Sau 1 năm bắt tay Grab, ví điện tử Moca đã tăng gấp 5 số ngân hàng liên kết, vượt qua đối thủ Momo
Ví điện tử Moca trên nền tảng Grab hiện đang liên kết trực tiếp với 21 ngân hàng, trong khi số lượng ngân hàng liên kết của Momo đang tạm dừng ở con số 20. Cách đây chừng 1 năm cũng là mốc đánh dấu cái bắt tay giữa Moca và Grab để fintech này đi nhanh hơn tại thị trường Việt Nam. Thuở ấy, Moca mới liên kết với 4 ngân hàng.
Theo thông tin từ Grab Việt Nam, ví điện tử Moca trên nền tảng Grab hiện đang liên kết trực tiếp với 21 ngân hàng, gồm: ACB, Agribank, BAC A BANK, BIDV, Eximbank, HDBank, MBBank, MSB, OCB, OceanBank, PVcomBank, Sacombank, SAIGONBANK, SCB, SHB, Shinhan Bank, Techcombank, Viet Capital Bank, Vietcombank, VietinBank, VPBank và một ngân hàng số Timo powered by VPBank.
Dựa vào thống kê trên, số lượng ngân hàng liên kết với Moca là lớn nhất so với các ví điện tử khác tại Việt Nam. Tính đến 3/9, ví điện tử MoMo mới có liên kết trực tiếp với 20 ngân hàng, còn Airpay cũng chỉ dừng ở con số 17 ngân hàng.
Trong khi đó, đối tác của Moca là Grab cũng vừa tuyên bố sẽ đầu tư 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tiếp theo để phát triển fintech, công nghệ di động và logistics.
Với số lượng ngân hàng liên kết trực tiếp này, ước tính Moca có khả năng tiếp cận được với gần 90% người dùng đang sở hữu thẻ ATM tại Việt Nam. Thông qua liên kết trực tiếp, ví Moca sẽ có được sự hỗ trợ hiệu quả, nhanh chóng và an toàn hơn từ hệ thống các ngân hàng đối tác, đồng thời giúp hàng chục triệu người dân có thêm điều kiện tận hưởng những tiện ích của thanh toán di động.
Tại thời điểm chính thức bắt tay với Grab vào tháng 9/2018, Moca mới chỉ liên kết được với 4 ngân hàng.
Moca mới chính thức bắt tay Grab hồi tháng 9/2018.
Hiện Moca cũng đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán di động. Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2019, tổng lượng giao dịch thanh toán qua ví Moca trên ứng dụng Grab đã tăng đến 150%, với số lượng người dùng tương tác hằng tháng tăng hơn 70%.
Tính đến tháng 8/2019, tỉ lệ giao dịch không dùng tiền mặt trên ứng dụng Grab đã chiếm đến 40%, một tỉ lệ cao đáng kể trong bối cảnh chỉ có dưới 10% giao dịch mua sắm tại Việt Nam được thực hiện không dùng tiền mặt.
Tính đến năm 2018, cả nước có 4,24 triệu ví điện tử đã được xác thực, liên kết với tài khoản ngân hàng. Giao dịch mỗi năm qua ví điện tử đạt 60 triệu với giá trị bình quân đạt 200.000 đồng/giao dịch. Đồng thời, theo dự báo của Ngân hàng Nhà nước, số người sử dụng ví điện tử tại Việt Nam sẽ đạt 10 triệu người vào năm 2020. Đây vẫn là một thị trường đầy tiềm năng cho các ví điện tử phát triển.