Bí mật thế giới Geisha Nhật Bản: Từ một nét văn hóa lâu đời, rèn luyện khổ cực đến ngộ nhận mua vui của thế giới

31/07/2018 14:44 PM | Xã hội

Geisha theo phiên âm có nghĩa là "nghệ sĩ biểu diễn" và lịch sử của nó khá phức tạp.

"Chúng tôi muốn những nữ Geisha".

Đây là câu phổ thông nhất mà những người lính Mỹ thường thốt lên trong cơn say xỉn khi chiếm đóng Nhật Bản vào năm 1945. Sau thời Thế chiến II, tất cả những gì người lính Mỹ quan tâm là rượu và gái. Trong khi đó, sự tàn phá của chiến tranh khiến nhiều phụ nữ Nhật sẵn sàng bán thân thể để sinh tồn.

Tất nhiên, cả lính Mỹ lẫn những cô gái làm nghề này đều không ý thức được Geisha thật sự là gì, đóng vai trò thế nào trong văn hóa Nhật. Cả 2 đều không hiểu rằng bằng việc truyền bá Geisha theo kiểu này, chính họ cũng đang phá hủy cả một mảng văn hóa truyền thống của người Nhật.

Geisha đầu tiên là đàn ông

Ngược dòng lịch sử, Nhật Bản từ cuối thập niên 600 đã có những hầu gái (Saburuko) phục vụ trong các quán rượu. Một bộ phận Saburuko nghèo phải bán thân kiếm sống trong khi những Saburuko có học thức hơn chỉ bán nghệ không bán thân.

Bí mật thế giới Geisha Nhật Bản: Từ một nét văn hóa lâu đời, rèn luyện khổ cực đến ngộ nhận mua vui của thế giới - Ảnh 2.

 Khi Nhật Bản định đô tại Kyoto vào năm 794, những Saburuko này chuyển lên thủ đô và loại hình giải trí nghệ thuật mua vui bùng phát. Loại hình bán nghệ không bán thân nhưng vẫn mua vui cho khách hàng trở thành một loại hình văn hóa tại Nhật. Dẫu vậy các Saburuko thời kỳ này vẫn được coi là gái thanh lâu.

Phải đến thập niên 1680, loại hình giải trí nghệ thuật của những Saburuko, những người kể chuyện rong, các ca sĩ, nghệ sĩ xiếc mới dần được tầng lớp thống trị công nhận. Tuy nhiên ban đầu Geisha được công nhận lại là những năm giới hoạt động trong mảng giải trí.

Ít người biết rằng nguồn gốc Geisha là những nghệ sĩ xuất hiện lần đầu tại các thành phố lớn ở Nhật vào khoảng thế kỷ 17 và họ đều là nam giới. Một cái tên khác được gọi cho những Geisha nam này là Taikomochi và mục đích chính của những nghệ sĩ này là mua vui cho công chúng cùng giới quý tộc chứ không hề có chuyện trao đổi thân xác.

Những Geisha nam này là những vũ công, nhạc sĩ, ca sĩ. Họ có thể cùng tham gia tắm bồn tắm công cộng với các khách hàng, một hoạt động thường thấy của Nhật Bản, với nhiệm vụ trò chuyện và giải trí nhưng không bao gồm chuyện trao đổi thân xác.

Dần dần, nữ giới cũng tham gia trở thành Geisha. Vào khoảng 1750, một kỹ nữ tự nhận mình là Geisha tại Fukugawa. Người phụ nữ này với kỹ nghệ hát và biểu diễn điêu luyện đã khá thành công trong vai trò Geisha đầu tiên ở Nhật. Kể từ đó, ngày càng nhiều nữ giới muốn trở thành Geisha hơn là làm kỹ nữ bán thân đơn thuần tại Nhật.

Bí mật thế giới Geisha Nhật Bản: Từ một nét văn hóa lâu đời, rèn luyện khổ cực đến ngộ nhận mua vui của thế giới - Ảnh 3.

Dần dần Geisha nữ trở nên phổ biến. Năm 1800, số lượng Geisha nữ đã nhiều gấp 3 lần nam. Đến thế kỷ 19, phụ nữ bắt đầu gia nhập Geisha và trở thành lực lượng chính trong ngành giải trí này. Dẫu vậy, các Geisha nữ bị cấm chỉ ngủ với khách hàng hoặc họ sẽ bị đuổi khỏi nghề. Mặc dù nhiệm vụ của các Geisha bao gồm mua vui cho khách hàng khi trò chuyện cùng nhau ở phòng tắm công cộng nhưng chúng không bao gồm sự mua bán về thể xác.

Bất chấp điều đó, một số gái mại dâm thời này vẫn giả dạng Geisha để tiếp cận khách hàng và hành nghề, nhưng trên thực tế họ không là Geisha chân chính cũng như không được bất kỳ trung tâm đào tạo Geisha nào thừa nhận.

Cuộc đời một Geisha chân chính

Thông thường, các Geisha sẽ được tuyển chọn từ năm lên 6 tuổi và được đào tạo ít nhất 5 năm tại các lò luyện (Okiya). Những trung tâm này cũng sẽ là nơi chăm lo cho cuộc sống cũng như tạo các mối quan hệ, dẫn mối khách hàng tiềm năng cho các Geisha.

Số tiền mà những trung tâm này bỏ ra để đào tạo các Geisha được họ thu hồi khi những cô gái bắt đầu hành nghề.

Ban đầu, các bé gái sẽ là người giúp việc, người hầu cho những Geisha kiêm học việc. Đến khi họ đã phát dục và học được khá nhiều kinh nghiệm, thân phận của họ sẽ được chuyển thành các Geisha thực tập. Những Geisha thực tập này được gọi là Maiko và phải tốn nhiều năm học đàn hát cũng như cách giao tiếp, mua vui cho mọi người mà không mang tính dung tục.

