Sinh viên ngành Y: Chôn vùi chục năm thanh xuân theo đuổi một ngành hot hái ra tiền nhưng không đam mê liệu có đáng?

03/11/2018 10:14 AM | Sống

Học ngành Y chỉ có 2 mùa: Mùa ôn thi và mùa thi. Nếu không yêu, không đam mê thì sẽ chẳng trụ được lâu. Mà dù có cố gắng miễn cưỡng tiếp tục cũng rất nguy hiểm vì đây là ngành ảnh hưởng đến sinh mạng nhiều người.

Việc học sinh chọn ngành theo ý kiến của bố mẹ chẳng phải là chuyện gì mới mẻ, mùa thi Đại học, mùa tuyển sinh nào cũng nóng lên vấn đề này. Những tưởng thế hệ 10x bây giờ sẽ thông thoáng hơn trong suy nghĩ, có chính kiến hơn nhưng hóa ra vẫn không ít trường hợp bị bố mẹ bắt học, bắt chọn những ngành mà mình không hề yêu thích.

Câu chuyện sau đây là một ví dụ như vậy:

"Có ai thi xong Đại học vào trường tốt rồi mà muốn thi lại như mình không? Mình là sinh viên năm nhất của trường Y, hồi cấp 3 đã nghe rất nhiều những câu chuyện, lời khuyên của các anh chị đi trước rằng học Y rất khổ và mình cũng đã định không thi Y nữa nhưng vì bố mẹ đặt kỳ vọng quá nhiều nên vẫn thi và đỗ. Ai cũng bảo ngành này hot, học xong tha hồ hái tiền.

Vậy mà mới đi học được 2 tháng, mình đã cảm thấy vô cùng chán nản, học quá nhiều so với trường khác, môi trường thì khô khan, ít hoạt động. Năm nhất trường Y là năm nhẹ nhất trong 6 năm mà đã như thế, mình thật sự nghĩ mình không thể theo nổi những năm sau.

Mình rất muốn thi lại Đại học, chọn ngành khác nhưng như thế bố mẹ sẽ rất buồn. Bây giờ chỉ có 2 lựa chọn 1 là bố mẹ buồn hoặc 2 là mình mất 6 năm tuổi thanh xuân. Mình phải làm sao?"

Ngành Y là ngành đòi hỏi người học phải thực sự có tâm, nếu không có TÂM sẽ mất đi cái TẦM của ngành này

Học Đại học là một quãng thời gian quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của mỗi con người. Chọn học Đại học hay đi làm luôn đã khó, chọn học ngành gì cho vừa lòng bố mẹ, thầy cô mà mình vẫn có thể theo đuổi được đam mê, ý thích lại càng khó khăn hơn. Nếu phải học một ngành mình không mê thì quãng đời sinh viên thực sự kinh khủng.

Là một ngành đặc thù học tận 6 năm, gần như là thanh xuân của một đời người, sinh viên Y xưa nay vẫn được biết đến với hình ảnh chỉ có học và học. Học ngành Y mà không đam mê sẽ rất khó, không chỉ ảnh hưởng đến mình mà còn người khác. Vì mỗi Y - Bác sĩ đều nắm trong tay khả năng thay đổi số mệnh của một con người.

Nhiều anh chị đi trước đã vào đưa ra lời khuyên cho cô bạn này. Đa số đều cho rằng, đối với ngành Y, không thích học thì nên chuyển ngành trước khi muộn. Học Y rất khó, lúc nào cũng trong tình trạng ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, ế là chuyện bình thường, vậy mà tâm trạng lúc nào cũng suy nghĩ, mệt mỏi như thế này thì chẳng thể nào học nổi đâu.


Đa số ý kiến đều cho rằng, riêng ngành Y nếu em đã không thích thì nên chuyển ngành ngay. Học Y không chỉ cho bản thân mà còn vì rất nhiều sinh mạng của người khác nữa.

Ngành Y cũng không chỉ có 6 năm thanh xuân đâu, tốt nghiệp xong còn phải học khá nhiều năm nữa mới đủ kiến thức, kỹ năng để đi chăm sóc sức khỏe hay cứu chữa người khác.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến khuyên cô tân sinh viên năm nhất kia nên xem lại bản thân mình, Bạn Nguyễn Văn Hùng, cựu sinh viên ĐH Y Hà Nội cho biết : "Do bản thân em không chịu thay đổi để phù hợp với môi trường Đại học chứ không phải do môi trường Đại học Y như thế. Trường Y mà em còn kêu khô khan thì anh thấy nếu học trường nào em cũng thế thôi. Muốn giỏi thì ở đâu cũng phải học nhiều, em nên thay đổi cách học cách sống trên Đại học trước khi nghĩ đến việc thi lại trường khác hay không."

