Sẽ bán vốn nhà nước tại hai “ông lớn” Sabeco, Habeco ngay trong năm 2017
Câu hỏi về thoái vốn tại 2 Tập đoàn lớn đã được các phóng viên đặt ta trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương hôm 14/7
Chuyện thoái vốn Nhà nước tại 2 Tổng công ty bia lớn là Sabeco và Habeco là đề tài tốn nhiều giấy mực của báo chí. Hôm nay ngày 14/7, trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, vấn đề này lại được các phóng viên đặt ra với các lãnh đạo của Bộ Công Thương.
Thông tin mới nhất đã được ông Bùi Trường Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ thuộc Bộ Công Thương công bố. Theo đó, sau một thời gian chậm trễ, dự kiến trong tháng 7 này, Sabeco và Habeco lại trình phương án thoái vốn lên Bộ. Công tác bán vốn sẽ được thúc đẩy nốt trong năm 2017 này.
Ông Thắng cho biết: "Theo chỉ đạo của Chính phủ phải đảm bảo công khai, minh bạch, Bộ Công Thương thời gian qua cũng đã tích cực triển khai theo chỉ đạo. Hiện Habeco và Sabeco đã kí hợp đồng tư vấn thoái vốn theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Dự kiến, Habeco sẽ có tờ trình thoái vốn lên Bộ Công Thương trong tuần tới và Sabeco có trước ngày 31/7 này. Dự kiến sau khi được phê duyệt sẽ thực hiện bán vốn trong năm 2017”
Lật lại những thời điểm trước thì vào hồi tháng 8/2016, Bộ Công Thương trong bản dự kiến của mình đã đưa ra kịch bản 82% vốn Nhà nước đang tồn tại Habeco sẽ được thoái ngay trong năm 2016. Số tiền dự kiến thu về 9.000 tỷ đồng.
Còn thoái vốn tại Sabeco sẽ được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2016 và đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Công tác thoái vốn tiến triển tương đối nhanh kể từ thời điểm đó. Đến tháng 10/2016, Bộ Công Thương còn thành lập cả Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban chỉ đạo thoái vốn Nhà nước tại Sabeco, Habeco.
Tuy nhiên, sau khi hai doanh nghiệp này lên sàn, công tác thoái nốt phần vốn còn lại theo kế hoạch đã chậm lại đáng kể. Từ thời điểm lên sàn cho đến nay là đã quá nửa năm 2017 trôi qua, tuy tỷ lệ phần trăm vốn Nhà nước tại 2 Tập đoàn này vẫn không hề suy chuyển.
Trước tiến độ ì ạch, mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương khẩn trương xây dựng phương án thoái vốn tại Habeco, Sabeco. Câu trả lời của Bộ Công Thương đem lại hy vọng rằng công tác thoái vốn sẽ được đẩy nhanh hơn.
Việc Sabeco và Habeco hoàn tất thoái vốn được trông đợi cũng vì lý do rằng, tuy là Doanh nghiệp Nhà nước, cả 2 công ty đều là những ‘gã khổng lồ’ của thị trường bia trong nước chiếm tới 60% thị trường, trong đó Sabeco có thị phần khoảng 40%.
Thời gian vừa qua, nhiều "đại gia" nước ngoài đánh tiếng mua cổ phần của Bia Sài Gòn. Hiện tại, San Miguel - tập đoàn lớn nhất của Philippines cho biết tập đoàn này đang tiến hành "định giá và có thể sẽ đề nghị mua lại" cổ phần Sabeco.
Bên cạnh đó, 7 công ty bia nước ngoài khác cũng đang “nhìn ngắm” Sabeco là Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch, SABMiller của Mỹ, Asahi và Kirin của Nhật Bản; Singha và Thai Beverage của Thái Lan.
Hiện tại, Nhà nước đang sở hữu tới 89,59% vốn Sabeco và 82% vốn tại Habeco. Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Thường trực Ban đổi mới doanh nghiệp cho biết dù tiến độ thoái vốn được đẩy nhanh những nguyên tắc thực hiên vẫn sẽ được bảo đảm chặt chẽ.
"Trong quá trình thoái vốn doanh nghiệp thuộc Bộ, Bộ luôn chỉ đạo tuân theo nguyên tắc đã đặt ra. Trên nguyên tắc như vậy, thoái vốn theo quy trình chặt chẽ thông qua đấu giá công khai, đảm bảo quy trình của Nhà nước" - Bà Hoa nói.
Mới đây Thủ tướng phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020". Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành cổ phần hóa 137 DNNN, đáp ứng tối thiểu 250.000 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công đến cuối năm 2020. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước mới hoàn thành CPH 6/137 DNNN; công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án CPH để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN.