Singapore là ‘trùm cuối’ của thịt nuôi cấy: Lần đầu tiên phân phối theo hình thức bán lẻ, hiện ấp ủ kế hoạch ‘30x30’, bình an vô sự nhìn các startup Mỹ sụp đổ

25/06/2024 15:24 PM | Kinh doanh

Singapore hiện có khoảng chục công ty khởi nghiệp về protein thay thế và khoảng 15 startup đến từ Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Israel và Hồng Kông.

Huber's Butchery tại khu Dempsey Hill cao cấp của Singapore từ lâu không chỉ thu hút nhóm người tiêu dùng ưa thích thịt nguội. Nhà sản xuất cho biết, bắt đầu từ tháng trước, đã bắt đầu dự trữ thịt gà xé nhỏ nuôi cấy từ tế bào trong phòng thí nghiệm để tung ra thị trường.

Đây là lần đầu tiên trên thế giới, thịt nuôi cấy có thể được mua trong cửa hàng, theo Rest of World. Chúng đã có mặt tại một số nhà hàng tại Singapore và Mỹ trong vài năm qua, song chỉ đến khi Good Meat 3 - sản phẩm thuộc công ty công nghệ thực phẩm Eat Just ra mắt tại Huber's, ngành công nghiệp vốn đang trì trệ này mới được đánh thức. Mới đây, sự quan tâm của các nhà đầu tư đã giảm dần, trong khi thịt nuôi cấy bị cấm ở Italy cũng như các bang Alabama và Florida (Mỹ).

“Ra mắt kênh bán lẻ không chỉ là một cột mốc quan trọng đối với công ty mà còn đối với ngành công nghiệp thịt nuôi cấy”, Josh Tetrick, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Eat Just, nói với Rest of World và cho biết công thức của sản phẩm mới chỉ sử dụng 3% thịt gà nuôi cấy để giảm giá thành, từ đó thúc đẩy người dân tiếp cận loại thịt mới. “Người dân Singapore luôn thể hiện sự cởi mở đối với các loại công nghệ mới trong thực phẩm. Đây trở thành thị trường hoàn hảo cho các loại thực phẩm mới như thịt nuôi cấy”.

Theo các chuyên gia, thịt nuôi cấy từ tế bào trong phòng thí nghiệm đã phải vật lộn phát triển sau làn sóng nhiệt tình ban đầu. Kỹ thuật từ lâu đã được sử dụng để sản xuất vaccine và thuốc: Mỡ và mô động vật được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ các tế bào, sau đó xử lý thành nhiều loại protein. Ưu điểm rõ ràng là quá trình này cần ít đất và nước hơn để sản xuất, đồng thời giảm lượng khí thải nhà kính.

Tuy nhiên đổi lại, thịt nuôi cấy rất tốn kém để sản xuất, thậm chí khó mở rộng quy mô. Hơn 3 tỷ USD đầu tư vào thịt nuôi cấy trên toàn thế giới trong thập kỷ qua chỉ là một phần nhỏ nếu xét trên tổng số tiền đầu tư vào những loại công nghệ cũng nhằm mục đích giảm khí thải.

Mirte Gosker, giám đốc điều hành của Viện Thực phẩm Tốt phi lợi nhuận Châu Á Thái Bình Dương, nói với Rest of World : “Trở ngại lớn nhất để thịt nuôi cấy đến được với đại chúng… là sự thiếu hụt đầu tư nghiên cứu vào cơ sở hạ tầng sản xuất”.

Singapore bắt đầu bước đột phá vào lĩnh vực protein thay thế một cách nghiêm túc vào tháng 3 năm 2019, với tầm nhìn 30x30: sản xuất bền vững 30% nhu cầu dinh dưỡng tại địa phương vào năm 2030 — tăng từ mức 10%. Protein thay thế là một phần quan trọng của kế hoạch này.

“Là một quốc gia nhỏ với nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế, Singapore không thể một mình nuôi sống thế giới. Tuy nhiên, nước này có thể đóng vai trò là nơi các công ty từ khắp nơi trên thế giới đến hợp tác với các cơ quan nghiên cứu hàng đầu để cải tiến công thức và khám phá các kỹ thuật mới giúp làm giảm chi phí”.

Singapore là quốc gia đầu tiên phê duyệt thịt nuôi cấy với sự cấp phép đầu tiên dành cho gà viên Eat Just vào tháng 12 năm 2020. Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) gần đây bật đèn xanh cho Vow có trụ sở tại Úc và dự kiến vào cuối năm nay sẽ tiếp tục phê duyệt cho công ty Vital Meat của Pháp và công ty Meatable của Hà Lan.