Bí mật thế giới Geisha Nhật Bản: Từ một nét văn hóa lâu đời, rèn luyện khổ cực đến ngộ nhận mua vui của thế giới - Ảnh 4.

Đặc biệt, các Maiko bị yêu cầu rất cao về cách mặc trang phục truyền thống Kimono, cách đi đứng, cười nói sao cho thể hiện được cái đẹp của phụ nữ mà không quá vô duyên.

Những Maiko này cũng được học cách thu hút nam giới một cách tinh tế, bí ẩn. Đồng thời họ cũng được đào tạo thơ, ca, họa… những loại hình văn hóa tao nhã của giới quyền quý thời xưa.

Thêm nữa, sự luyện tập của các Maiko hay Geisha chưa bao giờ kết thúc kể cả khi họ đã hành nghề. Một Geisha chân chính sẽ luôn dành hàng giờ luyện tập các kỹ năng của họ mỗi ngày.

Vào thời kỳ đỉnh cao, Geisha tượng trưng cho biểu tượng thời trang của Nhật khi những nữ Geisha luôn thu hút mọi ánh nhìn trên phố dù họ ăn mặc cực kỳ kín đáo trong bộ Kimono truyền thống. Công việc của Geisha khá tương tự với nữ nhân viên tiếp rượu ngày nay, có khác chăng là phương thức thanh tao hợp văn hóa thời cổ hơn và trong trang phục truyền thống. Tất nhiên, hoạt động trong môi trường như vậy bị hiểu lầm là điều khó tránh khỏi.

Theo văn hóa Nhật, Geisha được phân cấp khá chặt chẽ. Có những Geisha mua vui cho đám đông bằng biểu diễn nghệ thuật, có những Geisha chỉ tiếp đãi những khách hàng cao quý thuộc tầng lớp thượng lưu. Tuy vậy bất kỳ Geisha nào cũng không được bán dâm hoặc họ sẽ bị người chủ đuổi khỏi nghề.

Ngoài ra đối với một Geisha, việc kết hôn đồng nghĩa với việc từ bỏ nghề và thông thường các Geisha chỉ lấy chồng sau khi đã nghỉ hưu.

Bí mật thế giới Geisha Nhật Bản: Từ một nét văn hóa lâu đời, rèn luyện khổ cực đến ngộ nhận mua vui của thế giới - Ảnh 5.

Sự tây hóa của Geisha

Mặc dù Geisha chân chính được đào tạo như những nghệ sĩ bán nghệ không bán thân, nhưng sự nhập nhằng giữa Geisha và gái mại dâm tại Nhật vẫn rất lớn. Do ảnh hưởng của những Geisha, rất nhiều khách hàng muốn được qua đêm với những nghệ sĩ có kỹ năng và sự thu hút như vậy. Hệ quả là nhiều gái bán dâm Nhật Bản ăn mặc như những Geisha và mua vui cho khách kèm trao đổi thân xác.

Dẫu vậy, hầu như tất cả những người Nhật Bản thời đó đều hiểu rằng một Geisha chân chính sẽ không bán thân và những cô gái mà họ qua đêm chỉ là phụ nữ bán dâm trong lốt Geisha.

Đến sau Thế chiến II, sự tràn vào của binh lính Mỹ cũng như sự tàn phá sau chiến tranh khiến Geisha hầu như mất đi ý nghĩa chân thực của nó. Hàng loạt phụ nữ ăn mặc như Geisha bán mình để kiếm sống, trong khi lính Mỹ say mèm hứng thú với kiểu bán dâm lạ lẫm chưa hề có ở nước họ.

Theo cuốn "Mistress-keeping in Japan" của Boye de Mente, hơn 80% số lính Mỹ tại Nhật thời kỳ này mua dâm dưới một hình thức nào đó và hàng trăm nghìn phụ nữ Nhật bán dâm để kiếm sống. Rất nhiều gái bán dâm thời kỳ này đóng giả Geisha để thu hút thêm khách hàng.

Bí mật thế giới Geisha Nhật Bản: Từ một nét văn hóa lâu đời, rèn luyện khổ cực đến ngộ nhận mua vui của thế giới - Ảnh 6.

Kể từ đây, Geisha bị thế giới ngộ nhận là gái bán dâm Nhật Bản, từ đó dần hủy hoại một mảng văn hóa truyền thống lâu đời. Từ khoảng 80.000 Geisha thời kỳ hoàng kim, Nhật chỉ còn khoảng vài nghìn Geisha khi bước sang thế kỷ 20.

Đến nay, văn hóa Geisha đã ăn sâu vào xã hội Nhật Bản. Mặc dù những Geisha truyền thống mặc kimono dần biến mất khỏi xã hội nhưng loại hình giải trí mua vui không bán dâm vẫn còn tồn tại. Các quán trà, bar với những nhân viên tiếp rượu mua vui mọc khắp nơi ở Nhật. Những nhân viên này có tài ăn nói, ca hát hay thậm chí là nhảy múa. Họ thường xuyên xuất hiện trong những buổi tiệc làm ăn và có vai trò như một cầu nối nhất định cho các nam giới tham gia.

Thậm chí, những Geisha nam thời xưa ngày nay cũng biến tướng thành những tiếp viên nam mọc lên nhan nhản ở Nhật. Tuy nhiên, thay vì bán nghệ như thời xưa, những tiếp viên nam này thường trở thành tình nhân của các quý bà giàu có.

AB

Cùng chuyên mục
XEM