Hồ Tây đang là nạn nhân của 4.000 m3 nước thải do người dân Hà Nội xả ra mỗi ngày

03/10/2016 16:32 PM | Xã hội

Kết quả phân tích mẫu nước gần đây cho thấy, hàm lượng amoniac cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

Từ sáng ngày 1/10, người dân khu vực ven Hồ Tây phát hiện hiện tượng cá chết nhưng đỉnh diễn ra là vào sáng và chiều ngày 2/10. Cá chết nổi bao gồm nhiều loại như cá mè, cá rô, cá trôi, có cả cá nhỏ và lá lớn tới vài ký.

Tính tới thời điểm chiều ngày 3/10, số lượng cá chết đã lên tới 60 tấn. Nguyên nhân cá chết vẫn chưa được khẳng định mà trong giai đoạn điều tra.

Tuy nhiên, theo Ban quản lý hồ Tây, mỗi ngày khoảng 4.000 m3 nước thải chưa qua xử lý từ các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống xung quanh đổ xuống hồ. Kết quả phân tích mẫu nước gần đây cho thấy, hàm lượng amoniac cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.

“Kết quả test nhanh mẫu nước ở những khu vực có cá chết nhiều cho thấy nước trong hồ Tây đang thiếu oxy. Chúng tôi nhận định nước thiếu oxy có thể do chuyển mùa và cũng có thể cá chết nhiều do trong nước thiếu oxy” chủ tịch UBND quận Tây Hồ Đỗ Anh Tuấn trả lời báo chí cho biết. Bước đầu, kết quả kiểm tra nhanh cho thấy toàn bộ nước mặt hồ Tây không có oxy, chỉ số oxy = 0.

“Nếu chất lượng nước ô nhiễm thì cần phải có giải pháp kịp thời. Trước mắt, phải rà soát và kiểm tra chặt chẽ các nguồn chất thải đưa vào hồ Tây. Vì cũng không loại trừ nguyên nhân cá chết có thể do nguồn nước trong hồ ô nhiễm”, GS Đặng Huy Huỳnh - phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết.

Hiện tại, Hà Nội đưa ra 7 biện pháp cấp bách nhằm giải quyết, trong đó có việc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội thu gom cá, đưa tới bãi rác Nam Sơn để chôn lấp. Sở Y tế đưa lực lượng tới phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ.

Công an Hà Nội thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định lấy mẫu nước trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu nhằm xác định nguyên nhân. Lấy mẫu cá sống/chết đưa đi giám định nhằm làm rõ có nhiễm các chất độc hại hay không.

Theo chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng bố trí 10 máy lọc nước tạo oxy hoạt động trên mặt hồ và tiếp tục mua bổ sung để cứu số cá còn sống ở tầng nước sâu.

Ngoài ra UBNTP Hà Nội cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý vớt cá và sử dụng cá chết ở Hồ Tây làm thực phẩm trước khi có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Cùng chuyên mục
XEM