều địa phương còn chưa đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo sinh viên sư phạm đáp ứng nhu cầu của xã hội, dự báo về cung-cầu nguồn nhân lực không “gặp nhau” cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mỗi năm có hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm thất nghiệp hoặc chuyển sang làm các công việc khác.

Dù những năm gần đây, Bộ GD-ĐT thừa nhận tình trạng dư thừa giáo viên, đặt ra quy định giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm.

Còn như hiện nay, việc cào bằng đầu tư miễn học phí cho tất cả sinh viên sẽ không hút được người giỏi, cũng không tạo động lực nâng chất lượng đào tạo của các trường sư phạm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân sinh viên sư phạm ra trường có nhiều người không đáp ứng được yêu cầu của công việc nên tự dịch chuyển sang ngành nghề khác.

Việc tuyển đầu vào của sinh viên vào các trường đại học, cao đẳng đã khó và cơ hội làm nghề ở đầu ra cũng là một bài toán còn nan giải hơn. Chính vì vậy mỗi học sinh, sinh viên trước khi đặt bút đăng ký vào học một chuyên ngành nên cân nhắc kỹ lưỡng về những cơ hội cũng như những rủi ro mình sẽ phải đối diện để chuẩn bị tâm lý một cách vững vàng nhất.

Theo Tuyết Nhung

Cùng chuyên mục
XEM