Siêu kế hoạch đưa người dân cả nước trường thọ tới trên 100 tuổi của Nhật Bản
Tại Nhật Bản, khoảng 27% dân số có độ tuổi trên 65 và 50% số người sống tại đây trên 50 tuổi. Số người tử vong hàng năm đã vượt số trẻ sinh mới ở Nhật trong hơn 10 năm qua và việc lão hóa dân số đang buộc Nhật Bản phải có cái nhìn mới về thách thức cũng như cơ hội của đất nước trong tương lai.
Khi cuốn sách "Cuộc sống trường thọ trăm tuổi" lần đầu được xuất bản vào năm 2016 viết về sự thay đổi của xã hội khi con người sống lâu hơn, chúng chẳng nhận được nhiều sự quan tâm tại Phương Tây. Một số coi đó là niềm cảm hứng, số khác coi đó là lời cảnh báo trong khi nhiều chuyên gia lại coi đó như một ý tưởng về trợ cấp lương hưu.
Tuy nhiên khi cuốn sách được dịch sang tiếng Nhật, chúng lại trở thành một hiện tượng xã hội. Nguyên nhân rất đơn giản, quan điểm của cuốn sách khi chính phủ, cá nhân, tổ chức, các hệ thống tài chính, cơ sở hạ tầng… đều cần được đổi mới để phục vụ cho một xã hội trường thọ thu hút được sự quan tâm rất lớn từ quốc gia lão hóa nhanh nhất thế giới.
Tương tự như một người cao tuổi chính thức thừa nhận mình đã già và cần uống thuốc, Nhật Bản hiện đang hướng tới một xã hội mà người dân sống trường thọ trên trăm tuổi thay vì cố gắng trật tự kinh tế như bình thường.
Số người tử vong và số trẻ mới sinh tại Nhật (triệu người)
Cơ hội kinh doanh
Trong hơn 10 năm qua, Nhật Bản đang phải đối mặt với sự chuyển mình nhanh chóng về cấu trúc dân số, nhưng quốc gia này vẫn chưa thể thay đổi kịp để đối phó với tình hình mới. Chi phí y tế tăng cao do hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải, hàng loạt những ngôi làng "mất trí", nơi có ít nhất 1/5 số người già mắc bệnh đãng trí sinh sống, mọc lên nhan nhản khắp đất nước.
Cách đây 50 năm, Nhật Bản chỉ có 327 người trên 100 tuổi thì con số này đã đạt 67.824 người. Nhật Bản cũng là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi trên 100 tuổi tính theo đầu người cao nhất thế giới.
Tuy vậy, thách thức cũng đi kèm với cơ hội khi số liệu năm 2017 cho thấy chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất ở nhóm khách hàng trên 59 tuổi. Những người trẻ có thói quen tiết kiệm cho tương lai nhưng những người có tuổi, có đủ điều kiện tài chính thì lại không ngại ngần móc ví, nhất là những người không có nhiều con cháu.
Trước những cơ hội này, nền kinh tế Nhật Bản đang có sự chuyển mình khá hiếm có so với những thị trường khác trên toàn cầu. Những công ty dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc mai táng kinh doanh cực tốt, các nhà máy ngày càng sử dụng nhiều robot hoặc tự động hóa để thay thế nhân công, nhiều phòng gym giờ đây chỉ chuyên hướng dẫn vận động cho người cao tuổi thay vì hướng đến giới trẻ…
Rất nhiều người lo sợ già hóa dân số sẽ đem lại thách thức cho Nhật Bản nhưng nhiều công ty tại đây lại coi đó là cơ hội kinh doanh.
Theo chuyên gia Florian Kohlbacher, Nhật Bản là nước dẫn đầu thế giới về tốc độ già hóa dân số và cũng nên là nền kinh tế đi tiên phong trong phát triển chính sách, sản phẩm đáp ứng các nhu cầu của một thị trường mới, một thị trường của những người cao tuổi.
Ông Kohlbacher cho rằng nhiều nước, bao gồm Nhật Bản vẫn coi già hóa dân số là một thách thức hơn là cơ hội. Điều này khiến chính phủ chậm thay đổi cũng như tạo nên nhiều rắc rối trong một xã hội quá nhiều người già.
Chi phí chăm sóc sức khỏe bình quân hàng năm theo độ tuổi tại Nhật (triệu Yên)
Sự thay đổi về nhận thức
Theo chuyên gia Masaki Kawai, lượng trẻ mới sinh tại Nhật xuống dưới mức 1 triệu bé mỗi năm vào năm 2016 đã biến rất nhiều tòa nhà chọc trời của Nhật Bản thành chung cư dưỡng lão, khi phần lớn các cư dân tại đó là người cao tuổi neo đơn cần có y tá riêng chăm sóc.