Sinh viên ngành Y: Chôn vùi chục năm thanh xuân theo đuổi một ngành hot hái ra tiền nhưng không đam mê liệu có đáng? - Ảnh 1.

Cô bạn Vũ Nam Phương (1994), hoa khôi du học sinh Việt toàn thế giới năm 2015, tốt nghiệp Đại học tại Mỹ với tấm bằng xuất sắc về Chẩn đoán hình ảnh y tế liên quan đến y học phóng xạ và được Viện nghiên cứu và trị liệu ung thư hàng đầu thế giới - UT MD Anderson Cancer Center (Houston, Texas, Mỹ) giữ lại làm việc cũng đã có những chia sẻ về vấn đề này: "Học Y không phải chỉ học cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến nhiều người, thậm chí quyết định số mệnh, cuộc đời của một ai đó. Ngành Y không khô khan, nếu ai cảm thấy nó nhạt nhẽo là vì họ chưa đủ đam mê, chưa đủ động lực, chưa thực sự yêu và hiểu ngành này. 

Trường hợp này bạn ấy cũng đáng thương, không được quyền chọn ngành đúng đam mê của mình. Nếu quá mệt mỏi thì bạn ấy nên chuyển ngành, đi theo đúng tiếng gọi của con tim. Vì càng cố làm hài lòng bố mẹ thì càng mệt cho bạn ấy thôi.

Ngành Y là ngành đòi hỏi người học phải thực sự có tâm, nếu không có TÂM sẽ mất đi cái TẦM của ngành này. Nếu đã chán ngành này thì bạn ấy sẽ uổng phí quãng đời sinh viên, phải học trong sự ràng buộc suốt 6 năm và có thể nhiều năm sau này nữa.

Học ngành nào, nghề nào cũng vậy, nếu không yêu thích thì vẫn học được nhưng một khi đã chán ghét, chối bỏ thì nên ngưng lại."

Bà ngoại Phương từng mắc bệnh ung thư nhưng được qua khỏi còn mẹ Nam Phương thì không may mắn như vậy. Căn bệnh quái ác đã khiến cô bạn mồ côi mẹ nên Phương quyết tâm theo học ngành Y để sau này có thể giúp đỡ: "Ngày đó, các biện pháp chẩn đoán y tế vẫn còn sơ sài, mẹ em phát hiện bệnh muộn nên không kịp thời chữa trị. Nên em rất muốn được theo y khoa, để sau này có thể đóng góp một phần cho việc chẩn đoán bệnh tình của người dân".

Nam Phương không theo học bác sĩ ở Mỹ nhưng để tốt nghiệp tiến sĩ y khoa (MD: Medical Doctor), hành nghề bác sĩ sẽ mất 10 đến 16 năm, tuỳ thuộc chuyên môn. Phương cho rằng dù là nam hay nữ, khi đã chọn ngành Y thì họ đã chấp nhận hy sinh tiền bạc, sức khoẻ, và tuổi thanh xuân của mình. 6 năm hay 16 năm thanh xuân để đánh đổi ngành Y chỉ thực sự đáng với những ai yêu thích ngành này, còn không, nó sẽ thực sự là những ngày tháng chôn vùi thanh xuân!

Sinh viên ngành Y: Chôn vùi chục năm thanh xuân theo đuổi một ngành hot hái ra tiền nhưng không đam mê liệu có đáng? - Ảnh 2.

Nguyễn Văn Phước Sinh viên Y6G- Trường đại học Y Dược Huế

"Lớp Y của mình 1 bạn bỏ học, 2 bạn thi lại, 1 bạn đi tu, 1 bạn lưu ban và gần một nửa sinh viên năm 6 vẫn đang mông lung về cuộc đời"

Cậu bạn Nguyễn Văn Phước Sinh viên Y6G- Trường đại học Y Dược Huế nói rằng: "Việc thiếu hiểu biết đặc thù về ngành học cũng như công việc tương lai sẽ khiến nhiều bạn vỡ mộng ngay từ năm Nhất.

Thứ nhất, khối lượng học của ngành Y cực kì nhiều, một sinh viên thông minh thôi là chưa đủ, yếu tố siêng năng là không thể thiếu ở môi trường này.

Thứ hai, áp lực cao với việc thức khuya học, trực gác, kiểm tra liên miên. Rất dễ khiến sinh viên rơi vào vòng luẩn quẩn nếu không có bản lĩnh tốt.

