Sếp FPT Retail kể "khổ" khi xin làm đại lý ủy quyền cao cấp của Apple: Phải nộp CV của toàn đội ngũ điều hành, làm hồ sơ mất tối thiểu 6 tháng, qua 3 cấp duyệt mới mở được 1 cửa hàng

16/05/2018 09:11 AM | Kinh doanh

Apple là một đối tác cực chảnh. Xin làm Apple Premium Reseller cũng phải nộp CV của CEO, CFO, Marketing Head…Để mở 1 cửa hàng Apple Store, mặt bằng phải đẹp, trong TPHCM phải chọn Vincom Lê Thánh Tôn, ngoài Hà Nội phải nhắm tới Tràng Tiền Plaza, hồ sơ trình lên qua Singapore, Úc, Mỹ… ròng rã ít nhất 6 tháng mới mở được 1 cửa hàng, theo chia sẻ của đại diện FPT Shop.

"Có một số business đặc thù, đôi khi kinh doanh ban đầu không đặt mục tiêu lợi nhuận", ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử của FPT Retail – chia sẻ về chuỗi F.Studio tại tọa đàm WeTALK số 3 của CafeBiz với chủ đề "Kinh doanh chuỗi - Không phải cứ mở là thắng" mới đây.

F.Studio là chuỗi cửa hàng Apple được ủy quyền ở mức độ cao nhất (Apple Premium Reseller) tại Việt Nam, được coi như "át chủ bài" của FPT Retail bên cạnh F.Friends - chương trình mua trả góp nhắm tới nhân viên của các doanh nghiệp và Subsidy – bán điện thoại kèm gói cước.

Việc tiếp cận "mợ chảnh" Apple không hề dễ dàng

Trước thời điểm thành lập CTCP FPT Retail năm 2012, đội điều hành cũ của công ty đã tìm cách tiếp cận Apple. Ông Bảo từng làm việc với Vertu và tham gia set up việc kinh doanh với Vertu ở Việt Nam, nhưng với Apple lại là một level hoàn toàn khác.

"Anh em làm việc nói hẳn ra là họ 'chảnh'. Apple có mức độ yêu cầu khó khăn cao hơn hết tất cả các đối tác khác. Ngày xưa khi nộp hồ sơ đi đi lại lại để trở thành APR (Apple Premium Reseller), anh em nói đùa với nhau là còn khó hơn đi xin việc", ông Bảo kể.

Ngày đó ông Bảo – lúc ấy là giám đốc bán lẻ phụ trách mảng Apple – phải viết CV (lý lịch xin việc), gửi profile của đội ngũ điều hành, CFO (Giám đốc Tài chính), Marketing Head… sang để phía đối tác xem. Xong xuôi lại phải trình họ một kế hoạch kinh doanh trong vòng 5 năm tới.

"Lúc đó Apple không nói chuyện hỗ trợ kinh phí, mình phải đi submit (đệ trình). Họ thấy OK thì mới hợp tác với mình. Ở thời điểm 2012, FPT Retail là công ty đầu tiên lấy được license Apple Premium Reseller ở Việt Nam với thời gian kỷ lục chỉ sau 3 tháng đàm phán", ông Bảo nhớ lại.

Đầu tư mở đại lý cao cấp cho Apple: Chi phí cực lớn, mặt bằng phải to, Nam đặt tại Vincom Lê Thánh Tôn, Bắc nhắm Tràng Tiền Plaza, nộp hồ sơ tối thiểu 6 tháng mới được phép mở 1 cửa hàng

Sếp FPT Retail kể khổ khi xin làm đại lý ủy quyền cao cấp của Apple: Phải nộp CV của toàn đội ngũ điều hành, làm hồ sơ mất tối thiểu 6 tháng, qua 3 cấp duyệt mới mở được 1 cửa hàng  - Ảnh 1.

Ông Bảo cho biết: Để đầu tư một shop Apple chi phí cực lớn. Về mặt bằng, phải chọn mặt bằng to và đẹp. Tại Sài Gòn thì phải là mặt bằng ngay mặt tiền Nguyễn Huệ hay Lê Lợi (cửa hàng đầu tiên của F.Studio khai trương ở ngay Lê Lợi), ở Hà Nội phải nhắm tới Tràng Tiền Plaza.

"Bạn biết thời điểm Tràng Tiền Plaza bắt đầu đầu tư trở lại thì chi phí rất cao. Vincom trong Sài Gòn những điểm đẹp nhất như Vincom Lê Thánh Tôn thì phải có F.Studio trong đó".

"Mà F.Studio lại phải submit hồ sơ bình quân 6 tháng mới được duyệt để mở 1 APR. Hồ sơ gửi qua Singapore, phía Singapore gửi qua Úc. Úc từ chối là về làm lại hồ sơ rồi lại gửi sang Úc. Phía Úc cho đi qua Mỹ, Mỹ từ chối là phải làm lại hồ sơ, đi lại từ vòng đầu. Nhanh nhất phải 6 tháng mới mở được 1 cửa hàng", ông Bảo kể.

Thời điểm đó, công ty đầu ngành có hơn trăm cửa hàng, FPT Retail chỉ có 17 cửa hàng FPT Shop, chúng tôi phải đi cùng với brand Apple, co-brand với nhiều đối tác khác để đẩy brand mình lên.

Đã có những tình huống tính toán tưởng khôn thành dở. Có đối tác nước ngoài trước đó biết Apple duyệt một cửa hàng rất lâu như vậy, bèn tính toán không ký hợp đồng thuê mặt bằng liền. Thay vào đó, họ đợi đến khi Apple duyệt xong hết rồi mới ký. Tiếc thay, lúc ấy mặt bằng to đẹp kia lại bị cho thuê mất rồi. Muốn chọn mặt bằng khác thì lại phải làm một bộ hồ sơ hoàn toàn khác, nộp lại từ đầu.

"Câu chuyện F.Studio chúng tôi không đặt lợi nhuận vào thời điểm đầu, mà đặt vấn đề xây dựng thương hiệu và độ nhận biết. Thời điểm đó, công ty đầu ngành có hơn trăm cửa hàng, FPT Retail chỉ có 17 cửa hàng FPT Shop, chúng tôi phải nhắm vào lấy license Apple Premium Reseller, đi cùng với brand Apple, co-brand với nhiều đối tác khác để đẩy brand mình lên".

"Vừa vô tình, vừa chủ ý, FPT Shop lại mạnh ở phân khúc trung – cao cấp sau một loạt động tác như thế. Ít nhất để người ta biết mình là ai đã, sau đó mới tăng độ phủ", ông Bảo nói.

Sếp FPT Retail kể khổ khi xin làm đại lý ủy quyền cao cấp của Apple: Phải nộp CV của toàn đội ngũ điều hành, làm hồ sơ mất tối thiểu 6 tháng, qua 3 cấp duyệt mới mở được 1 cửa hàng  - Ảnh 3.

Do đặc thù chi phí đầu tư cao, hiện chuỗi F.Studio có 12 cửa hàng trên toàn quốc. Dù không mở ào ạt như FPT Shop, nhưng theo kế hoạch, FPT Retail sẽ mở lên 100 cửa hàng F.Studio đến năm 2020, với tham vọng đánh vào thị phần hàng Apple xách tay – hiện chiếm khoảng 40% của thị trường trị giá 1 tỷ USD.

Dù không lãi như FPT Shop, nhưng F.Studio ngoài việc nâng cao thương hiệu, sẽ mang về khoản doanh thu tăng trưởng ổn định hơn.

WeTALK#3: Kinh doanh chuỗi - Không phải cứ mở là thắng!

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM