Sau 3 tháng ra mắt xe tự hành cấp độ 4 "Made in Vietnam" đầu tiên, Phenikaa vừa công bố đã đầu tư 1,5 triệu USD vào ứng dụng bản đồ số miễn phí BusMap
Đại diện Tập đoàn Phenikaa cho biết, việc rót vốn vào Start-up công nghệ trẻ là cách Tập đoàn đang "hiện thực hóa cam kết" phát triển thế hệ trẻ Việt và thúc đẩy chuyển đổi số cho giao thông thông minh, thành phố thông minh, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Tập đoàn Phenikaa đầu tư vào Start-up sở hữu ứng dụng BusMap
Gần đây, Tập đoàn Phenikaa liên tục công bố các giải pháp/ứng dụng công nghệ do Tập đoàn nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống. Đây là những bước đầu đánh dấu lộ trình đưa Tập đoàn Phenikaa từng bước trở thành Tập đoàn công nghệ và công nghiệp hàng đầu trong khu vực.
Điểm đặc biệt đáng nói ở đây là phần lớn các công nghệ lõi do Tập đoàn Phenikaa nghiên cứu phát triển và sở hữu đều được thực hiện bởi chính nguồn nhân lực là người Việt Nam làm việc cho Tập đoàn, trong đó phải kể đến đội ngũ các nhà khoa học – kỹ thuật viên trẻ tuổi tài năng và đam mê công nghệ được "chiêu mộ" từ các công ty Start-up, Spin-off. Điều này thể hiện định hướng chiến lược rõ ràng mà Tập đoàn đang thực hiện, đó là chinh phục đỉnh cao khoa học công nghệ song hành với hiện thực khát vọng phát triển thế hệ trẻ và nâng tầm trí tuệ Việt.
Ứng dụng BusMap
Một trong những Start-up công nghệ được Tập đoàn Phenikaa đầu tư với mục tiêu chắp cánh cho thế hệ trẻ và hiện thực các bước đi chiến lược của Tập đoàn là khoản đầu tư chiến lược trị giá 1,5 triệu USD vào công ty Start-up công nghệ Việt sở hữu ứng dụng giao thông công cộng miễn phí hàng đầu Việt Nam - BusMap. Quyết định đầu tư này vừa là mong muốn góp phần phát triển thế hệ Việt trẻ tài năng, vừa tạo nên sự cộng hưởng sức mạnh để hoàn thiện hệ sinh thái Phenikaa, góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng, phát triển thành phố thông minh bền vững tại Việt Nam và tiến trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện các mục tiêu, định hướng cũng như các chủ trương chính sách của Chính phủ.
Với sự đầu tư và bảo trợ của Tập đoàn Phenikaa về con người, hệ thống và công nghệ, Công ty CP BusMap chính thức trở thành một đơn vị thành viên trong Tập đoàn Phenikaa và được đổi tên thành Công ty CP Công nghệ Phenikaa MaaS (gọi tắt là Phenikaa MaaS); từng bước tái cấu trúc, mở rộng sứ mệnh, tầm nhìn và định hướng phát triển kinh doanh, hướng tới trở thành một doanh nghiệp hàng đầu cung cấp các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực giao thông thông minh, thành phố thông minh tại Việt Nam.
Việc đầu tư này được cho là sẽ hỗ trợ tối đa cho dự án xe điện của Phenikaa, khi cách đây 3 tháng, Phenikaa vừa ra mắt xe tự hành cấp độ 4 "Made in Viet-Nam" đầu tiên (dựa trên thang đo 5 cấp độ cho xe tự lái của Hiệp hội Kỹ sư ô tô Hoa Kỳ (SAE).