Tuy vậy, Nhật Bản hiện nay vẫn coi người già trên 65 tuổi là thành phần cần được trợ giúp chứ chưa coi họ là một lực lượng lao động, chi tiêu chủ chốt trong xã hội. Lượng lớn ngân sách được chi ra để hỗ trợ người cao tuổi và phần lớn lao động già được thuê với mục đích duy trì tình yêu lao động hơn là coi họ như nhân viên nòng cốt.
Ngân sách Nhật hiện phải chi tới gần 9 tỷ USD hộ trợ y tế cho những người già trên 85 tuổi ở Nhật.
Trớ trêu thay, khảo sát của chính phủ cho thấy phần lớn nhân viên trên 65 tuổi tại Nhật không muốn nghỉ hưu và khoảng 40% số người cao tuổi đang làm việc hiện nay cho biết họ muốn được lao động cho đến khi không thể làm được nữa. Trong khi đó khoảng 35% số người được hỏi muốn tiếp tục công việc ít nhất đến năm 70 tuổi.
Câu chuyện của Nhật Bản hoàn toàn dễ hiểu bởi lão hóa không đơn thuần chỉ là gánh nặng về y tế hay thiếu lao động mà chúng phức tạp hơn rất nhiều. Ngoài những biến động về mảng kinh doanh, tiêu dùng, mảng thị trường lao động Nhật cũng sẽ biến đổi theo hướng hoàn toàn khác so với những thị trường truyền thống.
Rất nhiều lao động Nhật có tuổi vẫn muốn và có thể làm việc chứ không muốn ở nhà. Điều này khiến rất nhiều công ty Nhật ngày nay tuyển những lao động cao tuổi hay tuyển lại nhân viên lớn tuổi cũ làm bán thời gian hoặc hợp đồng, tạo nên một thị trường việc làm hoàn toàn mới. Năm 2016, khoảng 3,36 triệu người trên 69 tuổi tại Nhật Bản vẫn đang làm việc mà không chịu nghỉ hưu.
Trước thực trạng này, chính quyền Tokyo đang phải có chính sách để bảo đảm cho những người lao động cao tuổi làm bán thời gian bởi chúng vốn không nằm trong các quy định trước đây về tuyển dụng nhân viên.
Tỷ lệ người già lao động trong tổng số tại Nhật cao nhất nhóm G7
Một ví dụ khác nữa là thị trường bất động sản, người cao tuổi sống quá lâu khiến mảng xây dựng nhà ở bị thiệt hại do khách hàng chỉ muốn xây nhà bền và nâng cấp thêm. Dự báo của Daiwa House cho thấy lượng nhà mới xây tại Nhật sẽ giảm từ 970.000 căn mỗi năm vào năm 2016 xuống chỉ còn 550.000 căn/năm vào năm 2030.
Nhận thức được vấn đề, Nhật Bản đang có nhiều thay đổi về tư tưởng cũng như tìm hướng đi cho kinh tế, xã hội khi người dân lão hóa nhanh chóng. Ngoài những chính sách kích thích sinh đẻ, nới lỏng lao động nhập cư, phát triển công nghệ… Thủ tướng Nhật Shinzo Abe mới đây cũng đã tập hợp các chuyên gia, doanh nhân, quan chức để thành lập nên Hội đồng xây dựng xã hội cao tuổi (CDLS).
Bên cạnh đó, một số nhà máy sản xuất cũng đã phát triển công nghệ hỗ trợ, qua đó trợ giúp các nhân viên cao tuổi trong thao tác với những bộ đồng phục có gắn thiết bị. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng nên để người già có trách nhiệm hơn với hóa đơn chăm sóc sức khỏe của họ. Thay vì trợ cấp, chính phủ nên thiết lập một hệ thống kinh tế để người già hiện đang ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong xã hội có thể tự mưu sinh cho bản thân.
Mặc dù các nước Phương Tây cũng phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số nhưng chưa có quốc gia nào chịu áp lực lớn như Nhật Bản. Đây cũng là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới thực sự đặt vấn đề xây dựng xã hội cho người cao tuổi thành một chương trình chính thức trọng điểm của quốc gia.
Giáo sư Lynda Gratton của trường đại học London Business School cho biết hiện 50% số trẻ em được sinh ra tại Nhật ngày nay sẽ sống quá 100 tuổi nhờ môi trường sinh hoạt tốt. Với đà này, sự thay đổi của xã hội, kinh tế Nhật là điều tất yếu.
"Tại Mỹ, khi mọi người đọc cuốn 'Cuộc sống trường thọ trăm tuổi', điều họ nghĩ tới là liệu mọi người có sống lâu đến được chừng đó hay không. Nhưng tại Nhật Bản, đây không chỉ là cuốn sách dành cho những người về hưu mà còn là cuốn sách nói về cơ hội thay đổi cho cả xã hội", Giáo sư Lynda Gratton nói.
Thủ tướng Shinzo Abe và Hội đồng CDLS