Shark Phú: Những người vay tôi chưa ai trả tôi hết tiền, khởi nghiệp có 30 triệu cho bạn vay 10 triệu từ 24 năm trước, đến giờ bạn chưa trả

16/03/2023 12:02 PM | Kinh doanh

“Cuộc đời này tôi chả tin ông nào cả. Chúng ta tin thì khi mất lòng tin đau khổ lắm, đau khổ hơn mất tiền, cho nên quan điểm của tôi khi cho vay thì xác định là mất”, Shark Phú trải lòng. Và ông mất thật. Vị cá mập cho biết những người vay ông, kể cả doanh nghiệp trẻ, chưa ai trả ông hết tiền...

Shark Phú: Những người vay tôi chưa ai trả tôi hết tiền, khởi nghiệp có 30 triệu cho bạn vay 10 triệu từ 24 năm trước, đến giờ bạn chưa trả - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse.

Ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse - đã chia sẻ câu chuyện chữ tín khi đi vay trong lúc đưa ra lời khuyên tận dụng nguồn lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Tại tọa đàm “Kinh tế 2023 – Nhận diện và Hành động của Doanh nhân trẻ” do Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức mới đây, Shark Phú cho biết ông khởi nghiệp năm 1999. Khi ấy, ông có 30 triệu, cho bạn vay 10 triệu nên chỉ còn 20 triệu khởi nghiệp. Người bạn ấy đến giờ vẫn không trả tiền.

Chia sẻ kinh nghiệm tận dụng nguồn lực cho doanh nghiệp nhỏ, ông Phú cho rằng khi doanh nghiệp nhỏ cần lưu ý 2 điểm:

- Một là phải tự làm, cố gắng tiết kiệm nhất có thể. Người ta lãi 10 đồng thì mình phải lãi gấp 3. Tiết kiệm mọi chi phí có thể, ví như khi doanh nghiệp nhỏ, người chủ có thể quản trị bằng mắt, thay vì bằng quy trình. Khi ấy, có lãi phải lập tức tích vào vốn, bởi doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.

- Khi bắt đầu có lời, bắt đầu chia sẻ với những người thân cận nhất để họ có lòng tin, từ đó vay vốn từ họ.

Ngay lần đầu vay, các bạn đã không trả đúng hẹn, không giữ chữ tín thì không thể huy động thêm được.
Shark Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse

Đầu tiên tôi vay của mẹ vợ 70 triệu để đủ tiền nhập công hàng đầu tiên”, vị cá mập của Shark Tank Việt Nam tiết lộ.

Khi công ty dần phát triển, vẫn chưa đủ điều kiện vay ngân hàng thì ông Phú bắt đầu nhập ủy thác, ông gọi là hình thức “mượn vốn” từ bên ngoài. Và đến bước phát triển tiếp theo mới là tiếp cận vốn ngân hàng.

Đấy là cách huy động vốn chân thực nhất và nhanh nhất với SMEs. Đầu tiên phải tự lực cánh sinh chứng minh mô hình kinh doanh hiệu quả, khi đã chứng minh được thì chia sẻ cho người khác mình mới có cơ hội vay. Và chỉ khi mô hình hoạt động mới có tiền để hoàn trả người ta, để giữ uy tín”.

“Còn kinh nghiệm của tôi thì tất cả người tôi giúp, ngay cả doanh nghiệp trẻ, những người vay tôi, chưa ai trả tôi hết tiền. Đấy là sự thật”, ông Phú chia sẻ.

Ông cũng tiết lộ, khi cho vay lần đầu bao giờ người ta cũng cho vay ít để thử lòng người, nhưng ngay lần đầu vay, các bạn đã không trả đúng hẹn, không giữ chữ tín thì không thể huy động thêm được.

Cuộc đời này tôi chả tin ông nào cả. Chúng ta tin thì khi mất lòng tin đau khổ lắm, đau khổ hơn mất tiền, cho nên quan điểm của tôi khi cho vay thì xác định là mất. Người ta trả hay không tôi không quan tâm thì mới ngủ ngon được”, ông Phú nói.

Và nếu mất, phải nhận được giá trị vô hình nào đó lớn hơn, thì tôi chơi. Đó là cách nhẹ nhàng để chúng ta vẫn cười tươi, mất tiền vẫn vui như Tết, không có gì phải đau đầu”.

Bình An

Cùng chuyên mục
XEM