Thứ ba, đặc thù ngành Y hàng ngày phải tiếp xúc rất nhiều người, giải thích rất nhiều điều, nên kĩ năng mềm cũng rất quan trọng. Một số bạn học giỏi, nhưng đứng trước bệnh nhân không biết nói gì, điều đó thật tai hại."

Năm 2 lớp mình có 75 bạn, nhưng hiện tại chỉ còn 69. Trong đó có 1 bạn bỏ học, 2 bạn thi lại Đại học Bách khoa, 1 bạn đi tu, 1 bạn lưu ban và gần một nửa sinh viên năm 6 vẫn đang mông lung về cuộc đời. Vì vậy, có thể không yêu, đam mê cũng là điều tốt nhưng không là tất cả, chỉ có sự quyết tâm đến cùng mới giúp sinh viên sống được trong môi trường này."

Sinh viên ngành Y: Chôn vùi chục năm thanh xuân theo đuổi một ngành hot hái ra tiền nhưng không đam mê liệu có đáng? - Ảnh 3.

Hoàn Ngô là cựu sinh viên tại ĐH Y Hà Nội, từng nhận được bọc bổng thạc sĩ của ĐH Chonnam, Hàn Quốc và học bổng tiến sĩ của Đại học Otago, New Zealand

Ngô Văn Hoàn (Hoàn Ngô), sinh năm 1988 , từng là du học sinh bậc thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Chonnam, Hàn Quốc, từng học tiến sĩ ở New Zealand, hiện đang làm việc tại Đại học Hoàng Gia London (Anh), người có 1 loạt bài viết cực kì hài hước và "nhiều muối" chia sẻ về cuộc sống du học ngành Y cho biết: "Không chỉ là Y, bất cứ ngành nào cũng vậy hết, không yêu, không thích sẽ chẳng bao giờ làm tốt được. Trường Y năm 1 không vất vả lắm mà đã thấy chán thì các năm sau không trụ được đâu. Vì vào học Y chỉ có 2 mùa: Mùa thi và mùa ôn thi. Kiến thức nhiều, đi thực tập rồi trực đêm ở viện cũng nhiều lắm."

Sinh viên ngành Y: Chôn vùi chục năm thanh xuân theo đuổi một ngành hot hái ra tiền nhưng không đam mê liệu có đáng? - Ảnh 4.

Bác sĩ hotboy Trần Vũ Quang - Bệnh viện phụ sản TƯ

Bác sĩ hotboy hiện đang làm việc tại Bệnh viện phụ sản TƯ - Trần Vũ Quang - cũng chia sẻ rằng: "Ngày trước khi mình còn cùng thời điểm như bạn sinh viên trên không hiếm gặp các trường hợp như bạn ấy. Có cả những bạn vào học trường Y vì đam mê mà vẫn không thể tránh khỏi cảm giác chán nản và băn khoăn với lựa chọn của mình. Vì do tính chất những năm đầu tiên các bạn chưa quen môi trường học mới, lượng kiến thức nhiều hơn và áp lực thi cử cũng sẽ khác hoàn toàn so với trung học phổ thông. 

Ngoài ra bạn còn trải qua những thử thách lâm sàng khi trực tiếp tiếp xúc bệnh nhân tại các môi trường bệnh viện chuyên khoa khác nhau. Mà bạn biết đấy nhiều bệnh lý biểu hiện rất đáng sợ, lây nhiễm, những ca chảy máu, nhiễm trùng... Thì không dễ gì các bạn trẻ đang quen ngồi trên ghế nhà trường với sách vở có thể thích nghi được ngay. Rồi còn phải đủ sức khỏe túc trực tại các bệnh viện những đêm thức trắng bệnh nhân nặng nữa."

Những điều mà các sinh viên ngành Y hay những người vừa tốt nghiệp, các bác sĩ chia sẻ ở trên cho thấy, muốn học ngành này phải rất yêu nghề và đam mê mới có thế vượt qua 6 năm Đại học và còn rất nhiều năm để lấy bằng cấp sau đấy nữa.

Với ngành Y, bạn phải thực sự nghiêm túc, đam mê và quyết tâm mới theo học được. Sự thành công của một bác sĩ không thể có được từ sự may mắn. Thanh xuân của sinh viên Y không hề bị chôn vùi như mọi người vẫn tưởng, nó đẹp theo một cách rất riêng mà ai yêu mới hiểu được!

Theo Hà Duy

Cùng chuyên mục
XEM