Sản phẩm in tiếng Hàn vô nghĩa nhưng xuất xứ Trung Quốc, Mumuso bị điều tra đạo nhái thương hiệu Hàn Quốc và bị yêu cầu đóng cửa văn phòng

23/10/2019 10:51 AM | Kinh doanh

Theo điều tra, cả Mumuso và Ilahui đều đang điều hành "công ty giấy" ở Hàn Quốc: Trả tiền thuê nhưng không thực sự điều hành văn phòng vật lý. Và điều đó đã vi phạm luật cạnh tranh cũng như luật thương hiệu ở xứ sở kim chi.

Cửa hàng Mumuso có thể đưa ra mức giảm giá tốt cho sản phẩm của mình nhưng thương hiệu này cũng khiến người tiêu dùng trên khắp châu Á không khỏi băn khoăn. Rất nhiều người có cùng câu hỏi: Đó là một nhà bán lẻ của Hàn Quốc hay Trung Quốc?

Sản phẩm in tiếng Hàn vô nghĩa nhưng xuất xứ Trung Quốc, Mumuso bị điều tra đạo nhái thương hiệu Hàn Quốc và bị yêu cầu đóng cửa văn phòng - Ảnh 1.

Một cửa hàng Mumuso ở Philippines.

Mumuso cùng hai thương hiệu khác là Ilahui và Yoyoso đã trở nên phổ biến trên khắp Đông Nam Á với việc kinh doanh sản phẩm chăm sóc cá nhân, làm đẹp và đồ gia dụng giá rẻ trong các cửa hàng tối giản. Trên thực tế, cả ba đều đến từ Trung Quốc, tuy nhiên họ đã khiến khách hàng nhầm lẫn bằng hình ảnh và thông tin sản phẩm bằng tiếng Hàn Quốc trên bao bì và không gian bán hàng của mình. Nhiều cửa hàng còn thường xuyên mở nhạc K-pop khiến người mua càng tin rằng sản phẩm của các công ty này được sản xuất tại Hàn Quốc.

Do vậy, nhà chức trách Hàn Quốc quyết định điều tra các hãng bán lẻ như Mumuso, Ilahui và Yoyoso với cáo buộc sao chép phong cách của thương hiệu Hàn Quốc. Ngày 26/9 vừa qua, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc và Văn phòng Công tố quận Daejeon đã yêu cầu Mumuso và Ilahui đóng cửa văn phòng tại Hàn Quốc.

Việc một số công ty xây dựng thương hiệu theo cách có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm về nguồn gốc xuất xứ không phải là hiếm. Nhãn hiệu Superdry của Anh sử dụng tiếng Nhật để in trên sản phẩm và logo, điều chắc chắn sẽ gây ra hiểu lầm với người mua hàng. Tuy nhiên, công ty này chưa gặp phải rắc rối về pháp lý từ chính quyền Nhật Bản.

Sản phẩm in tiếng Hàn vô nghĩa nhưng xuất xứ Trung Quốc, Mumuso bị điều tra đạo nhái thương hiệu Hàn Quốc và bị yêu cầu đóng cửa văn phòng - Ảnh 2.

Thương hiệu Superdry thực chất là của Anh.

Còn tại Hàn Quốc, luật pháp nước này có những quy định nhằm ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Các công ty gây nhầm lẫn bằng việc khiến người dùng hiểu sai về bản chất hoặc nguồn gốc sản phẩm có thể được coi là phạm luật. Theo điều tra, cả Mumuso và Ilahui đều đang điều hành "công ty giấy" ở Hàn Quốc: Trả tiền thuê nhưng không thực sự điều hành văn phòng vật lý. Và điều đó đã vi phạm luật cạnh tranh cũng như luật thương hiệu ở xứ sở kim chi.

June Park, chuyên gia kinh tế chính trị ở Seoul cho biết: "Bằng cách ngụy trang sản phẩm dưới dạng ‘sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc’, hoạt động của họ đã cấu thành hành vi lừa đảo qua quảng cáo sai lệch".

Quyết định của tòa án sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Mumuso và Ilahui ở Hàn Quốc. Mặc dù vậy, hoạt động của họ cùng những thương hiệu "lấy cảm hứng từ Nhật Bản" khác như Miniso tại thị trường châu Á như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ… được cho là chưa bị ảnh hưởng.

Sản phẩm in tiếng Hàn vô nghĩa nhưng xuất xứ Trung Quốc, Mumuso bị điều tra đạo nhái thương hiệu Hàn Quốc và bị yêu cầu đóng cửa văn phòng - Ảnh 3.

Một cửa hàng Miniso.

Mới đây, cảnh sát Thái Lan đã tịch thu khoảng 1.300 sản phẩm Mumuso do vi phạm quy định về thông tin sản phẩm. Bên cạnh đó, một cuộc điều tra đã xác định rằng hơn 99% sản phẩm Mumuso được bán tại Việt Nam đều sản xuất tại Trung Quốc.

Chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng có thể là chìa khóa để bảo vệ những sản phẩm "Made in Korea" ngay cả khi chính quyền gặp hạn chế nhất định trong việc xử lý thương hiệu đạo nhái. Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Hàn Quốc đã yêu cầu cơ quan Hải quan nước này tăng cường các biện pháp để đối phó với các thương hiệu đạo nhái đồng thời cảnh báo người tiêu dùng trong và ngoài nước về sản phẩm mạo danh xuất xứ Hàn Quốc. Ở những nước như Phillipines, người tiêu dùng không mấy tin tưởng vào sản phẩm Trung Quốc và họ sẽ không mua hàng nếu như đó là nhãn hiệu sao chép.

Gia Vũ

Cùng chuyên mục
XEM