Sẽ trình Chính phủ cơ chế đặc biệt cho VNPT

18/10/2016 20:16 PM | Kinh doanh

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, khi tiến hành tái cơ cấu thị trường viễn thông và tách MobiFone ra khỏi VNPT đã chia sẻ nguồn lực của tập đoàn này. Vì vậy, cần cơ chế đặc biệt để bù đắp cho VNPT và thúc đẩy hình thành thế chân vạc trên thị trường.

Ngày 17/10/2016, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã có buổi làm việc với VNPT về vấn đề chuẩn bị tổng kết Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015 của VNPT trước khi trình Chính phủ.

Phát biểu tại buổi làm việc này, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá VNPT đã có sự phát triển mạnh sau khi tiến hành tái cơ cấu. Tuy nhiên, khi tổng kết đề án này, VNPT phải phân tích đánh giá được những tồn tại đã được giải quyết, nhưng cũng đề cập cả những vấn đề phát sinh mới sau khi tiến hành tái cơ cấu.

“Khi tiến hành tái cơ cấu thị trường viễn thông và tiến hành tách MobiFone ra khỏi VNPT thì tập đoàn cũng có những khó khăn vì nguồn lực bị chia sẻ. Không chỉ có VNPT ngay cả MobiFone khi tách ra cũng có những khó khăn nhất định. Vì vậy, cần cơ chế đặc biệt cho VNPT và cả MobiFone để làm sao thúc đẩy thị trường viễn thông hình thành nên thế chân vạc theo đúng như quy hoạch viễn thông mà Thủ tướng đã phê duyệt. Vì vậy, trong báo cáo lên Chính phủ về tái cơ cấu VNPT sẽ đưa đề xuất này” Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Phát biểu tại chuyến thăm và làm việc với VNPT tháng 8/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, VNPT đã tiến hành tái cơ cấu để tập trung thống nhất, áp dụng biện pháp quản trị doanh nghiệp tốt, chất lượng dịch vụ nâng lên và hiệu quả sản xuất kinh doanh được nâng lên, vốn nhà nước được bảo tồn và phát triển. “Khi tái cơ cấu, VNPT đã đoàn kết nội bộ cùng hiệp lực phát triển tái cơ cấu thành công. Trong quá trình tái cơ cấu đó, VNPT đã quan tâm đến cán bộ trẻ, có năng lực. Tôi vẫn nói rằng căn bệnh tìm bà con, tìm người ăn dơ với mình là căn bệnh nặng của các doanh nghiệp nhà nước nhưng VNPT làm được như vậy là rất tốt. Tôi ấn tượng về cách quản lý của VNPT đó là quản lý đầu tư công khai minh bạch, chống xin - cho ban phát. Sau khi tái cơ cấu, doanh thu và lợi nhuận của VNPT tăng trưởng tốt, thu nhập của người lao động tăng. VNPT đã chú trọng vào sản xuất công nghiệp và công nghệ cao… Tôi đánh giá cao mối quan hệ chặt chẽ của VNPT với các địa phương để triển khai Chính phủ điện tử, thành phố thông minh như tại TP.HCM. Kết quả tái cơ cấu của VNPT mang lại bài học kinh nghiệm tốt cho tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước của nước ta”, Thủ tướng nhận định.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT cho biết, trước tái cấu trúc, VNPT có 163 đầu mối quản lý, bao gồm 78 đơn vị kinh tế trực thuộc, hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT và 85 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn góp. Mô hình hoạt động của VNPT có nhiều bất cập, hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh qua nhiều khâu trung gian, chưa xuyên suốt và không thống nhất, chưa tập trung vào xây dựng chiến lược phát triển, đổi mới tổ chức quản trị, công nghệ, sản phẩm, thị trường. Thêm vào đó, cơ chế quản lý các đơn vị hạch toán phụ thuộc chậm được đổi mới dẫn đến việc trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

Ông Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng, việc thay đổi về chất trong các hoạt động quản trị đầu tư của VNPT sau tái cơ cấu đã xóa bỏ hoàn toàn cơ chế xin - cho vốn đầu tư, dự án... Vốn đầu tư được phân bổ theo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn; từng bước thực hiện đầu tư mua sắm tập trung nhằm chuyên nghiệp hóa công tác đầu tư, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và năng suất lao động của khối đầu tư.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động quản lý sau tái cơ cấu của các đơn vị đã giảm từ hơn 25% xuống gần 10%, gần 40% số lao động chuyên môn nghiệp vụ đã được tăng cường cho hoạt động trực tiếp kinh doanh. Việc áp dụng các công cụ quản trị hiện đại tạo bước thay đổi trong việc bố trí, sử dụng lao động hiệu quả cho VNPT; loại bỏ tình trạng lao động ngồi nhầm chỗ, hưởng nhầm lương; thu nhập bình quân người lao động giai đoạn 2014-2015 đã tăng trưởng được hơn 30% so với thời kỳ 2012-2013.

Trong bản báo cáo về tái cơ cấu VNPT, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VNPT đã đưa ra đề xuất cho phép VNPT được sở hữu 20% vốn điều lệ của Tổng công ty MobiFone. VNPT cũng đề xuất được sử dụng một phần số tiền thu được từ việc bán cổ phần của Tổng công ty MobiFone khi Bộ TT&TT cổ phần hóa Tổng công ty MobiFone nhằm hỗ trợ về nguồn vốn cho VNPT cho các hoạt động của hệ thống VINASAT, đồng thời bổ sung vốn điều lệ của VNPT khi thực hiện việc điều chuyển các đơn vị (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, MobiFone, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Bưu điện Trung ương, 2 Trường trung học BCVT&CNTT) về các bộ, ngành và các UBND tỉnh, thành phố mà chưa thực hiện cơ chế bù đắp.

Theo TK

Cùng chuyên mục
XEM