Chuyện cửa hàng 'bún mắm mỹ nhân' ở Sài Gòn và 3 bài học mở chuỗi của sếp FPT Shop
Quán bún mắm ấy cách ngã tư Khánh Hội – Hoàng Diệu chừng 700 – 800m, chỉ bán độc nhất một món bún mắm. Bún ngon, service tốt, các cô phục vụ rất xinh, và cô chủ quán đon đả múc từng bát bún cho khách thì cực xinh. Khi ăn nên làm ra, cô chủ quyết định mở thêm quán thứ 2 gần ngã tư hơn…
"Tôi thích nhìn những hiện tượng rất bình thường nhưng từ đó có thể rút ra được nhiều thứ", ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử của FPT Retail - chia sẻ.
Tại sự kiện WeTALK số 3 của CafeBiz với chủ đề "Kinh doanh chuỗi – Không phải cứ mở là thắng", đại diện từ FPT Retail – đơn vị sở hữu 3 chuỗi gồm FPT Shop, F-Studio và nhà thuốc Long Châu – cho biết doanh nghiệp này để phát triển đến ngày nay cũng đã trải qua nhiều "kinh nghiệm đau thương".
Chia sẻ về bài học kinh doanh chuỗi, ông Bảo đã kể câu chuyện một cửa hàng bún mắm ăn nên làm ra tại Sài Gòn và quyết định mở chuỗi.
Vẫn đầu bếp ấy, phục vụ ấy, thậm chí họ chăm chút phục vụ tốt hơn, vị trí đẹp hơn… Một thời gian sau thì họ đóng, chỉ duy trì 1 quán đầu tiên
Quán bún mắm ấy cách ngã tư Khánh Hội – Hoàng Diệu chừng 700 – 800m, chỉ bán độc nhất một món bún mắm. Quán ấy gần FPT Shop Khánh Hội nên anh em hay ghé ăn và gọi vui là "bún mắm mỹ nhân". Bởi ngoài bún ngon, service tốt, thì các cô phục vụ rất xinh, và cô chủ quán thì cực xinh, ăn mặc rất thời trang.
Trong lĩnh vực F&B (ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống), điều quan trọng hay được nhấn mạnh nhiều nhất là Địa điểm, địa điểm, và địa điểm. Quán bún mắm này về mặt địa điểm rõ là không đẹp. Quán nằm trên đường có một con mương dài chặn chính giữa, đậu ô tô rất khó. Ông Bảo nhiều lần đến đều phải đậu ô tô ở rất xa và đi vòng để vào.
Sau một thời gian, cửa hàng rất đông khách. Cô chủ mỹ nhân quyết định mở thêm quán thứ 2.
"Nhiều hơn 1 đã gọi là chuỗi đc rồi. Cửa hàng thứ 2 cách quán đó 500 – 600m, rất gần ngã tư Khánh Hội – Hoàng Diệu. Theo đúng nguyên tắc, đó là vị trí đẹp, gần ngã tư, khách dễ tiếp cận. Từ đó, tôi đi bộ đến quán thứ 2 của họ cũng được", ông Bảo kể.
Về mặt không gian, quán thứ 2 diện tích không lớn, nhưng được bài trí thoáng hơn, sạch sẽ hơn vì mới nên ít vương mùi mắm. Nhân viên điều từ bên kia qua. Cô chủ xinh đẹp cũng qua đứng để múc từng bát bún cho khách. Và ở quán thứ 2, họ bán thêm bún thái để khách hàng có thêm sự lựa chọn.
"Nhưng tôi quan sát hoài thấy lạ, không hiểu sao cửa hàng thứ 2 vắng quá. Vẫn đầu bếp ấy, phục vụ ấy, thậm chí họ chăm chút phục vụ tốt hơn, vị trí đẹp hơn… Một thời gian sau thì họ đóng, chỉ duy trì 1 quán đầu tiên. Và giờ họ vẫn ăn nên làm ra", ông Bảo chia sẻ.
3 cái bẫy ảo tưởng khi kinh doanh chuỗi
- Mở thêm quán, doanh thu sẽ tăng theo cấp số nhân?
3 diễn giả của WeTALK 3 gồm ông Nguyễn Ngọc Thủy - chủ sở hữu chuỗi Apax English, ông Ngô Quốc Bảo - Giám đốc Phát triển Kinh doanh kiêm Thương mại Điện tử của FPT Retail , và ông Bùi Quang Minh (Minh Beta) - chủ chuỗi rạp chiếu phim Beta Cineplex.
