Shark Thái Vân Linh: Các startup đừng chỉ nghĩ đến tiền, các bạn nên biết 'lùi' khi tôi muốn tỷ lệ cổ phần cao hơn một chút
Vị giám đốc tại VinaCapital cho rằng các startup đến với chương trình thường chỉ nghĩ đến việc đầu tiên là tiền - con dao hai lưỡi có thể khiến các startup phải liên tục bán nhà bán cửa, thậm chí trở thành con nợ chỉ vì đồ tiền vào một nơi thua lỗ.
Shark Thái Vân Linh - Giám Đốc Chiến Lược & Vận Hành Quỹ Đầu Tư VinaCapital mới đây có một cuộc phỏng vấn ngắn trên truyền hình bên lề chương trình đang thu hút rất nhiều sự chú ý của công chúng là Shark Tank Việt Nam.
Ở đây, bà chia sẻ những đánh giá của riêng mình về hành trình gọi vốn của các startup Việt trong Shark Tank, ví dụ như các startup khi đến chương trình thường chỉ nghĩ đến câu chuyện tiền, trong khi các nhà đầu tư thì thường muốn một mối quan hệ dài hơi hơn thế.
Đồng thời, bà cũng chia sẻ lý do vì sao các startup nên chấp nhận việc mình thường 'đòi' cổ phần cao hơn những gì nhà sáng lập muốn chia cho. Theo Shark Linh, đây chính là cơ sở để bà và VinaCapital sẽ cũng tham gia vào quá trình xây dựng startup một cách nhiệt thành.
- Trong chương trình Shark Tank, tôi rất ấn tượng với câu nói khi nói đến khởi nghiệp của bà là ‘đau nhưng mà đáng’. Tại sao lại như vậy?
Khi bạn bắt đầu một công ty, có rất nhiều thứ mà bạn cần phải làm. Nói ‘đau nhưng mà đáng’ bởi khi mới khởi sự thì bạn sẽ phải xây dựng từ một thứ gần như chưa có gì thành một cái gì đó.
Ví dụ, startup của tôi thì sản xuất các trang phục về hóa trang. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng cứ có một ý tưởng điên rồ và khác biệt là đã có thể thành công đến 50% rồi. Nhưng khi một thứ đã quá mới với người tiêu dùng và nhà đầu tư thì đó cũng có thể là một điểm yếu. Chỉ sau 1 năm, mọi nguồn lực cạn dần vì không bán được hàng và khiến tôi rất thất vọng. Tuy nhiên, chính nỗi đau đó lại khiến cho tôi dám đứng lên và bước tiếp.
Shark Thái Vân Linh
- Là bóng hồng duy nhất trong 5 Shark ở trên chương trình Shark Tank Việt Nam, bà có nghĩ rằng mình sẽ bị lép vế so với 4 Shark là nam kia hay không, và đâu là vũ khí của Shark Linh? Liệu đó có phải là dòng vốn lớn từ VinaCapital?
Chắc chắn tôi không run sợ trước dàn cá mập khủng là các Shark là những anh đàn ông kia. Trong ngành tài chính tôi làm thì phải có tới 95% là nam giới.
Còn khi thuyết phục các startup tôi chỉ nghĩ tới 2 điều mà thôi: Thứ nhất là tôi phải cảm nhận được sợi dây liên kết bởi vì tôi và bạn sẽ không chỉ hợp tác với nhau không chỉ 1 mà là 2 cho đến 3 năm. Thứ hai, các startup cũng nên biết lùi khi chúng tôi muốn tỷ lệ cổ phần cao hơn một chút vì tôi và VinaCapital sẽ dành mọi trí tuệ, nguồn lực để giúp các bạn đi đến thành công cao nhất.
- Đối với bà, đâu là một startup tiềm năng để Shark Linh có thể rót vốn và đầu tư vào?
Trước hết, người đứng đầu startup đó phải thể hiện được sự đam mê. Bạn phải hiểu nó như chính cơ thể của bạn vậy, từ tài chính, thị trường cho đến việc bán hàng ra làm sao, ánh mắt sẽ nói lên tất cả.
Shark Linh trong chương trình Shark Tank Việt Nam
Các startup đến với Shark Tank thường chỉ nghĩ đến việc đầu tiên là tiền, tuy nhiên họ cũng cần phải nhớ rằng tiền chính là con dao hai lưỡi. Khi có quá nhiều, bạn có thể phát triển nhanh, nóng và dẫn đến mất sự kiểm soát.
Đó là lý do mà rất nhiều startup đã thất bại khi đã liên tục bán nhà bán cửa, thậm chí trở thành con nợ chỉ vì đồ tiền vào một nơi thua lỗ.
Vì thế, theo tôi, startup hãy cứ đi từng bước. Thời gian mới là người đồng hành tốt nhất với những người mới lập nghiệp, chứ không phải là tiền.
Cho đến lúc này, Shark Linh mới chỉ tham gia duy nhất 1 deal đầu tư. Đó là thương vụ đã xuất hiện trong tập 1 của chương trình - công ty Transform Studio chuyên sản xuất đồ hóa trang của 2 bạn sinh viên - đã được Shark Linh và Shark Vương (Công ty SAM Holdings) rót vốn tổng cộng 3,1 tỷ đồng với 51% cổ phần.