Sẽ không tăng tuổi nghỉ hưu với lao động tiếp xúc độc hại, nặng nhọc, vùng sâu vùng xa

28/10/2016 14:47 PM | Xã hội

Trong khi các đối tượng khác sẽ xem xét quá trình để tăng tuổi nghỉ hưu thì những lao động độc hại, làm việc nặng nhọc, vùng sâu vùng xa bị suy giảm sức khỏe chưa bàn đến tăng tuổi nghỉ hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu đang là vấn đề nóng bỏng được quan tâm gần đây. Hiện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động để lấy ý kiến, trước khi trình Chính phủ vào năm 2017.

Bộ dự kiến có hai phương án, tăng từ 60 lên 62 đối với nam và tăng từ 55 lên 58 hoặc từ 55 lên 60 đối với nữ.

Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và cân đối quỹ lương hưu.

Tại "Tọa đàm trực tuyến về tuổi nghỉ hưu" trên Cổng thông tin chính phủ, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu và tăng như thế nào cần có lộ trình, tính toán rõ, Chính phủ cần đánh giá được mức độ ảnh hưởng kinh tế, khắc phục vấn đề lao động như thế nào,...

"Tôi cũng nói để người dân yên tâm là sẽ không tăng tuổi nghỉ hưu ở lao động tiếp xúc độc hại, nặng nhọc, vùng sâu vùng xa bị suy giảm sức khỏe... Ngoài ra những ngành nghề khác có điều kiện lao động đảm bảo sẽ đề xuất đánh giá chi tiết", ông Lợi cho hay.

Ông Lợi cho rằng, Việt Nam là thị trường lao động đang sung sức. Trong khi Lào, Campuchia đều điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam lẫn nữ tương đương hoặc trên 60 tuổi. Do đó, việc điều chỉnh phải làm sao phù hợp, đảm bảo không để tình trạng chảy máu chất xám - lao động trình độ kỹ thuật cao, vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, nâng cao năng suất lao động.

Thứ Trưởng Bộ LĐ, TB&XH - Phạm Hữu Huân cũng cho biết, đề án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ áp cho từng đối tượng, cao hơn hoặc thấp hơn mức hiện tại. Song phương án chung vẫn là điều chỉnh cả nam và nữ đều cao hơn. Những trường hợp đặc biệt sẽ được giữ nguyên.

Ông Huân cho biết, đề án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã được đề xuất từ năm 2014, sẽ tăng từ 60 lên 62 ở nam và từ 55 lên 58 hoặc 60 ở nữ. Tuy nhiên, đến nay mới được Chính phủ xem xét. Dù kết quả thế nào nhưng việc điều chỉnh vẫn cần có lộ trình chứ không áp dụng ngay lập tức, phù hợp với điều kiện tăng trưởng kinh tế cũng như thích nghi với người lao động.

M.Lan

Cùng chuyên mục
XEM