Vài nét về Busmap (nay là Phenikaa MaaS)
BusMap là một Start-up công nghệ của một nhóm các kỹ thuật viên trẻ tài năng và ưu tú, dẫn đầu bởi CEO Lê Yên Thanh. Từ năm 2013, nhóm đặt mục tiêu phát triển một ứng dụng giao thông công cộng miễn phí – BusMap, dành cho hành khách sử dụng xe buýt nội thành, giúp người dân tối ưu hóa hành trình di chuyển bằng phương tiện công cộng theo hướng thuận tiện, hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn so với các hình thức di chuyển khác, qua đó thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu ùn tắc, ô nhiễm môi trường.
Chân dung founder BusMap - Lê Yên Thanh
Khởi đầu chỉ là một công ty Start-up nhỏ với số nhân sự vô cùng khiêm tốn, tuy nhiên bằng tài năng và sự nỗ lực không ngừng, BusMap đã có được hơn 2 triệu người dùng, thực hiện hơn 50 triệu chuyến đi và trở thành ứng dụng giao thông công cộng miễn phí hàng đầu tại Việt Nam. Ứng dụng được xây dựng trên nền tảng công nghệ lõi về bản đồ số, tích hợp trí tuệ nhân tạo và nâng cấp thuật toán tiên lượng, cho phép người dùng truy cập vào hệ thống bản đồ xe buýt nội đô, qua đó tìm được phương án di chuyển ngắn nhất với mức chi phí và thời gian thấp nhất.
Cuối năm 2020, ứng dụng BusMap xuất sắc vượt qua nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn để trở thành quán quân hạng mục "Thành phố thông minh thuộc ITU Digital World Awards" do Liên minh Viễn thông quốc tế tổ chức. Đây là giải thưởng uy tín vinh danh những giải pháp và cống hiến xuất sắc, với mục đích xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua các phát kiến và công nghệ hiện đại.
Chia sẻ về lý do đầu tư vào CTCP BusMap, nay là Phenikaa MaaS, đại điện Tập đoàn Phenikaa cho biết: "Là một doanh nghiệp kinh doanh có ý thức, Tập đoàn luôn tìm kiếm và phát triển các tài năng trẻ, tài trợ cho những sáng kiến, dự án nghiên cứu phát triển công nghệ mới, đổi mới công nghệ và khởi nghiệp có tính đột phá, có ảnh hưởng tích cực, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Thông qua ứng dụng giao thông BusMap, chúng tôi đánh giá cao tài năng, khát vọng cống hiến của đội ngũ người Việt trẻ trong việc chủ động sáng tạo nắm giữ công nghệ lõi, mong muốn góp phần đem lại cuộc sống thông minh, tốt đẹp hơn".
Với sự hỗ trợ và định hướng phát triển dài hạn của Tập đoàn Phenikaa, Phenikaa MaaS sẽ coi ứng dụng BusMap là công nghệ lõi, là nền tảng để phát triển các ứng dụng mang tính "cá nhân hóa" theo nhu cầu của từng đối tượng người dùng để giải quyết đa dạng các vấn đề trong đời sống và sản xuất kinh doanh. Từ đó, Phenikaa MaaS có thể mở rộng sản phẩm, dịch vụ về giao thông dành cho đối tượng doanh nghiệp, các tổ chức và cộng đồng.
Không còn là một dự án đầu tư thông thường, việc Tập đoàn Phenikaa "rót tiền" vào Start-up công nghệ Việt trẻ BusMap là cách Tập đoàn đang "hiện thực hóa cam kết" phát triển thế hệ trẻ Việt và thúc đẩy chuyển đổi số cho giao thông thông minh, thành phố thông minh, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.
Đồng thời, việc được gia nhập Tập đoàn Phenikaa giúp Phenikaa MaaS gia tăng sức mạnh, kiên định với chiến lược phát triển của Công ty: tạo ra các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao, tính ứng dụng thực tiễn và giá trị gia tăng cao đối với cộng đồng và xã hội. Việc đầu tư lần này cũng đánh dấu bước đi mới của Tập đoàn Phenikaa trong việc hiện thực khát vọng nâng tầm trí tuệ Việt song hành với định hướng phát triển lĩnh vực công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo, không ngừng nỗ lực góp phần vào việc thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.