Sau cú bắt tay với Thaco, Bầu Đức được gì và mất gì?
Mới đây, sau khi HAGL Agrico bắt tay với Thaco, 2 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát xin từ nhiệm. Trong đó, có một nhân sự là em trai của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức). Có lẽ, đúng như người ta nói, Bầu Đức phải đánh đổi để có được ngàn tỉ vực dậy nông nghiệp và tiếp sức cho dự án BĐS trên đất vàng Myanmar. Liệu cuộc đánh đổi này có quá đắt?
Sự biến động nhân sự sau cú bắt tay
Theo thông tin từ Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai ( HAGL Agrico), mới đây, Hội đồng quản trị của công ty đã nhận được đơn từ nhiệm của 2 thành viên HĐQT là ông Đoàn Nguyên Thu và ông Nguyễn Ngọc Ánh và bà Nguyễn Thị Hải Yến - thành viên Ban Kiểm soát.
Trong đó, ông Đoàn Nguyên Thu là em trai của bầu Đức. Ông Thu đang nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu HAG, chiếm 0,54% vốn điều lệ. Trước đó, HAGL Agrico đã thông báo về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản liên quan đến thay đổi nhân sự. Dự kiến ngày 6/9 sẽ miễn nhiệm với 3 thành viên này đồng thời bầu bổ sung các vị trí thay thế.
Sự biến động nhân sự cấp cao tại HAGL Agrico diễn ra đúng sau khi ký kết hợp tác với Thaco vào đầu tháng 8/2018. Theo như thỏa thuận kí kết, Thaco và nhóm cổ đông sẽ sở hữu 35% tổng cổ phần của công ty với tổng vốn đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng.
Theo như thỏa thuận trong kí kết trước đó, Thaco cam kết sẽ thu xếp để cơ cấu lại các khoản nợ vay và huy động vốn đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái dự kiến trong năm 2019 và 2020 sẽ tăng từ 12.000 ha lên 30.000 ha với những loại cây chiến lược như chuối, thanh long, bưởi da xanh…
Đồng thời, Thaco sẽ bỏ vốn để triển khai tiếp giai đoạn 2 dự án đang bị chậm trễ.
Hiện chưa công bố ứng cử viên tham gia vào HĐQT công ty nhưng nhiều khả năng đại diện đến từ Thaco sẽ góp mặt vào đội ngũ lãnh đạo công ty của bầu Đức sau đợt ký kết hợp tác.
Bầu Đức: Được gì và mất gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: "Với sự tham gia của Thaco và HAGL đem đến cho tôi niềm tin rằng, chúng ta sẽ không chỉ chứng kiến những cánh đồng, những trang trại tập trung quy mô lớn, mà chúng ta sẽ chứng kiến, những cánh đồng thông minh, trang trại tự động hóa, năng suất và hiệu quả cao".
Sau cú bắt tay "lịch sử" với Thaco cũng chính là thời điểm đánh dấu bước ngoặt cuộc đời của bầu Đức. Bên cạnh sự biến động về nhân sự cấp cao của HAGL thì có lẽ giấc mơ về một dự án trên đất vàng Myanmar – tâm huyết của bầu Đức cũng "nhường" lại cho Thaco.
Cụ thể, tại dự án BĐS đất vàng ngay tại trung tâm thành phố Yangon của Myanmar, Thaco và Đại Quang Minh đã đầu tư để sở hữu 51% và sẽ tiếp tục nâng lên 65% vốn HAGL Myamar với số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Thaco sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án này và đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 để sớm hoàn thành theo cam kết với Chính phủ Myanmar. Giai đoạn 2 dự án gồm 1.000 căn hộ cao cấp, 2 block văn phòng cho thuê diện tích 80.000m2 và 1 trung tâm thương mại diện tích 40.000 m2. Hiện đã hoàn thiện phần móng cọc và dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 4/2020.
Khi nhà đầu tư chiến lược vào, doanh nghiệp của bầu Đức có tiền trả nợ, có vốn để phát triển nông nghiệp và hoàn thành dự án BĐS Myanmar..nhưng đổi lại bầu Đức phải chấp nhận khối tài sản khổng lồ của mình bị chia nhỏ.
Tuy nhiên, theo như cách người ta nói, bầu Đức là một doanh nhân có niềm đam mê, tâm huyết. Nhưng làm kinh tế chỉ có đam mê chưa đủ, phải có tiềm lực. Chính điều này đã khiến bầu Đức quyết định đánh đổi và "lúc khó khăn tôi đã tìm đến Thaco để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển vì xã hội" – đúng như lời doanh nhân này nói.
Sau sự đánh đổi này, bầu Đức được gì?
Ngay sau khi có tiền từ Thaco, HAGL Agrico đã tăng cả ngàn ha trồng chuối với hàng trăm tỷ đồng đầu tư mới. Diện tích có thể lên tới 10 ngàn hecta. Trong ngắn hạn, mảng cây trái sẽ mang lại dòng tiền cho doanh nghiệp của bầu Đức.
Mảng cao su của HAGL cũng được chú trọng. HAGL hiện duy trì chăm sóc và khai thác mủ trên diện tích khoảng 40.000ha. Khi cây cao su đạt độ tuổi từ 15 năm trở lên thì doanh nghiệp có thể khai thác bán gỗ, thu về những khoản tiền rất lớn.
Với diện tích đất lớn, HAGL Agrico cũng sẽ đầu tư trồng 5.000ha cây dược liệu phục vụ chiết xuất và chế biến nguyên liệu cung ứng cho các công ty dược liệu, sản xuất các loại thực phẩm chức năng và thức uống.
Trong báo cáo tài chính quý II, HAG có khoản nợ hơn 23 ngàn tỷ, trong đó hơn 20 ngàn tỷ vay dài hạn. Những khoản nợ lớn này đã vùi dập doanh nghiệp của bầu Đức nhưng đổi lại tài sản của DN rất lớn, tới hơn 55 ngàn tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cũng đạt gần 18,3 ngàn tỷ đồng.
Khi nhà đầu tư chiến lược vào, doanh nghiệp của bầu Đức có tiền trả nợ, có vốn để phát triển nông nghiệp và hoàn thành dự án BĐS Myanmar. Ngân hàng, cổ đông… tất thảy đều mừng vui. Đồng nghĩa với việc bầu Đức không còn lo "chết đứng" trên khối tài sản khổng lồ vì mất thanh khoản. Và một khi khối tài sản khổng lồ sinh lời, lợi ích của cổ đông là rất lớn.Tuy nhiên, đổi lại cuộc đời của bầu Đức phải chấp nhận khối tài sản khổng lồ của mình bị chia nhỏ.
Như Thủ tướng đã nói, nếu có sự bắt tay của các doanh nghiệp lớn thì "chúng ta sẽ góp phần phá vỡ định kiến lâu năm của nông nghiệp Việt Nam đó là làm nông nghiệp nhiều rủi ro và không thể giàu, bây giờ ngược lại, làm nông nghiệp sẽ giàu lên với tư duy sản phẩm tốt, chiến lược thị trường thông minh, biết ứng dụng công nghệ". Điều này giờ đây đã đúng với những gì doanh nhân giàu nhiệt huyết như Đoàn Nguyên Đức mong mỏi bấy lâu ở mảng nông nghiệp.