Từ chuyện đóng cửa hàng của quán bún mắm trên, ông Bảo chia sẻ: Câu chuyện kinh doanh chuỗi, doanh thu, lợi nhuận nhiều khi tăng theo cấp số cộng đã khó, đừng nói số nhân. Thậm chí, nhiều khi lợi nhuận không tăng, mà còn đi ngược lại.
"Có những cái chỉ mang tính lý thuyết. Người ta hay nói mở chuỗi tận dụng được các khoản fixed fees, cũng đúng. Tận dụng những thế mạnh mà chỉ mở 1 cửa hàng cũng phải phục vụ, cũng đúng. Nhưng khi mở cửa hàng hàng loạt, đôi khi bạn gặp nhiều tình huống và phải tìm hiểu rất kỹ để làm sao không phải đóng cửa hàng", ông Bảo nhắn nhủ.
- Danh mục sản phẩm càng nhiều càng tốt?
Ông Bảo chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh chuỗi từ cửa hàng bún mắm "mỹ nhân" tại WeTALK#3.
Khi khách hàng đến vì thích ăn bún mắm, việc bổ sung bún thái vào danh mục sản phẩm chưa hẳn đã đúng. Trong khi đó, những người thích ăn bún thái liệu có lựa chọn bước vào ăn ở một quán bún mắm?
Với các cửa hàng bán lẻ, ở quy mô 1 cửa hàng, anh có thể suy nghĩ đơn giản là hàng càng nhiều càng tốt, giá càng rẻ càng tốt. Nhưng khi nhân lên thành chuỗi, danh mục sản phẩm phải chọn lọc, nhiều hàng chưa hẳn là tốt.
Ông Bảo lấy ví dụ như một cửa hàng FPT Shop tại khu vực Hoàn Kiếm so với cửa hàng FPT Shop ở Cà Mau, số lượng SKU (hiểu nôm na là mã sản phẩm trong kho hàng), phân khúc sản phẩm chọn đưa vào đều phải tính toán.
- Location: Không phải cứ gần ngã tư, dân cư đông đúc là đẹp
Nhiều khi bạn cảm nhận ở đây dân đông, giả sử survey phát hiện ra là dân đông mà đi qua đi lại chứ không dừng lại ở một cửa hàng nào cả, thì mở sẽ "chết" ngay
"Đa phần lý do đóng cửa hàng là do chọn location (địa điểm – PV) không chuẩn", ông Bảo nhấn mạnh.
"Quán bún mắm kia cũng vậy. Một trong những lý do tôi cho là họ đóng cửa hàng vì location. Họ nghĩ mở gần ngã tư hơn khách hàng dễ tiếp cận hơn, nhưng ô tô đậu càng khó nữa. Gần ngã tư sao mà đậu. Không nói xe hơi, với xe máy, đèn đỏ thì xe máy còn khó dừng lại vì rất đông? Trừ phi họ có không gian đủ lớn và bố trí được chỗ đỗ xe, mà quán bún mắm thì không thể xài sang thuê nguyên một chỗ đậu xe được…"
Ông Bảo cho biết FPT Shop từng trải qua "cuộc chiến location". Giai đoạn đầu, doanh nghiệp này cứ mặt bằng nào to, đẹp, chừng 200 m2, đặc biệt ngay ngã tư dân cư đông đúc, FPT Shop sẽ tập trung vào "giật bằng được".
"Sau đó sẽ đổ một đội quân xuống đánh giá, khảo sát thị trường. Nhiều khi bạn cảm nhận ở đây dân đông, giả sử survey phát hiện ra là dân đông mà đi qua đi lại chứ không dừng lại ở một cửa hàng nào cả, thì mở sẽ "chết" ngay", ông Bảo kể.
Còn hiện tại, khi FPT Retail có tới 506 cửa hàng (bao gồm cả các cửa hàng FPT Shop và F-Studio), thì những mặt bằng đẹp như vậy chưa thuộc sở hữu của đơn vị này thì cũng đã thuộc sở hữu của đối thủ. Trước tiêu chí quy mô shop là 200m2, nay quy mô 100m2 cũng có thể chấp nhận, tất nhiên quy mô nhỏ hơn phải tính toán số lượng SKU và phân khúc sản phẩm phù hợp.
Wetalk #3 - Kinh doanh chuỗi, không phải cứ mở là thắng!