Sếp Ngân hàng thương mại duy nhất nhận được danh hiệu doanh nhân tiêu biểu năm 2022 là ai?

12/10/2022 18:10 PM | Kinh doanh

Ngân hàng này đã thu được 4.440 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng kinh doanh. Quy mô tổng tài sản đạt gần 564.200 tỷ đồng vào cuối tháng 9 và tỷ lệ nợ xấu 0,86%.

Ngày 12/10, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), đồng thời trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022 cho 60 doanh nhân, trong đó có 10 người được vinh danh trong TOP 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất.

VCCI cho biết, 60 gương mặt được chọn là các doanh nhân đang lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp thuộc đủ các thành phần kinh tế, có quy mô từ rất lớn đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Người lớn tuổi nhất đã 82 tuổi và người trẻ nhất mới 34 tuổi, có 15 doanh nhân nữ, chiếm tỷ lệ 25%.

Về quy trình bình xét năm nay chính thức áp dụng yêu cầu thẩm định thực tế tại doanh nghiệp. 22 đoàn thẩm định, dẫn đầu bởi các nhà quản lý, các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực doanh nghiệp.

Các đoàn thẩm định đã đi 25 tỉnh, thành phố để tiến hành thẩm định trực tiếp tại doanh nghiệp. Ban thư ký cũng phối hợp với Tổng cục Thuế tiến hành rà soát tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp do ứng viên lãnh đạo, quản lý, đồng thời cũng rà soát các thông tin, dư luận phản ánh trên báo chí, trên mạng Internet liên quan đến ứng viên và doanh nghiệp để tham khảo.

Trong danh sách 60 doanh nhân tiêu biểu năm nay, có duy nhất 1 đại diện là lãnh đạo của một Ngân hàng TMCP, đó là bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín – Sacombank.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm làm Tổng giám đốc Sacombank từ năm 2017 khi ngân hàng bắt đầu bước vào quá trình tái cơ cấu sau sáp nhập, cũng như đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến nhân sự, hiệu quả hoạt động và nợ xấu.

Từ một ngân hàng với tổng dư nợ xấu và tài sản tồn đọng năm 2016 lên gần 97.000 tỷ đồng, sau 5 năm, ban lãnh đạo Sacombank xử lý nợ xấu khá quyết liệt và năm 2021 đánh dấu cột mốc quan trọng, ghi nhận kết quả khả quan triển khai đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.

Sếp Ngân hàng thương mại duy nhất nhận được danh hiệu doanh nhân tiêu biểu năm 2022 là ai? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín – Sacombank.

Ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT Sacombank thông tin trong một cuộc trao đổi gần đây "Trong số các ngân hàng thực hiện tái cơ cấu trong khoảng 10 năm trở lại đây, có thể khẳng định, Sacombank là một điểm sáng bởi thực trạng đầy thử thách khi bắt đầu và những nỗ lực vượt bậc đã đem lại kết quả tốt đẹp, ngay ở năm đầu thực hiện tái cơ cấu, Sacombank đã có lợi nhuận dương. Nhà nước lại không phải bỏ ra một đồng nào."

Từ năm 2017 đến năm 2021, Sacombank đã thu hồi và xử lý được gần 72.000 tỷ đồng các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó hơn 58.300 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, đạt gần 68% kế hoạch tổng thể, tỉ lệ nợ xấu nội bảng giảm từ 6,81% xuống còn 1,47 %.

Nhờ thực hiện tái cơ cấu thành công, được các cơ quan chức năng ghi nhận nên tháng 9/2022 vừa qua, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng (room) tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng và Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ room được điều chỉnh cao nhất với 4%.

Tính đến hết quý III/2022, Sacombank tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng tài sản đạt gần 564.200 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; tổng huy động đạt 502.535 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt hơn 421.000 tỷ đồng, tăng 8,4% so với đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu 0,86%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.440 tỷ đồng, hoàn thành 84,1% kế hoạch, trong đó tỉ trọng thu ngoài lãi là 39,4%.

An Vũ

Cùng chuyên mục
XEM