Singapore biến nước thải thành nước uống

21/11/2016 10:29 AM | Xã hội

Từ chỗ phải phụ thuộc vào nguồn nước mua từ Malaysia, Singapore đã tìm cách trữ nước mưa, tái sử dụng nước, lọc nước biển... sẵn sàng cho tương lai không còn lệ thuộc vào nguồn nước từ láng giềng.

Theo tính toán của Cơ quan Nước quốc gia Singapore (PUB), đến năm 2060, riêng chương trình tái sử dụng nước (NEWater) sẽ đáp ứng được 85% nhu cầu tiêu thụ nước của Singapore.

Mở chai nước NEWater dung tích 330ml, ông George Madhavan, giám đốc bộ phận 3P (People - Public - Private: con người - hạ tầng - tư nhân) thuộc PUB, mời chúng tôi uống đồng thời đưa chai nước lên miệng uống mấy ngụm, ông Madhavan hỏi: “Anh thấy nước trong chai này thế nào?”.

Nuốt ngụm nước xong, nhìn chai nước chúng tôi hơi ngạc nhiên khi hình như không nhìn thấy chai nước tương tự trên các kệ hàng trong siêu thị và cửa hàng tiện dụng.

“Chúng tôi không bán loại nước này vì đây là nguồn dự trữ của đất nước trong tương lai” - ông tiết lộ.

Mỗi giọt nước 
dùng hai lần

“Chai nước các anh uống cũng là loại nước tương tự mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã từng uống khi ông ấy tới thăm Trung tâm NEWater năm 2012” - ông Madhavan kể. Hồi đó sau khi nghe thuyết trình, tham quan và uống nước NEWater, khi về ông Ban Ki Moon cầm theo hai chai.

Báo chí Singapore kể lại sau khi đã phát biểu tại buổi chiêu đãi của Thủ tướng Lý Hiển Long, khen ngợi những thành tích phát triển của Singapore trong đó có việc lưu trữ, tái sử dụng và lọc nước, ông Ban Ki Moon đề nghị mọi người nâng cốc cho các thành tựu này.

Người phục vụ bưng khay có hai ly rượu nhanh chóng tiến về phía ông Ban Ki Moon và Thủ tướng Lý Hiển Long.

Đúng lúc này ông Ban Ki Moon móc trong túi áo ra hai chai nước NEWater, một đưa cho ông Lý Hiển Long, một giữ cho mình. Một bức ảnh đăng trên báo Singapore cho thấy một góc là ông Ban Ki Moon, góc kia là ông Lý Hiển Long cùng cầm trên tay hai chai nước để nâng cốc chúc mừng.

Theo ông Madhavan, NEWater là nước được lọc, tái lọc và xử lý bằng tia cực tím từ nguồn nước mưa lưu trữ ở các hồ trữ nước, nước thu lại từ các hộ dân, nhà máy... đảm bảo đủ tiêu chuẩn để uống được.

“Chúng tôi dùng thuật ngữ “nước đã qua sử dụng” thay cho khái niệm “nước thải” để tránh những cảm giác không cần thiết và quan trọng hơn là người dân hiểu rằng nước dù đã tắm rửa, giặt giũ... cũng là một nguồn tài nguyên của đất nước, hoàn toàn có thể tái sử dụng”.

Nước đã qua sử dụng từ các hộ gia đình, nhà máy được thu lại qua hệ thống ống ngầm nằm sâu dưới mặt đất từ 20-55m (sâu hơn cả hệ thống metro) rồi đưa về các nhà máy tái chế để xử lý, thanh lọc bằng bộ vi lọc, bộ thẩm thấu, khử trùng bằng tia cực tím.

Ông Madhavan khẳng định nước NEWater hoàn toàn có thể uống được nhưng PUB không bán ra bên ngoài mà bơm ngược lại cung cấp cho các nhà máy ở phía bắc, vào mùa khô khoảng 2,5% nhu cầu sử dụng của cả quốc đảo được PUB bơm nước NEWater vào các hồ chứa để dự trữ.

Đến năm 2060, chỉ riêng chương trình NEWater sẽ đáp ứng khoảng 85% nhu cầu tiêu thụ của cả nước.

Chủ động nguồn nước 
là bảo vệ chủ quyền

Cuối những năm 1960, hệ thống các hồ nước trên toàn bộ quốc đảo bị ô nhiễm nặng, tràn ngập rác, chỉ còn vài hồ nước sạch và toàn bộ nước dùng phải mua của Malaysia.

Chính quyền Singapore quyết định dọn dẹp sạch các hồ chứa, tạo thêm các hồ mới để trữ nước ngọt, sạch và nước mưa, đưa toàn bộ khu vực canh tác nông nghiệp, các trang trại nuôi gia cầm về phía đông. Đến cuối những năm 1980, toàn bộ quy trình làm sạch môi trường nước này hoàn thành.

“Điều may mắn của chúng tôi là chỉ có một PUB quản lý toàn bộ những gì liên quan đến nước nên mọi việc đều trơn tru, nhanh chóng” - ông Madhavan chia sẻ.

Đến nay Singapore đã có 17 hồ chứa nước, hơn 8.000km cống thoát nước mưa dồn về các hồ nước vừa trữ nước vừa điều tiết lượng nước mưa tránh ngập lụt.

Trong các hồ chứa thì hồ chứa nhân tạo Marina với tổng số tiền đầu tư lên đến hơn 226 triệu SGD (khoảng 160 triệu USD) là quan trọng nhất khi tạo nên một cảnh quan thiên nhiên mới, môi trường nước sạch và nâng diện tích vùng giữ nước ngọt của Singapore từ 1/2 lên 2/3 diện tích cả nước.

Singapore vẫn đang mua 250 triệu gallon nước (khoảng 1,14 triệu m3) mỗi ngày, tương đương 60% lượng nước cần thiết, từ sông Johor ở Malaysia.

Thỏa thuận này sẽ kết thúc vào năm 2061 và dự kiến đến khi đó Singapore sẽ tự chủ được 80% lượng nước cần thiết nhờ khử mặn nước biển và xử lý nước thải.

“Điều quan trọng là chúng tôi muốn người dân Singapore phải hiểu, quý trọng và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước của mình. Chúng tôi từng học bài học xương máu về việc bị động nguồn nước nên rất trân quý những gì mình đang có” - ông Madhavan nhắc lại lịch sử.

Đó là khi quân Nhật bao vây Singapore năm 1942, họ cho nổ tung các đường ống dẫn nước từ Malaysia để quân lính chết khát, suy yếu khả năng chiến đấu.

Đến năm 1965, khi Singapore sắp rời khỏi liên bang Malaysia, thủ tướng Malaysia lúc đó là Tunku Abdul Rahman nhắn với cao ủy Anh tại Singapore nếu Singapore không làm theo ý ông thì ông sẽ khóa van dẫn nước sang Singapore.

“Chúng tôi phải làm mọi cách để chủ động nguồn nước của mình, điều đó đồng nghĩa với việc bảo vệ được chủ quyền” - ông Madhavan tâm đắc.

Hà Nội xây nhà máy xử lý nước thải 16.200 tỉ đồng

Theo LÊ NAM (Từ SINGAPORE)

Cùng chuyên mục
XEM