Singapore hiện có khoảng chục công ty khởi nghiệp về protein thay thế và khoảng 15 startup đến từ Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Israel và Hồng Kông. CEO Gosker cho biết, một trong những thế mạnh lớn nhất của Singapore là cộng đồng đổi mới chặt chẽ, tạo điều kiện cho sự hợp tác liền mạch giữa các công ty khởi nghiệp, nhà nghiên cứu và cơ quan chính phủ.

Singapore là ‘trùm cuối’ của thịt nuôi cấy: Lần đầu tiên phân phối theo hình thức bán lẻ, hiện ấp ủ kế hoạch ‘30x30’, bình an vô sự nhìn các startup Mỹ sụp đổ- Ảnh 1.

Cho đến nay, chính phủ đã cam kết chi khoảng 230 triệu USD cho các protein thay thế, từ việc tài trợ đào tạo các nhà nghiên cứu đến xây dựng năng lực xử lý sinh học và các công nghệ bổ sung. Simon Eassom, giám đốc điều hành của Food Frontier, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Úc, nói với Rest of World : “Singapore đã đầu tư đưa chuyên môn công nghệ vào các cơ quan quản lý của chính phủ. Chính phủ vì thế có thể theo dõi ứng dụng một cách an toàn”.

George Peppou, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Vow, nói với Rest of World rằng Singapore là nơi hoàn hảo để thử nghiệm. Ông cho biết, tốc độ phê duyệt là “lý do thúc đẩy” khiến Vow tung ra thị trường loại thịt được nuôi ở Singapore. “Chúng tôi đã nộp đơn đăng ký với FDA nhưng chúng tôi không có ý định sớm ra mắt tại Mỹ… Đây là một thị trường rất đắt đỏ”.

Được biết, Mỹ và Israel đã phê duyệt bán thịt nuôi cấy lần lượt vào tháng 6 năm 2023 và tháng 1 năm 2024. Úc và New Zealand thì đang đánh giá thịt chim của Vow để ký phê duyệt.

Trong khi đó, Trung Quốc đã bổ sung thịt nuôi cấy vào kế hoạch 5 năm về lương thực vào năm 2022. Hàn Quốc thiết lập khung pháp lý vào đầu năm nay trong khi Ả Rập Xê-Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đầu tư mạnh mẽ.

Vào tháng 4, công ty thực phẩm bền vững Nurasa do chính phủ Singapore hậu thuẫn đã mở một trung tâm đổi mới thực phẩm chuyên cung cấp các loại công nghệ thực phẩm như lò phản ứng sinh học 100 lít để hỗ trợ dây chuyền sản xuất trên quy mô lớn. Good Meat 3 của Eat Just đã được sản xuất tại đây.

Mihir Pershad, người đã chuyển từ bang Maryland của Mỹ đến Singapore, nói với Rest of World: “Nguồn lực này có thể giúp giải quyết các vấn đề cụ thể trong chuỗi giá trị, chẳng hạn như những điểm nghẽn mà nhiều công ty mắc phải”.

Hiện trên toàn thế giới có gần 200 công ty nuôi cấy thịt. Giá đã giảm đáng kể kể từ khi chiếc burger bò nuôi cấy lần đầu tiên ra mắt vào năm 2013 với mức giá 330.000 USD, song vẫn cần co rút xuống dưới 10 USD/kg (1/10 chi phí hiện tại) để có thể cạnh tranh trên thị trường. Theo McKinsey & Company, thịt nuôi cấy có thể đạt mức giá tương đương thịt thông thường vào năm 2030.

Trong bối cảnh một số công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon sụp đổ tại Mỹ, nhiều startup vẫn đang tìm kiếm nhà đầu tư. Chẳng hạn, Cellivate Technologies, một công ty Singapore chuyên tập trung vào các giải pháp dựa trên tế bào cho ngành chăn nuôi thịt, gần đây đã đánh bại gần 20 công ty khởi nghiệp ở Đông Nam Á để giành chiến thắng trong một chương trình truyền hình thực tế về kinh doanh với cam kết đầu tư khoảng 3 triệu USD từ công ty đầu tư mạo hiểm.

Tetrick của Eat Just cho biết: “Còn nhiều việc phải làm để chứng minh rằng thịt nuôi trồng có thể được sản xuất ở quy mô lớn. Nhưng năm nay, chúng tôi sẽ bán được nhiều khẩu phần gà hơn bất kỳ lúc nào”.

Theo: Rest of World

Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM