Sếp Vietjet tuyên bố "sống như vợ chồng" với ngành du lịch VN, viện dẫn 'case' sân bay Koh Samui do Bangkok Airways xây dựng để đề xuất "công tư vẹn toàn", cho tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng hàng không
Thành viên HĐQT VietJet kể lại câu chuyện VietJet thuở sơ khai: Năm 2011, ngày đầu thành lập, 3 máy bay đầu tiên của VietJet đều sơn logo của du lịch Việt Nam với slogan "Vietnam - Timeless Charm" (Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận), với thông điệp: "Chúng tôi sẽ sống như "vợ chồng" với ngành du lịch Việt Nam". Đại diện VietJet cũng tiếp tục đề xuất "công tư vẹn toàn", cho phép tư nhân tham gia đầu tư, quản lý hạ tầng hàng không như các nước Mỹ, Úc, Thái Lan… đã thực hiện.
Tại phiên thảo luận vấn đề phát triển ngành hàng không để tăng cường phát triển ngành du lịch trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam (ViEF), Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết du lịch Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2019 đón trên 16,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm trước.
80% hành khách du lịch Việt Nam đi bằng đường hàng không, trong bối cảnh hạ tầng hàng không Việt Nam quá tải. Điển hình cho tình trạng quá tải này là sân bay Tân Sơn Nhất, dẫn đến thời gian cất/hạ cạnh của các chuyến bay đi/đến TPHCM tương đối lâu, cộng thêm việc di chuyển đến khu vực sân bay này khá khó khăn.
Chia sẻ về giải pháp gỡ nút thắt tắc nghẽn cơ sở hạ tầng này, nhiều ý kiến tiếp tục đặt ra câu chuyện hợp tác công - tư.
Ông Chu Việt Cường - Thành viên HĐQT VietJet - bày tỏ tinh thần ủng hộ du lịch Việt Nam với câu chuyện VietJet thuở sơ khai: Năm 2011, ngày đầu thành lập, 3 máy bay đầu tiên của VietJet đều sơn logo của du lịch Việt Nam với slogan "Vietnam - Timeless Charm" (Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận).
Đưa cả mô hình VietJet đời đầu lên diễn đàn, ông Cường cho biết: "Chúng tôi làm vậy với thông điệp: Chúng tôi sẽ sống như "vợ chồng" với ngành du lịch Việt Nam".
Đề cập đến nút thắt hạ tầng hàng không, đại diện VietJet cho biết dưới góc độ doanh nghiệp tư nhân, kinh nghiệm trên thế giới, từ Úc, Anh, Mỹ, cho thấy: Các công ty tư nhân tham gia đóng góp rất nhiều trong hoạt động đầu tư xây dựng/quản lý hạ tầng cơ sở.
"Ở Úc cũng vậy, sân bay Brisbane ở Queensland hoàn toàn cho tư nhân quản lý. Giờ sân bay Brisbane là một trong những sân bay tốt nhất thế giới. Ngay ở Thái Lan cũng thế… Các anh chị qua Thái Lan, tới khu du lịch nổi tiếng Koh Samui, sân bay ở đó đẹp khủng khiếp, do Bangkok Airways đầu tư và quản lý".
"Chúng ta nên nghĩ trong việc phát triển hạ tầng, nghĩ đến việc "công tư vẹn toàn". Thời bao cấp chúng tôi rất thích từ "công tư vẹn toàn", giờ tôi vẫn thấy hay. Chúng ta nên cùng nhau tập trung phát triển, huy động mọi nguồn vốn để phát triển hạ tầng", đại diện VietJet kiến nghị.
Một góc sân bay Koh Samui.
Ông Cường cũng "khoe" VietJet vừa mở hai đường bay mới là Hà Nội - New Dehli (khai thác từ 7/12/2019) và TPHCM - New Dehli (khai thác từ 6/12/2019), để người Việt thoải mái "bung lụa" sang đất nước Phật giáo Ấn Độ.
Hiện VietJet có 120 đường bay khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, 42 đường bay trong nước. Mới đây, Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) đã bầu chọn VietJet là "Hãng hàng không chi phí thấp (LCC) của năm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2019".
Thành lập năm 2011, VietJet cho biết những năm gần đây, trung bình hãng này vận chuyển khoảng 30 triệu lượt hành khách/năm.
Vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ VietJet, Vietnam Airlines có vẻ như đã có một năm khó khăn khi mới đây, hãng hàng không này phải điều chỉnh giảm kế hoạch doanh thu cũng như số hành khách vận chuyển trong năm 2019.
Theo đó, chỉ tiêu doanh thu hợp nhất năm 2019 của Vietnam Airlines điều chỉnh giảm 6,4% - tương đương hơn 7.100 tỷ đồng – về chỉ còn 104.593 tỷ đồng. Chỉ tiêu số khách vận chuyển được điều chỉnh giảm, từ 24,9 triệu lượt khách xuống còn 23,4 triệu lượt khách.