Shipper ngập đơn giao hàng trong mùa dịch, kiếm bạc triệu mỗi ngày
Trong giai đoạn dịch COVID-19 quay trở lại, người dân tiếp tục hạn chế ra ngoài, nhất là việc lui tới các cửa hàng ăn uống. Lúc này nghề giao hàng online, giao thức ăn nhanh giúp các shipper hốt bạc.
Dịch COVID-19 có xu hướng diễn biến phức tạp, UBND thành phố Hà Nội đã khuyến cáo đối với các nhà hàng ăn uống phục vụ trong nhà yêu cầu giãn cách hoặc có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về.
Quy định này khiến nhiều người đã thay đổi thói quen, thay vì ra hàng quán để ăn uống, thì bây giờ chuyển sang đặt hàng online và người giao hàng (shipper) sẽ đem đến tận nơi. Nhờ vậy, bán hàng online rất thịnh hành và các đơn hàng của shipper cũng tăng vọt.
Rõ ràng việc lựa chọn đặt đồ ăn qua các ứng dụng là lựa chọn hết sức phù hợp và sáng suốt trong mùa dịch như hiện nay. Người mua sẽ không phải tiếp xúc với nhiều người và hoàn toàn có thể nhận được đồ ăn thơm ngon, phù hợp sở thích khẩu vị, bên cạnh đó việc thanh toán lại khá dễ dàng.
Anh Đức, một shipper của Baemin, giao đồ ăn sáng tới trước trụ sở UBND quận 1, TPHCM. Ảnh: Thế Lâm
Theo ghi nhận của Tiền phong, từ 7 giờ sáng, trước các cửa hàng đồ ăn nhanh trên phố Tô Hiệu (Cầu Giấy, Hà Nội) nhiều shipper đã đứng xếp hàng chờ sẵn để nhận đơn.
Một shipper cho biết, ngày thường đơn giao đồ ăn chỉ khoảng 10 đơn, tuy nhiên kể từ khi dịch bùng phát trở lại trong gần 2 tuần qua, số lượng đơn hàng tăng gấp đôi, có ngày lên tới 25 - 30 đơn. Chủ yếu là đơn hàng đồ ăn tập trung vào buổi trưa và buổi sáng.
Theo đó, các shipper phải làm việc hết công suất, từ lúc nhận đơn, đi lấy hàng rồi chuyển tới khách ở nhiều địa chỉ khác nhau, hầu như không có phút nghỉ ngơi vào giờ nghỉ trưa.
Nhiều lao động từ những ngành nghề khác chuyển sang làm shipper để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Dân Việt.
Anh Sơn chia sẻ với PV Tiền phong: "Thu nhập của các shipper cộng tác với ứng dụng như Grab, Now hay là Baemin phụ thuộc vào từng chuyến đi. Grab tính trên quãng đường di chuyển, đơn hàng online sẽ có mức tính là 7.000 đồng/km và phải trả chi phí cho Grab là 20%, phần còn lại là thu nhập của shipper.
Như vậy mỗi đơn hàng giao thành công tài xế sẽ nhận được khoản thù lao khoảng 12.000 - 25.000 đồng tùy khoảng cách. Những ngày này nếu chăm chỉ chạy chở khách thêm ngoài giao đồ, một tài xế có thể có thu nhập từ 800.000 - 1.000.000 đồng".
Trao đổi với báo Lao động, Anh Hoàng Văn Hiệp (Đan Phượng - Hà Nội) cũng chạy xe ôm từ hơn 1 năm nay, nhưng khi lượng khách giảm sâu, anh bắt đầu chuyển hướng sang giao hàng.
"Thời gian này chạy xe ôm không được nhưng chuyển qua ship đồ thì không hết việc, đặc biệt là đồ ăn. Đa phần mọi người đều hạn chế đến các quán ăn, nơi tụ tập đông người nên họ hay chọn cách đặt đồ ăn mang về.
Từ ngày dịch bùng phát lại, tôi làm cả ngày không hết việc, đơn hàng cứ về liên tục, thu nhập cao hơn so với trước đây rất nhiều", anh Hiệp chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày một shipper giao khoảng 25 - 30 đơn hàng. Ảnh: Dân Việt.
Không chỉ những người làm dịch vụ ship đồ ăn, nhiều hàng quán cho biết nhờ lượng người đặt đồ ăn online tăng mạnh nên thu nhập cũng không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Bên cạnh việc giao đồ ăn online thì shipper các mặt hàng khác như cà phê, trà sữa, mỹ phẩm, quần áo… cũng tăng thu nhập đáng kể nhờ số lượng khách đặt hàng gia tăng. Bởi vì, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng trên đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua mạng xã hội và website...
(Tổng hợp)